Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BCT Quy định về giá bán điện mới, theo đó, kể từ ngày 01/7/2012, giá bán điện bình quân là 1.369 đ/kWh (chưa bao gồm VAT), tức là tăng 65 đ/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.304 đ/kWh).
Cũng theo thông tư này thì thông số đầu vào cơ bản được sử dụng cho tính giá điện áp dụng từ ngày 01/7 sẽ điều chỉnh như sau:
Đối với giá than cho sản xuất điện cũng sẽ tăng từ 10%-11,5%, trong đó: Giá than cám 4b có mức giá mới là 750.000 đ/tấn; Giá than cám 5a là 620.000 đ/tấn; Giá than cám 5b là 581.000 đ/tấn; Giá than cám 6a là 521.000 đ/tấn còn Giá than cám 6b là 457.000 đ/tấn.
Ngoài ra, giá khí trung bình cho nhà máy điện Cà Mau là 9,338 USD/triệu BTU được tính trên cơ sở giá dầu HFO là 720,96 USD/tấn. Giá dầu DO là 20.897 đ/lít, giá dầu FO là 18.116 đ/lít (đã bao gồm VAT).
Bộ Công Thương cũng cho biết, việc điều chỉnh giá bán điện từ ngày 01/7 sẽ có tác động nhưng sẽ không lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 kWh đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp không điều chỉnh, giữ nguyên ở mức 993 đ/kWh.
Đơn cử, các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng không bị tác động do giữ nguyên giá bán điện (993 đ/kWh). Các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường 100 kWh/tháng tăng chi 4.200 đ/tháng, sử dụng 150 kWh/tháng tăng chi 8.600 đ/tháng, sử dụng 200 kWh/tháng tăng chi 14.050 đ/tháng, sử dụng 300 kWh/tháng tăng chi 26.050 đ/tháng, sử dụng 400 kWh/tháng tăng chi 38.950 đ/tháng.
Ước tính, sau lần điều chỉnh này thì doanh thu bán điện của EVN dự kiến tăng thêm 3.710 tỷ đồng, tương ứng với sản lượng điện thương phẩm của EVN dự kiến từ 01/7 đến 31/12 là 56,8 tỷ kWh (bao gồm cả sản lượng điện xuất khẩu sang Campuchia), được sử dụng để bù đắp cho tăng giá than và một phần các chi phí còn treo của các năm trước. /.
TTXVN