Thứ Bảy, 14/12/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Sáu, 4/10/2019 14:30'(GMT+7)

“Gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, ga đình là một thiết chế quan trọng đối với sự phát triển xã hội, cộng đồng và mỗi cá nhân, đặc biệt là đối với trẻ em, người cao tuổi, người ốm đau, bệnh tật; là môi trường lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc. Phát triển gia đình là nhiệm vụ có tính chiến lược của sự nghiệp đổi mới ở VIệt Nam.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến xây dựng gia đình, thực hiện chính sách đối với gia đình có công với cách  mạng. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, gia đình có những cơ hội thuận lợi để nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhưng gia đình cũng đối mặt với  những thách thức, làm biến đổi về quy mô, cấu trúc gia đình, vấn đề hôn nhân và các mối quan hệ trong gia đình. Cùng với đó, xu hướng già hóa dân số, tỷ lệ sinh thấp, mặt trái của cơ chế thị trường, khoảng cách thu nhập, di cư, vấn nạn xã hội… cũng gây ra những khó khăn cho gia đình trong việc tổ chức cuộc sống, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chăm sóc người già ốm đau.

“Hội thảo hôm nay nhằm nhận diện  rõ hơn những khó khăn và thách thức của gia đình, từ đó, đề xuất phương hướng và nhiệm vụ, giải pháp phát triển gia đình Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới” – Đồng chí Nguyễn Thanh Long nêu rõ.

Đồng chí Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội thảo.


 

Các ý kiến và tham luận tại hội thảo tập trung làm rõ một số nội dung sau:

Thứ nhất, làm rõ những vấn đề của gia đình cần có sự hỗ trợ, quản lý của Nhà nước để đảm bảo quyền an sinh xã hội, quyền và các trách nhiệm của các thành viên, đồng thời, phát huy vai trò vai trò gia đình tham gia quản lý và phát triển xã hội.

Thứ hai, phát triển, hoàn thiện dịch vụ xã hội để hỗ trợ gia đình, nhất là gia đình trẻ giải quyết cơ bản những khó khăn, thách thức trong việc tổ chức cuộc sống, chăm sóc trẻ em, phụng dưỡng người già.

Thứ ba, làm rõ những vấn đề cần tập trung giải quyết để giúp gia đình trẻ, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ổn định về mặt kinh tế, thực hiện vai trò làm cha mẹ và cân bằng giữa công việc với việc thực hiện nghĩa vụ đối với gia đình. Phát huy tính tích cực của gia đình trung lưu.

Thứ tư, xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách gia đình và những chính sách có liên quan tác động đến sự phát triển của gia đình, những nội dung nào của chính sách cần bổ sung, điều chỉnh.

Tham luận về thực trạng và định hướng chính sách về an sinh xã hội cho gia đình ở Việt Nam, GS.TS Đặng Nguyên Anh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, gia đình có chức năng và vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tốc độ già hóa gia tăng ở nước ta, vai trò và chức năng chăm sóc của gia đình bị suy giảm, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới phù hợp hơn. Một trong những nguyên nhân hạn chế hiện nay là do các chương trình chính sách chưa xem xét gia đình như một đơn vị an sinh. Củng cố hộ gia đình từ góc độ an sinh xã hội là cách tiếp cận phù hợp để phát triển bền vững.

GS.TS Đặng Nguyên Anh cho rằng, trước yêu cầu hoàn thiện chính sách an sinh xã hội trở nên bức thiết nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, cần đi sâu và nhận diện, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội cho gia đình. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp chính sách phù hợp nhằm phát huy hiệu quả, độ che phủ và hoàn thiện hệ thống an sinh cho gia đình. Đồng thời, tăng cường tính bền vững của thiết chế xã hội quan trọng này.

Các chính sách an sinh xã hội phải hướng tới phục vụ trực tiếp cho nhu cầu phát triển của gia đình và các thành viên, thông qua đó, góp phần ổn định chính trị xã hội.

Dưới góc độ quản lý nhà nước và gia đình, TS. Trần Ánh Tuyết, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, gia đình có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi cá nhân và toàn dân tộc.

TS. Trần Ánh Tuyết đã nêu lên những khó khăn, thách thức trong gia đình. Đó là sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số thành viên trong gia đình, các gia trị văn hóa truyền thống đang bị xem nhẹ. Ngày càng xuất hiện nhiều loại hình gia đình mới như: hộ kết hôn đồng giới, hộ kết hôn đa biên giới, hộ gia đình làm cha/mẹ đơn thân, hộ đơn thân. Bạo lực gia đình và bất bình đẳng giới trong gia đình có diễn biến phức tạp và là tác nhân chính gây phá vỡ hạnh phúc gia đình. Số hộ gia đình ngày một tăng nhưng thành viên hộ gia đình ngày một giảm…

Vì vậy, muốn xây dựng gia đình tốt, cần phải có những chính sách về gia đình tốt để hỗ trợ gia đình, đảm bảo cho gia đình phát huy được những lợi thế trong xây dựng và phát triển đất nước. Song chính sách chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải có nhân lực, kinh phí đảm bảo yêu cầu tối thiểu.

GS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cho rằng, cần có những giải pháp linh hoạt phù hợp với từng loại gia đình khác nhau nhằm giúp các gia đình xây dựng được mối quan hệ hôn nhân tốt đẹp do đặc điểm hôn nhân không như nhau giữa các nhóm gia đình khác nhau.

Theo ông, cần thực hiện các giải pháp như: thay đổi các thông điệp hiện có về vai trò giới đối với công việc nhà; giáo dục trước hôn nhân nhằm cung cấp cho người trưởng thành biết về những kiến thức về tình bạn, tình yêu, tình dục, sức khỏe sinh sản…; phát triển hệ thống dịch vụ tư vấn về quan hệ vợ chồng và dịch vụ phục vụ đời sống gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; tiến hành thu thập đầy đủ, có hệ thống các số liệu thống kê về hôn nhân gia đình, thực hiện nghiên cứu về gia đình để nằm được sự vận động và biến đổi mối quan hệ hôn nhân, gia đình, tác động của gia đình đố với sự phát triển của xã hội.

Thu Hằng

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất