Sáng 25/12, bắt đầu phần tranh luận tại phiên tòa xét xử vụ án tham
nhũng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam
(Agribank) Chi nhánh Nam Hà Nội, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân thành
phố Hà Nội giữ quyền công tố trước tòa đã đọc bản luận tội và đề nghị
mức án đối với 18 bị cáo trong vụ án này.
Trong bản luận tội, Viện Kiểm sát nhận định hành vi của 18 bị cáo phần
lớn nguyên là cán bộ của ngân hàng Agribank đã gây ảnh hưởng xấu đến
việc thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về tài chính,
làm mất lòng tin của nhân dân với hệ thống ngân hàng, vì vậy cần có mức
án nghiêm khắc.
Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh
Tân (nguyên Tổng Giám đốc Agribank) mức án từ 12-13 năm tù về tội "Lợi
dụng chức vụ quyền hạn," 8-9 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu
quả nghiêm trọng," tổng cộng hình phạt chung là từ 20-22 năm tù.
Bị cáo Phạm Thị Bích Lương (nguyên Giám đốc Agribank Nam Hà Nội) bị Viện
Kiểm sát xác định là chủ mưu của vụ án, đã cho vay không có tài sản bảo
đảm, cho vay quá giới hạn khiến Agribank thiệt hại hơn 2.400 tỷ đồng.
Việc làm của bà Lương bị quy kết tính chất vụ lợi nằm hưởng lợi xe
Bentley 3,5 tỷ đồng do đối tác tặng và nhiều khoản khác.
Đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử phạt bị cáo Lương từ
19-20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay," 14-15 năm tù về tội
"Lợi dụng chức vụ quyền hạn," tổng hợp hình phạt chung là 30 năm tù.
Ngoài ra, Viện Kiểm sát còn đề nghị tịch thu tài sản hưởng lợi bất hợp
pháp của bị cáo Lương.
Bị cáo Chử Thị Kim Hiền bị đánh giá là có hành vi thực hiện tội phạm một
cách tích cực, cùng bị truy tố về 2 tội danh giống bị cáo Lương. Bị cáo
được hưởng lợi 800 triệu đồng và 50.000 USD. Tuy nhiên, bị cáo khai báo
không thành khẩn dù có thành tích. Vì vậy, Viện Kiểm sát đã đề nghị mức
án đối với bị cáo Hiền là từ 19-20 năm tù về tội "Vi phạm quy định cho
vay," từ 13-14 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn," tổng cộng
hình phạt chung là 30 năm tù.
Ngoài án phạt tù Viện Kiểm sát còn đề nghị phạt bổ sung đối với bị cáo
Hiền là cấm hành nghề liên quan tới lĩnh vực ngân hàng sau khi chấp hành
xong hình phạt tù, tịch thu tiền hưởng lợi bất chính.
Bị cáo Đỗ Tiến Long bị xác định hưởng lợi 20.000 USD và 200 triệu đồng.
Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Long mới phạm tội lần đầu, khai báo thành
khẩn và đề nghị mức án từ 15-16 năm tù.
Bị cáo Trương Thị Út được nhận định là đã tích cực giúp đỡ cơ quan điều
tra; Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 7-8 năm tù, tịch thu số tiền thu
lợi hơn 104 triệu đồng.
Đặng Quang Chung hưởng lợi gần 800 triệu đồng. Hành vi của bị cáo gây
hậu quả nghiêm trọng dù phạm tội lần đầu. Viện Kiểm sát đề nghị mức án
từ 14-15 năm tù, đồng thời tịch thu gần 800 triệu đồng.
Nguyễn Thị Nguyệt Thanh bị xác định hưởng lợi 350 triệu đồng, phạm tội
lần đầu, tuy nhiên không khai báo thành khẩn và bị đề nghị từ 12-13 năm
tù. Bị cáo Nguyễn Hữu Thanh bị đề nghị từ 12-13 năm tù.
Bị cáo Hoàng Anh Tuấn bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả
nghiêm trọng”, bị quy kết hưởng lợi 100.000 USD song đã trả lại. Bản
thân bị cáo đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Tuy nhiên,
do hành vi đặc biệt nghiêm trọng nên Viện Kiểm sát đề nghị 6-7 năm, cấm
đảm nhiệm chức vụ trong khoảng 1-5 năm khi mãn hạn tù.
Bị cáo Phan Quý Dương bị đề nghị từ 5-6 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm
gây hậu quả nghiêm trọng.” Đỗ Quang Vinh, Kiều Trọng Tuyến cùng bị đề
nghị từ 3-4 năm tù. Đào Thị Thu Hiền bị đề nghị từ 2-3 năm tù.
Nguyên Giám đốc hai Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam và Công ty
Vietmade Lê Minh Hiếu bị Viện Kiểm sát xác định là được hưởng lợi hơn 16
tỷ đồng, có vai trò thực hiện hành vi phạm tội sau Lương, Hiền. Hiếu bị
đề nghị từ 12-13 năm tù và tuyên tịch thu số tiền trên. Bị cáo đã nộp
hơn 1,5 tỷ đồng.
Đối với các bị cáo nguyên là cán bộ ngành hải quan, Viện Kiểm sát cho
rằng các bị cáo Lương Thị Yên, Đỗ Thị Liên Hương, Nguyễn Thị Thúy Hằng,
Hoàng Tuấn Khanh đã gây thất thu thuế hơn 76 tỷ đồng. Tuy nhiên, các bị
cáo có nhiều thành tích trong công tác. Ngoài bị cáo Khanh khai nhận
thành khẩn, các bị cáo còn lại không thừa nhận. Viện Kiểm sát đề nghị 4
bị cáo mức án từ 30-36 tháng tù.
Viện Kiểm sát nhận định việc giải ngân cho vay của Agribank Nam Hà Nội
với các Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam, Công ty cổ phần Vietmade để
đầu tư vào các dự án, trong đó có dự án mua 6 thương hiệu, mua nguyên
phụ liệu may mặc, các bị cáo nguyên là những cán bộ ngân hàng đã không
trực tiếp đến nhà máy để điều tra tổng thể, vi phạm quy định về cho vay
trong hoạt động của ngân hàng...
Chiều 25/12, phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng giữa đại diện Viện Kiểm sát với các bị cáo, các luật sư./.
(TTXVN)