Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 8/4/2013 23:21'(GMT+7)

Già làng CLICK- người giữ hồn chiêng cho dân làng PIƠM

Một buổi sáng cuối năm khi tiết trời còn chút se lạnh của mùa khô Tây Nguyên, ngồi tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ngói khang trang bên chén trà xanh thơm lừng hơi ấm, ông say sưa kể về cuộc đời mình và những sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào Bahnar nơi đây. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Tây Nguyên bao la, hùng vĩ, ngay từ thủa lọt lòng ông đã được đắm mình trong các lễ hội văn hóa truyền thống của buôn làng, các làn điệu dân ca, lắng nghe âm vang của tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang núi rừng, chúng đã ăn sâu vào máu thịt của anh tự lúc nào không biết. Mỗi lần buôn làng có lễ mừng trẻ ra đời, lễ đặt tên, lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới... được nghe những nhịp chiêng của các bậc cha, anh thì ông lại mải mê đứng xem. Vì vậy, khi mới 12 tuổi ông đã học và biết đánh cồng chiêng.

53 tuổi, với hơn 40 năm kinh nghiệm đánh chiêng, nên ông hiểu rất rõ ý nghĩa nhân văn sâu sắc của tiếng cồng, tiếng chiêng. Say mê với làn điệu cồng chiêng, trân trọng những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc mình, vắng tiếng chiêng đối với ông như thiếu vắng một thứ gì đó bởi trong ông cồng chiêng là một nét văn hoá gắn bó rất mật thiết đối với mỗi gia đình, dân tộc mình không thể mất đi.

Từ năm 1980 (khi mới 20 tuổi), ông đã bắt tay vào thực hiện công việc truyền dạy cách đánh chiêng cho lớp trẻ trong làng. Đối với ông, công việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng không phải là “cất vào trong kho” mà quan trọng là phải “khơi dậy, đánh thức” nó dậy. Điều này được cụ thể hóa là ông đã tự nguyện dạy chiêng và thành lập đội chiêng “Plei Piơm”. Ông dạy chiêng không kể đêm hay ngày, lúc nào cũng dạy được, hễ trong làng có lễ hội hay đám ma, đám cưới, có lũ trẻ là ông lại dạy chúng cách đánh cồng chiêng. Ông cho biết, dạy cho bọn trẻ biết đánh chiêng thành thạo không phải là điều đơn giản, bởi trước hết là phải khơi dậy cho chúng niềm “đam mê”, từ “đam mê” mới khiến chúng “say” và “thích chiêng” được… Sự say mê, thích thú cùng sự khích lệ của người già trong làng nên các em tham gia học hỏi, tập luyện ngày càng đông. Đến nay, ông cũng không nhớ là mình dạy được bao nhiêu đứa trẻ trong làng rồi. Anh Nheng- một trong những người theo học đánh chiêng từ những ngày đầu do Click dạy tâm sự: già làng Click rất nhiệt tình và thương lũ trẻ lắm, hễ có thời gian là dạy chúng đánh cồng chiêng, lũ trẻ yêu quí già lắm”.

Đội chiêng “Plei Piơm” do ông thành lập đến nay có 30 thành viên. Đội chiêng “Plei Piơm” được tỉnh chọn đại diện tham dự Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai, Ngày hội văn hóa các dân tộc tại Hà Nội, tham dự lễ hội Ok-om-bok (còn gọi là lễ Cúng trăng) tại Sóc Trăng... Đi biểu diễn cồng chiêng khắp nơi, ông cũng không nhớ nổi là Đội chiêng của làng mình đã đi biểu diễn ở Hà Nội bao nhiêu lần rồi, nhưng mỗi lần ra biểu diễn tại Hà Nội, ông và các nghệ nhân lại được vào Lăng viếng Bác Hồ, trong ông lại tràn ngập niềm vui và luôn ấp ủ sẽ thành lập một dàn cồng chiêng mang tên Bác và sáng tác âm điệu theo các bài hát về Bác Hồ, để mỗi khi gõ lên là như có Bác ở bên cạnh bà con dân làng.

Ngoài việc truyền dạy, lưu giữ văn hóa truyền thống cồng chiêng cho buôn làng mình; là một nghệ nhân “làm nỏ” thực thụ; một người già làng có uy tín của dân làng chuyên giải quyết, hòa giải những vụ mâu thuẫn lớn, nhỏ trong làng; một vị “cứu tinh” của các hộ nghèo sẵng sàng hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gặp khó khăn trong làng như: cho mượn tiền không tính lãi, xay xát gạo không lấy tiền… ông còn là một người cán bộ gương mẫu (Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đăk Đoa), năng động và sâu sát cơ sở. Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, hỗ trợ kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi nên gia đình ông luôn đi đầu trong các mô hình sản xuất như: chăn nuôi heo theo mô hình khép kín; mở máy xay xát gạo; làm mộc và trồng lúa, hàng năm ông thu về hơn 100 triệu đồng. Nhìn những bằng khen, giấy khen mà ông nhận được mới thấy những cống hiến và sự nỗ lực hết mình của ông trong việc chung của dân làng cũng như xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, để mọi người học tập và làm theo.

Tin tưởng rằng với nhiệt huyết của già làng Click sẽ tiếp tục truyền nhịp sống bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình cho thế hệ trẻ làng Piơm nói riêng và thị trấn Đăk Đoa nói chung, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên di sản phi vật thể được UNESCO công nhận./.


Ánh Hồng




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất