Ngày 23/3, tại Tp.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã tổ chức hội nghị góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của ngành Tòa án nhân dân khu vực phía Nam. Ðồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư T.Ư Ðảng, Chánh án TANDTC, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dự và chủ trì hội nghị .
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị các đại biểu thuộc ngành Tòa án nhân dân khu vực phía Nam góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở bám sát các chủ trương, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, yêu cầu thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xuất phát từ thực tiễn hoạt động của ngành.
Góp ý về Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1992, một số ý kiến đại biểu đóng góp nên thay cụm từ “Dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” tại đoạn 4 thành cụm từ “Trên tinh thần của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đối với Điều 9, Điều 10 tại chương I (chế độ chính trị) cần bổ sung nguyên tắc hoạt động là “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Công đoàn Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”; Ở khoản 1 Điều 15 cần sửa thành “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước bảo đảm theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và theo Hiến pháp, pháp luật Việt Nam”; Điều 21, nhiều đại biểu góp ý nên sửa lại thành “Mọi người đều có quyền sống. Quyền sống là quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi người”, thay vì “Mọi người có quyền sống”. Khoản 3 Điều 21, nhiều ý kiến cho rằng ghi “Nghiêm cấm trả thù…” là chưa chính xác, cần sửa lại thành “Nghiêm cấm trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”. Về khoản 1 Điều 107 Dự thảo nên cần sửa là “Tòa án nhân dân và các Tòa án khác theo luật định là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền tư pháp”.
Nhiều đại biểu cũng góp ý đề nghị bỏ bớt một đoạn và sửa lại Điều 108. Cụ thể, tại điều 7 Điều 108 Dự thảo ghi “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được đảm bảo. Bị can, bị cáo có thể tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; đương sự có thể tự mình, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ lợi ích hợp pháp”, như vậy là thừa, do đó khoản 7 Điều 108 cần sửa lại là “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo , quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm theo quy định của luật”, vì các quyền này đều đã được quy định cụ thể bằng các điều luật ở các Bộ luật, luật…../.
Theo TTXVN