Chủ Nhật, 22/9/2024
Pháp luật
Thứ Tư, 30/12/2015 15:37'(GMT+7)

Gia Lai: Kinh nghiệm trong tuyên truyền phân giới cắm mốc

Ngày 26/12/2015, Việt Nam và Campuchia đã cùng phối hợp tổ chức Lễ khánh thành cột mốc số 30

Ngày 26/12/2015, Việt Nam và Campuchia đã cùng phối hợp tổ chức Lễ khánh thành cột mốc số 30

Gia Lai là tỉnh nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có vị trí địa lý, chính trị, quân sự, kinh tế quan trọng và đang từng bước trở thành vùng kinh tế động lực trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; có 90 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia (trong đó có khoảng 19,6 km đường biên giới đi theo sông, suối và 70,4 km đường biên giới đi theo đất liền). Trong những năm qua, kinh tế của tỉnh Gia Lai tăng trưởng tương đối khá, đời sống văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; trình độ dân trí được nâng lên; an ninh chính trị, quốc phòng được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; khối đoàn kết dân tộc được củng cố...

Tuy nhiên, Gia Lai cũng là địa phương luôn tiềm ẩn các yếu tố dễ gây mất ổn định về an ninh chính trị, các thế lực thù địch trong và ngoài nước thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động “diễn biến hòa bình”, nhất là bọn phản động FULRO lưu vong, “Tin lành Đê Ga” và tà đạo “Hà Mòn” thường xuyên tuyên truyền kích động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trốn sang Campuchia, Thái Lan; bọn phản động FULRO lưu vong ủng hộ, bắt tay với Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) của Sam Rainsy trong bầu cử Quốc hội Campuchia khóa V để tìm kiếm hậu thuẫn chính trị, vu cáo Việt Nam chiếm đất Campuchia, tố cáo Chính phủ Campuchia bán đất cho Việt Nam để hạ uy tín Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) nhằm tạo lợi thế trong bầu cử Hội đồng xã, phường năm 2017 và bầu cử Quốc hội Campuchia khóa VI năm 2018.

Trước tình hình trên, cấp ủy và chính quyền các cấp của tỉnh đã chỉ đạo đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đặc biệt là vùng biên giới; làm tốt công tác bảo vệ biên giới, cột mốc, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động trái phép ở khu vực biên giới, trong đó, công tác tuyên truyền phân giới, cắm mốc (PGCM) đã được triển khai kịp thời, đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ.

Một là, các cơ quan chức năng đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị căn cứ triển khai tổ chức thực hiện ngay từ những ngày đầu tháng, đầu năm. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, địa phương, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, nhất là công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới hiểu về chủ quyền lãnh thổ, về tầm quan trọng của công tác PGCM, qua đó tạo sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân đối với công tác này. Đồng thời biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu tuyên truyền, bản tin sinh hoạt nhân dân gửi xuống các thôn, làng, nhất là thôn, làng vùng biên giới để để tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh biên giới, chống các hoạt động vi phạm pháp luật. Ngoài ra, tham mưu cử cán bộ bộ đội biên phòng tham gia giữ vị trí lãnh đạo, quản lý Nhà nước trong cấp ủy, chính quyền các xã biên giới để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị sơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.

Hai là, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp quy liên quan đến công tác PGCM, tỉnh đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia nói chung và giữa tỉnh Gia Lai (Việt Nam) với tỉnh Rattanakiri (Campuchia) nói riêng; kết quả các chuyến thăm và làm việc giữa lãnh đạo hai tỉnh, sự giúp đỡ lẫn nhau trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, công tác phối hợp tìm kiếm, quy tập, hồi hương liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia về nước. Từ năm 2001 đến nay tỉnh đã quy tập, hồi hương được 1.315 hài cốt.

Ba là, đẩy mạnh hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức tọa đàm, vận động ủng hộ cho các chiến sĩ đang công tác ở biên giới hàng trăm triệu đồng thông qua các phong trào:“Ấm áp mùa đông”; “Mùa xuân chiến sĩ”; “Cột mốc quê hương”… Tổ chức xây dựng nhà Đoàn kết - Hữu nghị, hỗ trợ, giúp đỡ thuốc men, lương thực, thực phẩm, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra cho nhân dân Campuchia sinh sống ở các xã biên giới giáp với tỉnh Gia Lai nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cán bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân của bạn, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu các vụ liên quan đến phá hoại tiến trình PGCM và làm tốt công tác  tuyên truyền đối ngoại, ngoại giao nhân dân.

Bốn là, triển khai công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân thông qua các hoạt động kết nghĩa giữa lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh của tỉnh Gia Lai (Việt Nam) với các tổ chức tương ứng của tỉnh Rattanakiri (Campuchia). Với cách làm trên, công tác tuyên truyền PGCM trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần làm tốt công tác giáo dục truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia theo tinh thần “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, kết quả thể hiện rõ nét qua các chuyến thăm và làm việc giữa lãnh đạo chính quyền hai tỉnh Gia Lai và Rattanakiri luôn được giữ vững, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Năm là, việc tổ chức kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới đã góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc hai bên biên giới về ý thức, trách nhiệm đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia của mỗi nước. Nhân dân hai bên đã tự giác chấp hành hiệp định, hiệp ước hoạch định biên giới, quy chế biên giới, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, xã hội, tích cự tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, tích cực ủng hộ công tác PGCM, xây đắp tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai bên biên giới ngày càng bền chặt.

Theo đó, công tác phân giới: đã phân giới được 20,495km/90km (đạt 22,8%) đường biên giới từ mốc số 25 đến mốc số 29, trong đó: đường biên giới đất liền là 4,570km; đường biên giới trên sông là 15,925km. Công tác cắm mốc: đã xác định 16 vị trí mốc (từ mốc số 25 đến mốc 40), chuyển vẽ được 07/16 vị trí, đã xây dựng được 11/20 mốc gồm: cột mốc 25 (mốc ba), 26 (mốc đôi), 27 (mốc đôi), 28 (mốc đơn), 29 (mốc đơn), mốc 40. Đặc biệt trên cơ sở biên bản họp hẹp giữa Ủy ban Liên hợp phân giới cắm mốc biên giới giữa Việt Nam và Campuchia diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20/11/2015 tại Pnôm Pênh (Campuchia), ngày 20/11/2015, Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc của tỉnh đã khởi công xây dựng và ngày 26/12/2015 hai Chính phủ đã tổ chức Lễ khánh thành cột mốc 30 và đoạn đường 450m (thực tế là 539m) nối hai trạm Kiểm soát Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Việt Nam) – O Za Dao (Campuchia).

Kết quả đạt được về PGCM, nhất là sự kiện khánh thành cột mốc 30 và đoạn đường 450m (thực tế là 539m) nối hai trạm Kiểm soát Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Việt Nam) – O Za Dao (Campuchia) 
có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Chính phủ hai nước Việt Nam và Campuchia, nhằm sớm hoàn thành kế hoạch công tác phân giới cắm mốc, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa hai nước; là hành động thực tế phản bác mạnh mẽ sự công kích, tuyên truyền bịa đặt sai sự thật về công tác phân giới cắm mốc giữa hai nước Việt Nam và Campuchia của các thế lực thù địch.  

Trong thời gian tới, để thúc đẩy việc sớm hoàn thành toàn bộ công tác PGCM biên giới đất liền, quản lý tốt tình hình biên giới, công tác tuyên truyền PGCM trên địa bàn Gia Lai cần tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:

Một là, luôn đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý phối hợp điều hành của chính quyền các cấp trong chỉ đạo công tác tuyên truyền và triển khai các hoạt động PGCM. Các huyện biên giới cần phải đưa công tác này vào trong sinh hoạt định kỳ hàng tháng của các chi bộ để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong tư tưởng và hành động của đội ngũ cán bộ và đảng viên. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới ở các xã biên giới, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Hai là, các cơ quan chức năng cần chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng để làm công tác tuyên truyền, đảm bảo nhanh, nhạy, hiệu quả. Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, kiểm tra tại địa bàn các xã biên giới, bảo vệ tốt đường biên mốc giới trên địa bàn tỉnh.

Ba là, đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, chú trọng phát huy thế mạnh của các đội tuyên truyền cơ sở, lợi thế của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền miệng bằng tiếng địa phương, nhất là những chiến sĩ bộ đội biên phòng, cán bộ xã, thôn, làng ở biên giới.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao nhân dân, đối ngoại biên phòng thường xuyên. Kết hợp chặt chẽ công tác tuyên truyền PGCM với công tác thông tin đối ngoại và phải đảm bảo kinh phí cho các hoạt động này.Đẩy mạnh mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới; kết nghĩa các đồn, chốt giữa biên phòng hai bên, góp phần vun đắp tình đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa hai quốc gia./.

Trần Đình Hiệp
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất