Nhân dịp 10 năm thành lập, các lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Kỷ niệm 10 năm EAS, đồng thời cam kết thúc đẩy hợp tác trong sáu lĩnh vực ưu tiên là năng lượng, giáo dục, tài chính, y tế toàn cầu, môi trường và quản lý thiên tai, và kết nối ASEAN.
Các lãnh đạo cũng đã trao đổi ý kiến về tình hình khu vực và quốc tế, nhất là những vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực nổi bật hiện nay như chống khủng bố, an ninh biển, biến đổi khí hậu... Về vấn đề Biển Đông, nhiều nước chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông, bao gồm việc bồi đắp các đảo/đá, làm xói mòn lòng tin và đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông. Các nước nhấn mạnh lợi ích chung và tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; bảo đảm thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng và thúc đẩy lòng tin, tự kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, cam kết không theo đuổi quân sự hóa các cấu trúc ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); hoan nghênh cam kết giữa ASEAN và Trung Quốc chuyển sang giai đoạn mới về tham vấn xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và phấn đấu sớm đạt COC.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu tại Hội nghị (Toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo hôm nay).
* Tại Hội nghị cấp cao Kỷ niệm ASEAN - Niu Di-lân, các nhà lãnh đạo nhất trí nâng cấp quan hệ ASEAN - Niu Di-lân lên quan hệ đối tác chiến lược; đánh giá cao các thành tựu đã đạt được trong suốt 40 năm qua trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển và giao lưu nhân dân. Hai bên cam kết sẽ tăng cường hội nhập sâu rộng hơn ở khu vực, góp phần hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2025 cũng như cùng triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động ASEAN - Niu Di-lân giai đoạn 2016-2020. Các lãnh đạo ASEAN hoan nghênh việc Niu Di-lân sẽ tăng mạnh đầu tư vào Chiến lược Con người và Chiến lược Thịnh vượng với cam kết hỗ trợ ASEAN 200 triệu đô-la Niu Di-lân trong ba năm tới. Hai bên cũng nhất trí các ưu tiên hợp tác trong thời gian tới, trong đó chú trọng bảo đảm hòa bình, an ninh ở khu vực, xử lý các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, hợp tác hàng hải, hội nhập kinh tế, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, năng lượng, giáo dục, du lịch, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, giao lưu nhân dân, quản lý thiên tai, môi trường, biến đổi khí hậu, y tế. Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố chung kỷ niệm 40 năm quan hệ đối tác ASEAN-Niu Di-lân.
* Cùng ngày tiếp tục diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 18.
Các lãnh đạo đánh giá cao các kết quả triển khai Tuyên bố tầm nhìn hợp tác và hữu nghị ASEAN-Nhật Bản được thông qua năm 2013 nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản. Trong hợp tác kinh tế, Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba với kim ngạch hai chiều đạt 229 tỷ USD năm 2014 và là nước đầu tư lớn thứ hai của ASEAN với tổng số vốn 23,4 tỷ USD. Hai bên cam kết tiếp tục các nỗ lực nâng gấp đôi thương mại và đầu tư vào năm 2022, hoan nghênh các tiến độ triển khai Lộ trình Hợp tác Kinh tế 10 năm ASEAN-Nhật Bản. Hai bên nhất trí dành ưu tiên cho hợp tác về kết nối, hội nhập khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy hợp tác tiểu vùng thông qua triển khai Chiến lược Tô-ki-ô 2015 về hợp tác Mê Công Nhật Bản. Hai bên cam kết đấu tranh chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia và sẽ sớm triển khai các kế hoạch công tác liên quan. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực về năng lượng, quản lý và giảm thiểu các nguy cơ thảm họa, y tế, công nghệ thông tin và truyền thông, giao lưu nhân dân, trao đổi sinh viên.
* Tại HNCC ASEAN-Hàn Quốc, các lãnh đạo ghi nhận kết quả triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015 và hoan nghênh việc thông qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020. Hội nghị ghi nhận tiến triển tích cực trong thương mại hai chiều ASEAN-Hàn Quốc. Hàn Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ năm của ASEAN kể từ năm 2010 và là nước đầu tư lớn thứ sáu vào ASEAN. Hai bên cam kết đẩy mạnh các nỗ lực hướng tới mục tiêu nâng thương mại hai chiều lên mức 200 tỷ USD vào năm 2020. Hai bên cũng nhất trí các ưu tiên hợp tác trong thời gian tới, trong đó có giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, quản lý rừng bền vững, kết nối cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và truyền thông, giao lưu nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng thúc đẩy hợp tác văn hóa ASEAN-Hàn Quốc và hoan nghênh thành lập Ngôi nhà Văn hóa ASEAN tại Bu-san vào năm 2017 nhằm tăng cường hiểu biết văn hóa ASEAN ở Hàn Quốc.
* Tại HNCC ASEAN-Liên hợp quốc, Hội nghị hoan nghênh việc thông qua Chương trình nghị sự Liên hợp quốc 2030 về phát triển bền vững. Các bên cũng nhấn mạnh mối quan hệ tương hỗ giữa Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc với Tầm nhìn ASEAN 2025 trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở Đông - Nam Á, cam kết củng cố và mở rộng quan hệ ASEAN-Liên hợp quốc nhằm duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Đông - Nam Á, cũng như thúc đẩy cấu trúc khu vực do ASEAN giữ vai trò trung tâm. Hội nghị lên án các cuộc tiến công khủng bố quy mô lớn diễn ra thời gian gần đây, nhấn mạnh nhu cầu tăng cường nỗ lực chung đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức và khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện. Các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh các đóng góp của Liên hợp quốc thúc đẩy kết nối ASEAN, hội nhập khu vực trong các lĩnh vực thương mại, giao thông, năng lượng, khoa học-công nghệ, giải quyết các thách thức liên quan đến bền vững môi trường, bất bình đẳng kinh tế-xã hội. Các bên nhất trí tăng cường hợp tác về lương thực, nông-lâm nghiệp, y tế, bệnh truyền nhiễm, quản lý và giảm thiểu nguy cơ thảm họa, chống ma túy, biến đổi khí hậu.
* Ký Tuyên bố về Hình thành Cộng đồng ASEAN và Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2025
Cùng ngày, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố lịch sử Cu-a-la Lăm-pơ về Hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và Tuyên bố Cu-a-la Lăm-pơ về Tầm nhìn ASEAN 2025 với sự chứng kiến của lãnh đạo các nước đối thoại và Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Với lễ ký kết này, các lãnh đạo ASEAN chính thức công bố Cộng đồng ASEAN sẽ ra đời vào ngày 31-12-2015, đưa ASEAN bước sang giai đoạn phát triển mới tiếp tục củng cố và nâng tầm liên kết trên cơ sở phát huy các thành tựu đạt được, đồng thời khẳng định vị thế của ASEAN trong cộng đồng quốc tế.
Việc xây dựng Cộng đồng ASEAN là một quá trình liên tục và lâu dài, trong đó sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình liên kết ASEAN và sự hình thành cộng đồng này có ý nghĩa hết sức to lớn, cụ thể là đã phản ánh được sự lớn mạnh của ASEAN sau 48 năm hình thành và phát triển vươn lên trở thành một cộng đồng liên kết chặt chẽ trên cả ba trụ cột là: Chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, với vị thế ngày càng cao ở cả khu vực và thế giới. Cộng đồng ASEAN cũng thể hiện lợi ích, nhận thức, tầm nhìn chung cũng như ý chí, quyết tâm chính trị của các nước thành viên về nhu cầu tăng cường liên kết ở mức cao hơn để kịp thời ứng phó và thích ứng trước các cơ hội, thách thức đặt ra cho khu vực; đưa ASEAN chính thức trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội, tạo nền tảng quan trọng để ASEAN tiếp tục củng cố và làm sâu sắc liên kết, mang lại lợi ích chung cho tất cả các nước thành viên. ASEAN ngày nay là một khu vực hòa bình, nền kinh tế gắn kết và thống nhất với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2.600 tỷ USD (tăng 80% trong bảy năm qua), không chỉ hội nhập sâu rộng vào cấu trúc an ninh và kinh tế toàn cầu, mà còn là một khu vực năng động với nhiều cơ hội và triển vọng phát triển to lớn. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nước thành viên, như tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ nhờ việc xóa bỏ thuế quan, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thuận lợi đi lại.
Tầm nhìn ASEAN 2025 mang tên “Vững vàng cùng tiến bước”, hướng tới một Cộng đồng thống nhất, hòa bình, ổn định và cùng chia sẻ sự phồn vinh; hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, tăng cường sự gắn kết và bản sắc chung, trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN; một Cộng đồng hòa bình, ổn định và tự cường với năng lực được nâng cao để ứng phó hiệu quả với các thách thức, đồng thời giữ vững vai trò trung tâm của mình.
Để đạt được Tầm nhìn ASEAN 2025, các nhà lãnh đạo ASEAN tuyên bố sẽ hiện thực hóa cộng đồng với năng lực thể chế được tăng cường thông qua cải thiện quy trình hoạt động và phối hợp trong ASEAN.
* Cùng ngày đã diễn ra Lễ thông qua Tuyên bố về Đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm đẩy mạnh các nỗ lực của các bên trong đàm phán RCEP.
* Tại cuộc họp báo sau Lễ bế mạc HNCC ASEAN lần thứ 27 và các HNCC liên quan, Thủ tướng Ma-lai-xi-a N.Ra-dắc cho biết, các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết tăng cường đoàn kết, làm sâu sắc hơn các mối liên kết trong vòng 10 năm tới bằng việc thực hiện lộ trình theo Tuyên bố về Tầm nhìn ASEAN 2025. Liên quan vấn đề Biển Đông, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, tăng cường tin cậy, hiểu biết lẫn nhau cũng như kiềm chế trong việc triển khai các hoạt động, phù hợp các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí đẩy nhanh việc hoàn tất COC, đồng thời nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ DOC.
* Trước đó tại Cu-a-la Lăm-pơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Tổng thống Hoa Kỳ B.Ô-ba-ma bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ đối tác toàn diện, có hiệu quả với Hoa Kỳ. Thủ tướng cảm ơn Tổng thống B.Ô-ba-ma đã nỗ lực phối hợp với lãnh đạo các nước thành viên kết thúc thành công đàm phán Hiệp định TPP; đề nghị Hoa Kỳ đóng góp tích cực hơn nữa vào việc bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, kể cả ở Biển Đông.
Tổng thống B.Ô-ba-ma cho rằng, Hoa Kỳ và Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để phê chuẩn và triển khai thực hiện hiệu quả TPP; đánh giá cao việc Việt Nam hợp tác hiệu quả trong quá trình đàm phán TPP. Về vấn đề Biển Đông, Hoa Kỳ ủng hộ lập trường của Việt Nam và cho rằng Việt Nam và các nước ASEAN cần có tiếng nói chung và tăng cường phối hợp giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thỏa thuận khu vực. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời Tổng thống B.Ô-ba-ma sớm thăm Việt Nam và Tổng thống B.Ô-ba-ma đã nhận lời.
* Trong khuôn khổ HNCC ASEAN 27 và các HNCC liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nga Đ.Mét-vê-đép. Đây là cuộc gặp lần thứ ba giữa hai Thủ tướng trong năm 2015, thể hiện tinh thần hữu nghị, sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Nga, làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Đ.Mét-vê-đép hài lòng với kết quả hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư thời gian qua, đặc biệt là việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu, mở ra những cơ hội mới to lớn để thúc đẩy quan hệ song phương. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Nga, với tư cách là nước đầu tàu của Liên minh kinh tế Á - Âu, sớm phê chuẩn và thúc đẩy các nước thành viên khác để Hiệp định có hiệu lực. Để cuộc họp Ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước sắp tới thành công tốt đẹp, hai Thủ tướng nhất trí sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của hai nước tích cực chuẩn bị, thảo luận để thống nhất danh mục các công việc sẽ triển khai trong năm 2016, trong đó có việc thúc đẩy thực hiện các dự án lớn về năng lượng điện hạt nhân, dầu khí, lắp ráp ô-tô…
Liên quan tình hình Biển Đông, Thủ tướng Mét-vê-đép nhấn mạnh, để giải quyết hòa bình các tranh chấp, các bên liên quan cần nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
* Tại Cu-a-la Lăm-pơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Ô-xtrây-li-a M.Tơn-bun bên lề HNCC ASEAN 27 và các HNCC liên quan. Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về sự phát triển ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc hơn của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, trao đổi và nhất trí các biện pháp tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục - đào tạo… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá Ô-xtrây-li-a là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam, đề nghị Ô-xtrây-li-a tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam tiếp cận thị trường Ô-xtrây-li-a. Thủ tướng Ô-xtrây-li-a hy vọng các mặt hàng nông sản như xoài và thanh long của Việt Nam sẽ sớm có mặt trên thị trường Ô-xtrây-li-a vào cuối năm nay.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và triển khai hiệu quả sáng kiến về Liên minh các nhà lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương phòng, chống bệnh sốt rét. Hai bên chia sẻ lo ngại về tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến phức tạp, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không tiến hành quân sự hóa Biển Đông.
* Sáng 22-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Tổng thống In-đô-nê-xi-a G.Uy-đô-đô.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn, toàn diện của In-đô-nê-xi-a nhấn mạnh ý nghĩa và kết quả hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong 60 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1955. Tổng thống G.Uy-đô-đô khẳng định chính sách nhất quán của In-đô-nê-xi-a thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị với Việt Nam.
Để tiếp tục đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - In-đô-nê-xi-a phát triển theo hướng sâu rộng, thực chất, hiệu quả vì lợi ích của nhân dân hai nước, lợi ích của Cộng đồng ASEAN, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Uy-đô-đô đã cùng nhau thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác, đối thoại giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, quốc phòng - an ninh, hợp tác biển. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ In-đô-nê-xi-a xử lý các vụ việc liên quan tàu thuyền và ngư dân Việt Nam trên tinh thần nhân đạo. Hai nhà lãnh đạo đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm đạt được COC.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chuyển lời mời của các nhà lãnh đạo Việt Nam mời Tổng thống In-đô-nê-xi-a sớm sang thăm Việt Nam. Tổng thống In-đô-nê-xi-a đã nhận lời.
* Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự HNCC ASEAN lần thứ 27 và các HNCC liên quan tại Ma-lai-xi-a, lên đường về nước.
Theo Nhân Dân