Thứ Bảy, 27/7/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 1/3/2021 9:50'(GMT+7)

Gia Lai xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

TĂNG CƯỜNG BÁM THÔN, LÀNG

Gia Lai là một tỉnh miền núi, biên giới, ở khu vực Bắc Tây Nguyên, có 44 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Jrai và Bahnar. Chính vì vậy, tuyên truyền miệng vẫn là phương thức phù hợp và mang lại hiệu quả. Lực lượng làm công tác này, bên cạnh yêu cầu phải có tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức, khả năng lập luận, phân tích, đánh giá và định hướng thông tin còn phải có phương pháp “cùng tiếng nói, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt” trong nhân dân.

Nhận thức sâu sắc nội dung trên, từ năm 2016, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai đã tiến hành khảo sát, lựa chọn 4 xã có vấn đề phức tạp, nhạy cảm về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo để thực hiện thí điểm Đề án Xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng. Qua thời gian thí điểm, rút kinh nghiệm, được sự thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy, năm 2018, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn triển khai xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tạo hành lang”, lộ trình xây dựng lực lượng và tổ chức hoạt động của lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố phù hợp với tình hình thực tiễn, có số lượng, cơ cấu hợp lý; đủ phẩm chất chính trị, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao.

Được sự thống nhất và quan tâm phối hợp của thường trực cấp ủy các địa phương, đến nay, 17/17 huyện, thị, thành ủy đã ban hành kế hoạch, quyết định thành lập lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng cơ sở với hơn 2.700 đồng chí. Một số địa phương đã xây dựng được đội ngũ lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng đông đảo, trải khắp các thôn, làng, tổ dân phố như: thành phố Pleiku với 400 đồng chí, Ayun Pa 450 với đồng chí, Đức Cơ với 219 đồng chí, Phú Thiện với 303 đồng chí, Kbang với 185 đồng chí; Chư Păh với 191 đồng chí, Chư Sê với 183 đồng chí; Chư Pưh với 136 đồng chí... Đây là những cá nhân được lựa chọn bồi dưỡng từ người có uy tín trong cộng đồng, các già làng, trưởng thôn, cán bộ, giáo viên đã về hưu, cựu chiến binh, những người có năng lực, kinh nghiệm và tích cực, nhiệt tình tham gia hoạt động ở địa phương, nhạy bén với thực tiễn; có uy tín trong cộng đồng; sống gần gũi, gắn bó, am hiểu phong tục tập quán, tâm lý, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc trên địa bàn đang sinh sống đồng thời khả năng tuyên truyền miệng. Các địa phương đã chú trọng xây dựng, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể, đồng thời từng bước vận dụng các chế độ chính sách hỗ trợ cho lực lượng nòng cốt theo quy định. Một số địa phương đã kết hợp xây dựng lực lượng từ những cốt cán, dân vận cơ sở đã được thành lập trước đó, tạo sự phối hợp, thống nhất đầu mối chỉ đạo, tăng cường bám thôn, làng, tổ dân phố triển khai hoạt động tuyên truyền. Bên cạnh việc thành lập, hoạt động của lực lượng nòng cốt tuyên truyền ở các địa phương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục lựa chọn, trực tiếp hướng dẫn, cung cấp thông tin, định hướng hoạt động cho một số xã trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ xã Đak Rong (huyện Kbang) tuyên truyền, vận động người dân làng Hà Đừng 1 tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: M.N

Cán bộ xã Đak Rong (huyện Kbang) tuyên truyền, vận động người dân làng Hà Đừng 1 tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: M.N

CHÚ TRỌNG CUNG CẤP THÔNG TIN, ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG

Để lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng hoạt động hiệu quả ở cơ sở, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cấp ủy, ban tuyên giáo cấp huyện trong toàn tỉnh đã chú trọng cung cấp thông tin, định hướng hoạt động cho đội ngũ này. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, nhu cầu thông tin của đội ngũ cán bộ nòng cốt tuyên truyền, yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền của cấp ủy, ban tuyên giáo các cấp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan, định kỳ tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức cho lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở thôn, làng, tổ dân phố. Ngoài các chuyên đề về kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp công tác tuyên truyền miệng; phương pháp nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội của các tầng lớp nhân dân ở các thôn, làng, nhiều địa phương căn cứ vào nhu cầu thông tin của các thôn, làng, tổ dân phố đã tổ chức các chuyên đề thông tin, giới thiệu về các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các địa phương đặc biệt quan tâm, chú ý cung cấp thông tin và chỉ đạo lực lượng nòng cốt tăng cường tuyên truyền cho nhân dân là các nội dung liên quan đến các chủ trương, chính sách lớn, mục tiêu, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới... trên địa bàn; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và một số giải pháp phòng, chống; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chế độ, chính sách về an sinh xã hội; chăm sóc người có công, gia đình chính sách và các đối tượng thuộc diện bảo trợ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách và các thủ tục cho vay ưu đãi của các ngân hàng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cho các hộ gia đình diện chính sách; chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, nhà nước và công tác vận động quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đạo

Trong quá trình tập huấn, bồi dưỡng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các huyện, thị xã, thành phố đã chú trọng cung cấp thông tin theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ sở, đa dạng hóa hình thức cung cấp thông tin, nhất là cung cấp, định hướng các vấn đề thời sự, chính trị nổi bật, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội; trang bị, cung cấp những kiến thức, phương pháp đấu tranh phản bác, chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, những hạn chế, sơ hở để tuyên truyền kích động bạo loạn chính trị, gây rối trật tự trị an ninh, vượt biên trái phép... Một số cơ sở đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin về những vấn đề liên quan trực tiếp ở địa phương, phối hợp chỉ đạo Đảng ủy các xã tổ chức thông tin, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, thông tin những nội dung, công việc quan trọng cần triển khai của Đảng ủy xã để người dân biết, theo dõi.

Thông qua các buổi họp dân cư, hoạt động cộng đồng tại thôn, làng, lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng đã kết hợp tuyên truyền những nội dung phù hợp, gần gũi đến với người dân; đồng thời phối hợp với tổ chức đảng, thôn trưởng, ban công tác mặt trận, các đoàn thể nắm bắt tình hình, tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên, nhân dân, từ đó kịp thời thông tin, phản ánh ý kiến để cấp ủy, chính quyền có giải pháp tháo gỡ, định hướng kịp thời.

Nhiều băn khoăn, lo lắng, vướng mắc cụ thể của người dân được lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng giải đáp một cách đúng đắn, kịp thời như: việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp; suy nghĩ và thực hiện đúng về chủ trương “thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; tuyên truyền kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp; những lợi ích thiết thực từ các chương trình an sinh xã hội, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; vận động đấu tranh xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, “Tà đạo Hà Mòn”; phòng, chống nạn tín dụng đen; không khai thác vận chuyển lâm sản, không phá rừng làm nương rẫy; không cho thuê hoặc bán đất trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số…

Ban Tuyên giáoTỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn triển khai xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo hành lang”, lộ trình xây dựng lực lượng và tổ chức hoạt động của lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phốphù hợp với tình hình thực tiễn, có số lượng, cơ cấu hợp lý; đủ phẩm chất chính trị, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao.

Việc triển khai thực hiện chủ trương xây dựng, tổ chức hoạt động lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn Gia Lai đã nhận được sự đồng thuận, phối hợp tham gia triển khai thực hiện của Thường trực cấp ủy, các phòng, ban ở huyện và đảng ủy các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đa số các đồng chí được bố trí vào lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở thôn, làng, tổ dân phố có tinh thần cầu thị, nhiệt tình, có ý thức trách nhiệm cao, có tinh thần học hỏi, vượt khó. Sau khi được tập huấn, đã bước đầu vận dụng các kỹ năng, kiến thức vào thực tiễn sinh hoạt, công tác.

Thời gian tới, công tác tuyên giáo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những nội dung, vấn đề mới, phù hợp với thực tiễn nhằm phát huy tốt những ưu điểm trong hoạt động của lực lượng nòng cốt tuyên truyền cơ sở, trong đó, chú trọng kết hợp, phát huy hiệu quả của các lực lượng cốt cán, tuyên truyền viên của các tổ chức chính trị - xã hội đã thành lập trước đó. Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho cấp ủy định hướng ban tuyên giáo các địa phương chủ động duy trì việc bồi dưỡng, tập huấn, chuẩn bị nội dung cung cấp thông tin, tài liệu các vần đề người dân ở cơ sở quan tâm, để lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền./.

Huỳnh Thế Mạnh 
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất