Thứ Tư, 25/9/2024
Thế giới
Thứ Hai, 16/2/2015 15:15'(GMT+7)

Gia nhập IS - Đã đi, khó về

Các tay súng IS trong một cuộc phô trương lực lượng tại tỉnh Rắc-ca của Xy-ri. (Ảnh: nypost.com)

Các tay súng IS trong một cuộc phô trương lực lượng tại tỉnh Rắc-ca của Xy-ri. (Ảnh: nypost.com)

IS mới đây đã hành quyết 13 thành viên sau khi các tay súng này thất bại trong cuộc tấn công tại tỉnh Ki-cúc (Kirkuk), miền Bắc I-rắc. Các tay súng bị hành quyết nói trên nằm trong lực lượng phiến quân IS được lệnh đánh chiếm tòa nhà chính quyền tỉnh Ki-cúc, một tỉnh có nhiều dầu mỏ, nằm ở phía bắc thủ đô Bát-đa (Baghdad). Tuy nhiên tại đây, IS đã vấp phải sự chống trả dữ dội của quân chính phủ I-rắc. 13 thành viên IS sau đó thoát chết trở về nhưng cuối cùng lại bị chính IS hành quyết vì bại trận. Những người này được cho là đến từ quốc gia láng giềng Xy-ri để hỗ trợ IS tấn công tỉnh Ki-cúc.

Tháng 1 vừa qua, một số nguồn tin cho biết thủ lĩnh IS A-bu Ba-cơ An Ba-đa-di (Abu Bakr al-Baghdadi) cũng đã ra lệnh hành quyết 56 thành viên thất trận của nhóm này. Vụ hành quyết diễn ra tại khu vực phía Đông thành phố Mô-xun (Mosul) ở miền Bắc I-rắc.

Gần đây, một số tay súng từng phục vụ trong hàng ngũ IS khi trốn thoát trở về đã kể lại cuộc sống “như trong nhà tù” lúc còn chiến đấu cho nhóm này. Theo A-bu I-bra-him (Abu Ibrahim), một cựu thành viên của IS từng chiến đấu ở Xy-ri, cuộc sống của các tay súng phương Tây nằm trong hàng ngũ IS hầu như được trợ cấp hoàn toàn, từ nơi ở, thực phẩm đến chi phí sinh hoạt hằng ngày. "Ban đầu, khoản tiền này xấp xỉ 50USD/tháng. Vào mùa đông, tiền sinh hoạt phí tăng lên 100USD/tháng để mua quần áo ấm hoặc những vật dụng sinh hoạt. Các ngôi nhà cũng được cung cấp cả lò sưởi. Đối với các cặp vợ chồng, họ còn trang bị cả đồ nội thất và những thứ cần thiết", A-bu I-bra-him nói với phóng viên CBS News.

Nhưng dần dần, A-bu I-bra-him và nhiều thành viên IS đã “vỡ mộng” bởi thấy “cuộc sống trong lòng IS” không chỉ toàn màu hồng như họ tưởng. Được chu cấp đầy đủ nhưng họ lại có cảm giác “như trong nhà tù”. Đặc biệt, sau khi phải chứng kiến những vụ hành hình các nhân viên cứu trợ quốc tế, nhà báo phương Tây và cả dân thường, nhiều tay súng đã mất hết nhuệ khí, tỏ ra sợ hãi và bắt đầu nghĩ đến việc từ bỏ IS để về nhà.

Ngoài ra, theo A-bu I-bra-him, các thủ lĩnh của IS dường như bị mắc chứng hoang tưởng khi lúc nào cũng nghĩ rằng, có những người chuyên do thám đang xâm nhập vào tổ chức của chúng. Thế nên, khi thấy bất cứ ai khả nghi, IS đều tra tấn, xử bắn hoặc chặt đầu. Một tay súng khi trốn thoát trở về còn tiết lộ câu chuyện một “tân binh IS” đã bị hành quyết chỉ vì… cố tình giấu điện thoại.

Thường xuyên phải đối mặt với những điều khủng khiếp như thế, nhiều tay súng đã nảy sinh ý định “đoạn tuyệt” với IS. Song điều đáng nói là, một khi đã đến với IS, con đường về nhà của họ gần như bị thắt chặt. Theo trang News.com.au, các thành viên từng chiến đấu cho IS cố gắng rời khỏi Xy-ri mà không có “giấy phép viết tay” của lãnh đạo nhóm này sẽ bị xử tử. Ngay cả khi trốn thoát, những người này hoặc bị thương tích, hoặc bị chấn thương tâm lý nặng nề. Đó là chưa kể khi trở về, họ có thể bị lực lượng an ninh, quân đội các nước chống IS bắt giữ, thẩm vấn và bị ngồi tù.

News.com.au cũng cho biết, hiện có nhiều tay súng từng chiến đấu trong hàng ngũ IS ở Xy-ri khi trở về Đức đã tiết lộ sự tàn bạo của nhóm này đối với các thành viên của mình. Trong số khoảng 200 tay súng từng sát cánh cùng IS vừa trở về Đức, một số người đã đồng ý hợp tác với lực lượng an ninh Đức để cung cấp chi tiết về thời gian họ ở cùng IS.

Bất chấp thực tế phũ phàng đó, vẫn có một làn sóng các chiến binh nước ngoài đổ xô tới Xy-ri và I-rắc để gia nhập IS. AFP dẫn thông tin từ giới chức tình báo Mỹ cho biết, hiện có tới hơn 20.000 tình nguyện viên trên khắp thế giới đang tới Xy-ri để gia nhập IS và các nhóm cực đoan khác. Báo cáo mới đây của Trung tâm Chống khủng bố quốc gia (NCTC) của Mỹ cho thấy, các chiến binh nước ngoài đã tới Xy-ri từ hơn 90 quốc gia khác nhau. Nhiều tình nguyện viên nước ngoài mới đến Trung Đông gần đây đã gia nhập lực lượng của IS tại Xy-ri và I-rắc. Giám đốc NCTC Ni-cô-lát Ra-xmút-xen (Nicholas Rasmussen) nhận định xu hướng này là “rõ ràng và rất đáng ngại”.

Chắc hẳn trong trong số hàng chục nghìn người đang ấp ủ ý định gia nhập IS, sẽ có nhiều người bị “vỡ mộng” giống như A-bu I-bra-him./.

Trung Dũng (QĐND)

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất