Thứ Sáu, 27/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 12/10/2011 20:39'(GMT+7)

Ghi nhận bước đầu thực hiện giảm tải ở Điện Biên

Giờ Sinh học được giảm tải ở Trường THCS Keo Lôm chuyển sang tiết ôn tập, thảo luận.

Giờ Sinh học được giảm tải ở Trường THCS Keo Lôm chuyển sang tiết ôn tập, thảo luận.

Ngay sau khi thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ Giáo dục - Đào tạo, theo hướng cắt giảm ở các cấp học phổ thông (từ lớp 1 - 12) được dư luận, nhất là thầy cô giáo, học sinh hồ hởi đón nhận.

Sau 2 tháng triển khai thực hiện chủ trương này, ở tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh, đã có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại có thể xảy ra việc “giảm cái này lại tăng cái kia”...

Cô giáo Bùi Anh Hào dạy bộ môn Văn học lớp 12, Trường THPT Phan Đình Giót trao đổi với chúng tôi: Điều chỉnh nội dung theo hướng cắt giảm ở môn Văn học ở khối 10, 11 thực sự rõ nét trong các tiết dài, khó, không quan trọng. Nhưng ở khối 12, có tới 1/3 tiết dài, khó thì cả năm học, chỉ cắt giảm duy nhất có một bài.

Đặc biệt ở phân môn tiếng Việt, mấy năm trở lại đây không áp dụng trong thi, nhưng không cắt giảm một tiết nào. Như vậy theo cô Hào, thì việc cắt giảm chưa thực sự thiết thực và đạt được hiệu quả. Vì trường có tới 80% số học sinh là người dân tộc thiểu số nên về mặt bằng chung nhận thức còn hạn chế, môn Văn học 12 có nhiều bài dài nếu để em học sinh đọc yếu thì gần hết một tiết học mới hết bài.

Giải pháp duy nhất cô Hào cho các em đọc bài ở nhà, hoặc đọc trên lớp chọn những em đọc tốt... Trong các tiết dạy giáo viên khó dạy kỹ, đào sâu kiến thức cho các em.  

Tìm hiểu thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học tại Trường THCS xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông. Sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Phòng Giáo dục - Đào tạo, Nhà trường đã tiến hành tự điều chỉnh nội dung đã được giảm tải từng môn, trên nguyên tắc không thay đổi thời lượng dạy học.

Theo nội dung hướng dẫn môn học: “không dạy”, “không bắt buộc” hoặc “đọc thêm” giáo viên dành thời lượng của nội dung này để luyện tập, củng cố, hướng dẫn thực hành cho học sinh. Nội dung này, Nhà trường giao cho các tổ chuyên môn cùng giáo viên dạy, thống nhất về nội dung giảng dạy thay thế.

Trong quá trình thực hiện còn một số vướng mắc như: Nội dung ôn tập, củng cố, thực hành được đưa vào thay thế, so với nội dung kiến thức cắt giảm lại nặng hơn. Giáo viên bộ môn trong tổ chuyên môn chưa biết thống nhất như thế nào cho phù hợp.

Đối với các tiết học được tăng thời lượng (từ 1 tiết thành 2 tiết), với yêu cầu phải đảm bảo tính liên tục của mạch kiến thức trong cùng một bài học. Nhưng có tiết dạy, giáo viên không biết phân ra như thế nào để dạy cho phù hợp.

Thầy Nguyễn Thế Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trực tiếp lấy ví dụ cho chúng tôi bài: Danh từ (môn Ngữ Văn 8) theo phân phối chương trình được dạy trong 2 tiết, nay thực hiện điều chỉnh vẫn 2 tiết nhưng được cắt bỏ phần I. Giáo viên loay hoay, không biết phân bổ kiến thức bài dạy như thế nào cho hợp lý (khi 2 tiết chỉ còn dạy phần Danh từ chung và Danh từ riêng), phần I là đặc điểm của Danh từ. Để học sinh nhận biết được thế nào là Danh từ, bị cắt bỏ.

Như vậy theo thầy Hùng, thì tính liên tục của mạch kiến thức trong cùng một bài học đã bị phá vỡ. Nếu không dạy lại nội dung kiến thức cũ cho các em, thì bài mới các em rất khó tiếp thu vì theo như tinh thần chỉ đạo cắt giảm tiết lặp lại ở những năm học trước.

Đối với học sinh của trường 100% là người dân tộc thiểu số nếu không được học lại kiến thức cũ thì nội dung bài mới các em không thể nắm được. Thầy Hùng mạnh dạn đề đạt ý kiến: Đối việc giảm tải học sinh vùng đặc biệt khó khăn mong được cắt giảm nhiều hơn nữa vì như trong chương trình Tiếng Việt lớp 7 có những bài dạy xong, học sinh không thể nào tiếp thu được kiến thức vì quá khó.

Phóng viên trao đổi với các em học sinh bán trú của Trường THCS Noong U, huyện Điện Biên Đông.
Phóng viên trao đổi với các em HS bán trú của Trường THCS Noong U, huyện Điện Biên Đông.

Trao đổi với ông Lê Ngọc Xuyên, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông về nội dung điều chỉnh dạy học theo hướng giảm tải, ông cho biết: Sở Giáo dục - Đào tạo, thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục - Đào tạo, giảm chương trình kiến thức nội dung đã được học lớp trước, lớp sau lại lặp lại. Nội dung kiến thức quá khó, dài...

Sở giao cho giáo viên bộ môn, tổ nhóm chuyên môn, tự bổ xung nội dung dạy vào các tiết giảm tải. Qua thời gian thực hiện, Sở Giáo dục - Đào tạo đã nhận được phản hồi của một số trường như một số ý kiến đã nêu trên. Đặc biệt, bộ môn Mỹ thuật, Âm nhạc giảm nhiều nên giáo viên lúng túng, chưa biết đưa nội dung gì vào giảng dạy. Sở đang nghiên cứu hướng giải quyết vướng mắc này theo chủ trương hướng dẫn các trường thay thế các tiết cắt giảm này bằng việc học các bài dân ca, nhạc và các hoạt động mang bản sắc văn hóa của từng dân tộc.

H/S Trường Tiểu học Noong U, huyện Điện Biên Đông
H/S Trường Tiểu học Noong U, huyện Điện Biên Đông

Điều chỉnh nội dung cho vừa sức học sinh là rất cần thiết nhưng cần có điều chỉnh sao cho phù hợp với từng vùng miền, có như vậy mới phát huy cao độ hiệu quả của chủ trương này.


Phạm Kiên Cường/GD&ĐT

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất