Theo Thủ tướng Malaysia Najib Razak, dự kiến GDP của ASEAN sẽ đạt 4.700
tỷ USD vào năm 2020 và ASEAN có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ
tư trên thế giới vào năm 2030.
Ngày 22/11/2015 đã đi vào lịch sử của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
(ASEAN), đánh dấu giai đoạn mới của khu vực với việc 10 nước thành viên
ký Tuyên bố Kuala Lumpur về hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015 - một
văn kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hội nhập về kinh tế, chính trị và văn
hóa xã hội sâu rộng hơn của toàn khu vực.
Việc ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 ở
thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) thể hiện việc hoàn tất kế hoạch xây dựng
cộng đồng trong hơn 10 năm kể từ khi ý tưởng về một Cộng đồng ASEAN lần
đầu tiên được đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Bali (Indonesia)
năm 2003.
Thủ tướng Malaysia, nước Chủ tịch ASEAN 2015, chính thức tuyên bố Cộng đồng ASEAN được thành lập vào ngày 31/12/2015.
Được xây dựng trên ba trụ cột là Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng
Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội, Cộng đồng ASEAN dự kiến sẽ trở
thành một cộng đồng “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, chia sẻ
trách nhiệm xã hội, và thực sự hướng tới người dân, lấy người dân làm
trung tâm.”
Giờ đây, ASEAN là một gia đình lớn với dân số 630 triệu người, lớn hơn
dân số của Liên minh châu Âu (500 triệu người) và Bắc Mỹ (444 triệu
người).
Việc hình thành cộng đồng là một nỗ lực phi thường của tất cả các nước
thành viên trong khu vực nhằm đưa các quốc gia tiến đến gần nhau hơn
thông qua hội nhập kinh tế lớn hơn, nâng cao vị thế xã hội, đồng thời
đảm bảo duy trì an toàn và ổn định trong khu vực.
ASEAN giờ đây phải đảm bảo tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất chung
thực sự với sự lưu chuyển tự do về hàng hóa và dịch vụ. Để đạt được mục
đích này, một trong những yêu cầu cơ bản là phải có tiêu chuẩn sản phẩm
chung, thúc đẩy kết nối kinh tế lớn hơn và xóa bỏ rào cản thương mại.
Hiện ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới với tổng GDP khoảng 2.400 tỷ USD.
Theo Thủ tướng Malaysia Najib Razak, dự kiến GDP của ASEAN sẽ đạt 4.700
tỷ USD vào năm 2020 và ASEAN có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ
tư trên thế giới vào năm 2030.
Ông chỉ ra rằng khái niệm về Cộng đồng ASEAN đã vượt xa những nhận thức
quan tâm về kinh tế, nó bao gồm cả sự ghi nhận về mối quan hệ đặc biệt,
ràng buộc giữa những người dân, làm cho mọi công dân trong khu vực cảm
thấy tinh thần ASEAN trong huyết mạch của họ.
Đối với người dân Đông Nam Á, để hiểu được ý nghĩa của Cộng đồng ASEAN,
các nước thành viên phải mang lại lợi ích trực tiếp và hữu hình tạo cảm
giác rằng họ thực sự thuộc về khu vực.
Cộng đồng ASEAN không chỉ là phát triển về kinh tế và GDP cao, mà quan
trọng hơn nó còn tạo ra cảm nghĩ chung cho người dân khu vực rằng họ là
một phần của Cộng đồng các nước ASEAN thống nhất.
ASEAN vẫn còn nhiều việc phải làm sau khi Cộng đồng chung được thành
lập. Bởi vậy, Tuyên bố Kuala Lumpur về Tầm nhìn ASEAN 2025 cùng với Kế
hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025, Kế hoạch tổng thể
Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, và Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã
hội ASEAN 2025 - hợp thành văn kiện “ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến
bước,” được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua và ký tại Kuala Lumpur là
lộ trình phát triển tiếp theo của Cộng đồng ASEAN trong 10 năm tới, từ
2016-2025.
Các nhà lãnh đạo ASEAN ký Tuyên bố Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Nguồn: THX/TTXVN)
Theo các quan chức cấp cao ASEAN, văn kiện nêu rõ mục tiêu của ASEAN
trong việc củng cố và phát triển một khu vực vững mạnh hơn, hội nhập khu
vực sâu rộng và gắn kết hơn, đặt tầm quan trọng lớn hơn vào người dân
và phúc lợi xã hội của họ, tăng cường nhận thức về ASEAN và tầm nhìn về
một cộng đồng gắn kết về chính trị, hội nhập về kinh tế và chia sẻ trách
nhiệm xã hội, thu hút sự tham gia của mọi người dân các nước ASEAN, đảm
bảo quyền con người và cuộc sống tốt hơn cho người dân, thực hiện các
chương trình nghị sự ASEAN và tăng cường củng cố các cơ quan và Ban Thư
ký ASEAN.
Văn kiện tái khẳng định các mục tiêu và nguyên tắc được ghi trong Hiến
chương ASEAN phản ánh mong muốn và ý chí chung được sống trong một khu
vực hòa bình, an ninh và ổn định lâu dài, tăng trưởng kinh tế bền vững,
tiến bộ xã hội và thịnh vượng chung, cũng như thúc đẩy các lợi ích, lý
tưởng và nguyện vọng của ASEAN.
Tại lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27, Thủ tướng Malaysia
Razak khẳng định với việc ký hai tuyên bố lịch sử trên, ASEAN có thể tự
hào rằng các nước thành viên đã sẵn sàng bắt đầu cuộc hành trình mới của
tiến trình xây dựng cộng đồng trong tất cả ba trụ cột: Cộng đồng Chính
trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội.
Tiếp quản chức Chủ tịch ASEAN từ Malaysia, Thủ tướng Lào Thongsing
Thammavong cho biết logo và chủ đề xuyên suốt năm Cộng hòa dân chủ nhân
dân Lào làm Chủ tịch ASEAN 2016 là “'Biến tầm nhìn thành hiện thực vì
một ASEAN năng động.”
Lào sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác hiệu quả, hướng tới xây dựng một Cộng
đồng ASEAN năng động và thịnh vượng. Lào sẽ góp phần vào sự nghiệp chung
trong việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển trong
khu vực./.
TK