Thứ Năm, 26/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 22/11/2013 21:19'(GMT+7)

Ghi nhận và phát huy những thành tựu của Việt Nam trong thúc đẩy và phát triển du lịch

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong hai ngày 21 và 22/11/2013, tại chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) đã diễn ra Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững. Tuyên bố Ninh Bình về Du lịch tâm linh về Sự phát triển bền vững được thông qua, ghi nhận Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy và phát triển du lịch.

 Dự khai mạc có đồng chí Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các đồng chí: Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương; Hoàng Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ công an; đại diện các Bộ, ngành Trung ương...Về phía tỉnh Ninh Bình có các đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh; Nguyễn Tiến Thành, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Thắng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Về phía Tổ chức du lịch thế giới có ông Zoltan Somogyi, Phó Tổng thư ký tổ chức du lịch thế giới, Giám đốc điều hành phụ trách Ban hỗ trợ và Quan hệ với các nước thành viên. Hội nghị còn có sự tham gia của gần 400 đại biểu, trong đó có 150 đại biểu quốc tế đến từ 30 quốc gia thành viên Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) như Ấn Độ, Ai Cập, Butan, Campuchia, Hàn Quốc, Myanmar…; các tổ chức quốc tế; tổ chức phi Chính phủ; đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam, đại diện các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành phố; một số công ty lữ hành lớn; các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.

Phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã khẳng định: “Việc tổ chức hội nghị Quốc tế Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững” tại khu du lịch tâm linh Núi chùa Bái Đính không chỉ là cơ hội quý cho chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình và các địa phương khác của Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, nâng cao hiểu biết về bảo vệ các giá trị tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa để phát triển, quản lý, xúc tiến các sản phẩm du lịch tâm linh; về vai trò, sự tham gia của cộng đồng địa phương trong quản lý và phát triển du lịch tâm linh mà còn là dịp tôt để kết nối các giá trị văn hóa, các nền văn hóa mỗi quốc gia, khu vực gìn giữ, bảo tồn.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định, Việt Nam coi du lịch tâm linh là loại hình văn hóa, một nhân tố quan trọng mang lại sự tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, du lịch tâm linh còn phát huy tinh thần yêu nước, niềm tin, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước. Việt Nam khuyến khích và tạo mọi điều kiện hợp tác quốc tế để phát triển du lịch tâm linh. Sự thành công của hội nghị sẽ là động lực mới cho sự phát triển du lịch toàn cầu…Việt Nam khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế về sự phát triển du lịch đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng.

Trong 2 ngày 21 và 22/11, gần 20 tham luận của các đại biểu trong nước và quốc tế đã tập trung vào 4 chủ đề chính là: Ý nghĩa của du lịch tâm linh, Giao lưu văn hóa và du lịch có trách nhiệm, tăng cường sự tương tác giữa người với người thông qua du lịch tâm linh, tính bền vững tại các điểm du lịch tâm linh và sản phẩm du lịch tâm linh với những kinh nghiệm thực tiễn.

Với sự tham dự của đại diện Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các Bộ trưởng Du lịch và các quan chức du lịch của các quốc gia thành viên Tổ chức Du lịch thế giới, đại diện ngành du lịch, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội dân sự, nghề nghiệp và các chuyên gia quốc tế,  Hội nghị đã được tổ chức thành công với việc thông qua Tuyên bố Ninh Bình về Du lịch tâm linh vì Sự phát triển bền vững, trong đó:

Nhìn nhận Bộ Quy tắc ứng xử toàn cầu trong Du lịch của Tổ chức Du lịch thế giới là phương tiện hữu ích giúp hướng dẫn phát triển du lịch một cách công bằng, có trách nhiệm và bền vững ở quy mô toàn cầu, đóng góp vào việc gìn giữ các giá trị thực sự về tinh thần, văn hóa và xã hội của mỗi cá nhân, cộng đồng và các dân tộc;

Tin tưởng rằng việc giao lưu giữa con người với nhau được thúc đẩy bởi du lịch tâm linh sẽ đẩy mạnh đối thoại, xây dựng mối quan hệ hiểu biết giữa các nền văn hóa, khuyến khích sự đa dạng, tăng cường, củng cố nhân cách cá nhân và đáp ứng các mục tiêu chung;    

Ý thức về các truyền thống văn hóa đời sống và các giá trị tinh thần phong phú của các nước Châu Á và tin tưởng việc cần thiết phải nghiên cứu và gìn giữ một cách đúng đắn để các truyền thống và giá trị đó có thể tồn tại trong thế giới toàn cầu hóa và đóng góp vào việc nâng cao năng lực của cộng đồng một cách lâu dài;

Đồng thời công nhận rằng du lịch tâm linh có tác động mạnh mẽ và tích cực đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực nếu được định hướng bởi các nguyên tắc phát triển bền vững và có trách nhiệm, với quan niệm rằng mục tiêu lợi nhuận không nên là ưu tiên tuyệt đối của phát triển du lịch;

Tiếp tục ghi nhận rằng sự phát triển du lịch tâm linh sẽ đòi hỏi trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan nhằm giảm đối đa các tác động tiêu cực tiềm tàng đối với cộng đồng địa phương, với bản sắc văn hóa và môi trường tự nhiên gắn với cộng đồng;

Nhất trí ghi nhận rằng Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy và phát triển du lịch như một ví dụ thành công nữa trong khu vực Đông Nam Á; 

Đánh giá cao Chính phủ Việt Nam về việc coi trọng và cam kết phát triển du lịch ở cả cấp Trung ương và địa phương cũng như việc đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch tâm linh vì Sự phát triển bền vững,

Vì vậy, đã nhất trí nỗ lực nhằm:

Tăng cường các khuôn khổ chính sách, các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và các nghiên cứu về du lịch tâm linh, trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với cộng đồng địa phương nhằm đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan, đồng thời giữ gìn các giá trị truyền thống một cách nguyên vẹn nhất;

Tạo dựng các điều kiện phù hợp để sử dụng tài nguyên văn hóa sống một cách có trách nhiệm và bền vững trong quá trình phát triển du lịch tâm linh nhằm tạo ra các cơ hội việc làm mới, tăng cường đa dạng hóa sản phẩm, hạn chế di dân khỏi các vùng nông thôn và nuôi dưỡng niềm tự hào của những người mang trong mình những giá trị truyền thống và người dân địa phương nói chung; 

Khuyến khích giáo dục và đào tạo cũng như các hoạt động nâng cao năng lực với những kỹ năng, mục đích cụ thể nhằm nâng cao khả năng của cộng đồng với năng lực quản lý du lịch và đưa ra quyết định liên quan đến truyền thống văn hóa và tâm linh của cộng đồng;  

Thúc đẩy và ủng hộ sự tiến bộ về kinh tế-xã hội của các nhóm người dễ bị tổn thương thông qua phát triển du lịch tâm linh, đặc biệt đối với người dân bản địa, dân tộc thiểu số, phụ nữ, thanh niên và người tàn tật;

Hợp tác quy mô khu vực nhằm gìn giữ và trao đổi các quan niệm, tư tưởng triết học phương Đông nổi tiếng thế giới về con người, những tư tưởng thúc đẩy sự hòa hợp giữa thể chất, trí tuệ và tinh thần, từ đó đảm bảo sự tồn tại của các truyền thống của tổ tiên qua các thế hệ tương lai.

 

Quang Anh

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất