Thứ Năm, 10/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 24/11/2011 21:42'(GMT+7)

Giá điện năm 2012 vẫn tăng nhưng ở mức kiềm chế

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Việc tăng giá điện luôn tính đến hộ nghèo, hộ thu nhập thấp.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Việc tăng giá điện luôn tính đến hộ nghèo, hộ thu nhập thấp.

Quản lý Nhà nước và nguyên tắc thị trường

Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, trong lĩnh vực về điện, nhu cầu điện cho đất nước rất lớn, nếu không có mức giá phù hợp thì sẽ không thu hút được đầu tư trong nước và nước ngoài. Và nếu vậy, kịch bản căng thẳng vì điện, thiếu điện sẽ không thể giải quyết được.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra rằng, việc bao cấp giá điện sản xuất thép và xi măng đang dẫn đến một số điểm bất lợi. Theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước, trong 2010, sản lượng điện thương phẩm cung cấp cho sản xuất thép và xi măng chiếm hơn 11% tổng lượng điện thương phẩm. Với mức giá 914 đồng/kwh, điện đã bao cấp chéo trên 2.547 tỷ đồng, trong đó các liên doanh sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài đã hơn 506 tỷ đồng. Hiện tượng giá điện rẻ, hay chưa đúng với giá thành khiến các nhà đầu tư nước ngoài nhập phôi thép vào Việt Nam, sử dụng năng lượng rẻ của Việt Nam để cán thép rồi xuất ra nước ngoài. Đây là hiện tượng phải khắc phục trong quá trình điều hành về giá.

Bộ trưởng cũng khẳng định, yếu tố thị trường không ngăn cản, mâu thuẫn gì với việc Nhà nước quản lý về giá. Nhà nước quản lý giá trên cơ sở xây dựng pháp luật, chế độ chính sách, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện. Những mặt hàng cần bình ổn hoặc định giá, Nhà nước sẵn sàng thực hiện để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cho người nghèo, thu nhập thấp được trợ giá. Đối với đối hộ sử dụng điện ở mức trung bình, phải đảm bảo tăng giá đối với đối tượng này phải thấp hơn mức tăng giá bình quân chung trong khi điều hành giá điện.

Trong năm 2011, chúng ta vừa thực hiện nguyên tắc giá thị trường, điều chỉnh dần các giá cho phù hợp với nguyên tắc thị tường, đồng thời hết sức coi trọng việc Nhà nước bình ổn giá; vừa thực hiện Pháp lệnh về giá, vừa thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Lỗ của năm 2011 thấp hơn dự kiến

Nhiều đại biểu đặt câu hỏi làm rõ việc lỗ lãi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, năm 2010, theo số liệu đã được kiểm toán, EVN lỗ về điện là 8.040 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỉ giá là 15.463 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ là do EVN phải thực hiện mua điện giá cao của các doanh nghiệp ngoài ngành bán cho EVN (Hiệp Phước 2.740 đồng/KW, Fomusa là 1.666 đồng/KW, Nhiệt điện Cái Lân 1.381 đồng/KW, Nhiệt điện Cà Mau 1.381 đồng/KW…). Sở dĩ có vấn đề này là do cơ cấu về điện, trong đó, thủy điện chỉ chiếm 40% và tài nguyên thủy điện cơ bản sắp sử dụng hết.

Làm rõ một số băn khoăn của đại biểu về việc tính lỗ của EVN, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Tất cả các loại đầu tư ngoài ngành của EVN, có loại có lãi, có loại lỗ, nhưng tuyệt nhiên không được tính vào số lỗ của lĩnh vực kinh doanh điện như đã nêu”.

Về số lỗ do chênh lệch tỉ giá của EVN, ông Vương Đình Huệ cho rằng, trong điều kiện đất nước có tỉ giá biến động khá thường xuyên, đơn vị nào càng sử dụng nhiều ngoại tệ thì lỗ càng nhiều.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng khẳng định, tình hình năm 2011 đỡ rất nhiều, và theo kế hoạch lỗ của EVN riêng về điện là trên 11.000 tỷ đồng, tuy nhiên, hết 9 tháng, lỗ thực của sản xuất điện chỉ là 680 tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của EVN. Và nếu chưa tính chênh lệch tỷ giá, vào cuối năm 2011, số lỗ của EVN chỉ khoảng 3.540 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, sở dĩ đạt được kết quả ấn tượng trên là do ngành điện gặp rất nhiều thuận lội: Từ tháng 4 nước về rất nhiều, trong 3 tháng tiếp theo không phải tiết giảm điện; Tổ máy số 1 Thủy điện Sơn La, một số tổ máy sửa chữa đã đưa vào vận hành, từ đó đỡ mua điện giá cao. Ngoài ra, một số biện pháp tiết giảm chi phí của EVN đã mang lại kết quả (EVN tiết giảm được 460 tỷ đồng liên quan đến vật tư, chi phí sửa chữa cho các nhà máy).

Tăng giá điện ở mức kiềm chế

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, về điều hành giá điện năm 2012, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương ngồi với nhau để tính toán một kịch bản. Theo đó, một số nét khái quát tạm thời được hai bộ này và EVN đưa ra là: Cơ bản lấy theo giá thành sản xuất của 2011, các chi phí đầu vào và chênh lệch lấy theo ngày 15/9/2011, các hợp đồng mua bán điện giữ như hiện hành. Chưa phân bổ các chi phí còn lại của năm 2010 của EVN, theo đó, giá thành của điện sẽ là 1.242 đồng, tăng 4,6% so với giá bán điện hiện nay.

Về phương án điện năm 2012: Phân bổ khoảng 1/4 số lỗ kinh doanh điện của năm 2010 (khoảng 2000 tỷ đồng), 1/3 số lỗ do chênh lệch tỉ giá (khoảng 5.000 tỷ đồng), điều chỉnh than bán cho điện đạt từ 72-80% giá bán, có nghĩa là than vẫn bù cho điện 20- 28%.

“Giá điện năm 2012 vẫn tăng nhưng ở mức kiềm chế. Toàn bộ giá điện bán cho cho hộ nghèo và hộ thu nhập thấp vẫn giữ nguyên như hiện nay, kể cả khoản hỗ trợ 30.000 đồng từ ngân sách. Đối với hộ tiêu thụ trung bình, việc tăng giá được chú ý sao cho thấp hơn giá tăng bình quân chung”, Bộ trưởng khẳng định.

Về hao phí điện năng, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng thừa nhận là còn khá cao: Năm 2009 là 9,57%, năm 2010 là 10,15% (do tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, thất thoát tăng thêm) và năm 2011, tổn hao thực tế là 9,65% (trong đó có 0,8% của lưới điện hạ áp). EVN đã có cố gắng hạ thấp hao hụt, nhưng quan tâm chưa đúng mức.

“EVN đã thoái vốn rồi thì nên tập trung cho công nghệ, quản lý để nhanh chóng cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn để giảm bớt tổn thất về điện năng, tập trung xây dựng hệ thống truyền tải điện để đảm bảo cho việc phát triển sau này”, ông Vương Đình Huệ đề nghị.

Xử lý việc mua bán điện giá rẻ

Về câu hỏi của đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) về việc có hay không chuyện ép giá, nguy cơ phá sản của một số doanh nghiệp kinh doanh điện, Bộ trưởng Vương Đình Huệ thừa nhận thực tế có thật.

Theo Bộ trưởng, ngoài nhóm mà EVN phải mua điện giá cao, thì còn có việc EVN mua điện giá thấp, mà phần lớn là của thủy điện và các thành phần kinh tế khác. Những hợp đồng điện ký kết giữa hai bên hoàn toàn theo nguyên tắc thị trường (đã thảo luận và ký 40 năm không điều chỉnh giá). Tuy nhiên, đến thời điểm này, do chênh lệch tỉ giá và lãi suất cao, giá mua của EVN không đủ bù đắp cho các doanh nghiệp này.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tính toán từng bước điều chỉnh sự bất hợp lý này cho các doanh nghiệp bán điện giá rẻ. Giữa EVN và các đối tác phải ngồi lại thương thảo với nhau, có Bộ Công Thương, Tài chính tham gia.

“Quan trọng là dùng nguồn nào để xử lý khoản tài chính này, để bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, vì việc phát điện của các nhà máy này cũng rất quan trọng, ảnh hưởng đến lượng điện thương phẩm cung cấp cho nền kinh tế quốc dân”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất