Chưa bao giờ môn học kỹ năng sống được nhiều gia đình quan tâm như gần đây. Và từ năm học này, ngành giáo dục quyết định đưa kỹ năng sống vào nhà trường, trở thành một môn học trong trường tiểu học. Vấn đề đặt ra là làm thế nào trẻ lĩnh hội được những kiến thức về kỹ năng sống?
Giáo viên phải có trình độ về kỹ năng
“Trẻ em là một đối tượng đặc biệt, nếu các em tiếp xúc với các kĩ năng sống không cẩn thận, có thể để lại những hậu quả tiêu cực” - cô Nguyễn Phương Lan, hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch Vọng A chia sẻ.
Không ít trẻ em thiếu kỹ năng sống, chỉ cần một người lạ khi tiếp xúc tạo thiện cảm với các em, rồi hôm sau cho các em vài chiếc kẹo, các em đã có thể theo người đó. Do vậy, các bài giảng của giáo viên trên lớp, cũng như vấn đề giáo dục kỹ năng mềm cho trẻ em rất cần thiết và phải thật khéo léo – cô Phương Lan nhấn mạnh.
Thế nhưng truyền đạt thế nào, dạy thế nào để trẻ hiểu và nhận thức được vấn đề không hề đơn giản. Thực tế cho thấy, dù dạy môn kỹ năng nhưng chính giáo viên lại thiếu kỹ năng giảng dạy.
Cháu Diệu Huyền (Trường tiểu học Dịch Vọng A) cho biết: “Cô giáo nói nhiều lắm, nhưng con không hiểu hết”. Thậm chí, nhiều phụ huynh cho biết, sau khi học vài buổi kỹ năng, con em họ không muốn đi học nữa, không tự tin thể hiện mình và vẫn rất nhút nhát.
Cô Vũ Thu Hương (giáo viên Trường tiểu học Nhân Chính- Thanh Xuân- Hà Nội) cho biết, hiện tại trường Tiểu học Nhân Chính đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống vào lồng ghép trong tất cả các môn học và giáo viên phải chủ động trong việc này. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có một giáo trình thống nhất, nên phần lồng ghép này đôi khi khiến giáo viên lúng túng: Lồng ghép ra sao? Lồng ghép như thế nào là hiệu quả nhất?
Theo cô Hương, sự lồng ghép kiến thức kỹ năng sống vào các môn học phải đơn giản, thú vị, để các em đều có thể nghe, và thích nghe. Mỗi giáo viên chính là người cần phải có kỹ năng sống. Đơn giản như một môn mỹ thuật, người giảng dạy khéo léo sẽ cho các em những bài học rất tốt về kỹ năng. Dạy vẽ về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, qua đó nói với các em ý thức bảo vệ bản thân, bảo vệ môi trường xung quanh. Qua một bài vẽ, cô giáo còn phải biết liên hệ với hát, múa, khơi gợi ở các em sự tự tin biểu diễn trước đám đông. “Dạy kĩ năng hay, để các em nhỏ tiếp thu tốt, là vấn đề không đơn giản”- cô Hương nói.
Dạy con kỹ năng sống từ khi còn nhỏ
Đó là ý kiến của không ít các giáo viên mầm non, tiểu học, các chuyên gia tâm lý về vấn đề dạy, học kỹ năng sống hiện nay ở trẻ em.
Cô Trần Thị Thuyết, giáo viên lớp mầm non của Trường Quốc tế Hà Nội Academy (khu đô thị mới Nam Thăng Long - Ciputra) cho biết, có những em nhỏ lớn lên trong môi trường quá giàu có, được chăm sóc đặc biệt nên đã hình thành trong các em tâm lý, chỉ chơi với những bạn nào trông phải thật giàu có, thật sạch sẽ.
Được chăm sóc quá cẩn thận, “nâng niu” từ bé, có em nhút nhát, không dám thể hiện mình, có em mắc bệnh tự kỷ. Do vậy, các em phải được học kỹ năng sống từ bé, được người lớn uốn nắn, giúp các em trở thành những người biết sống vì người khác.
Những năm gần đây, các trung tâm đào tạo kĩ năng sống cho trẻ em được mở ra rất nhiều. Riêng ở Hà Nội có thể kể đến Tâm Việt, ABS Training, Eveil, Skids Club, Trường đội Lê Duẩn, Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội … Thế nhưng, có phải em nào cũng có điều kiện tham gia, và liệu cứ tham gia là các em có kỹ năng sống tốt?
Cô Thu Hương chia sẻ có những em điều kiện gia đình tốt, tham gia nhiều câu lạc bộ ngoài trường nhưng tới lớp vẫn không gọn gàng, không biết vệ sinh cá nhân.
Học kỹ năng sống bên ngoài là rất tốt, song các em nhỏ cần được cha mẹ hướng dẫn, quan tâm ngay trong gia đình mình, đó chính là môi trường rèn luyện kỹ năng sống tốt nhất cho trẻ. Đó là lời khuyên của nhiều chuyên gia tâm lý./.
Theo Lao Động