Với trí tuệ uyên bác và được thôi thúc bởi những giá trị
cao cả của chủ nghĩa nhân đạo cùng trải nghiệm cá nhân phong phú, những
người sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin đã kế thừa tinh hoa tư tưởng của nhân
loại để sáng tạo nên một học thuyết khoa học vĩ đại. Học thuyết đó
không chỉ vạch rõ bản chất của lịch sử, mà còn đưa ra những dự báo khoa
học cho tương lai. Theo đó, dù khó khăn, phức tạp và đôi khi là những
thụt lùi song chủ nghĩa xã hội là tương lai của nhân loại.
Những người sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin đã luận chứng một cách có căn
cứ rằng, trên cơ sở liên hợp của những người lao động, dưới sự lãnh đạo
của chính đảng cách mạng chân chính, giai cấp công nhân và nhân dân lao
động sẽ kiến tạo một chế độ xã hội có khả năng tiếp tục thúc đẩy lực
lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ.
Trong quá trình đó, dân chủ thật sự của người lao động được thực thi
với nhiều hình thức, công cụ mà nhà nước xã hội chủ nghĩa là công cụ
hùng mạnh nhất. Các dân tộc trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia cùng
chung sống trong một môi trường hòa bình, hữu nghị và hợp tác để phát
triển vì lợi ích chung. Do đó, nạn áp bức dân tộc vĩnh viễn bị xóa bỏ.
Vì lẽ đó, chủ nghĩa xã hội là hiện thân của những giá trị tốt đẹp mà
nhân loại khao khát hướng tới.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội
không chỉ rất lâu dài, gian khổ mà còn không có một hình mẫu duy nhất
cho mọi quốc gia. Vì vậy, câu hỏi chủ nghĩa xã hội là gì, con đường nào
để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội vẫn luôn được các chính đảng
công nhân đặt ra và giải đáp.
Là người đứng đầu Đảng ta, trước yêu cầu của thực tiễn, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã dày công nghiên cứu và có những kiến giải sâu sắc. Ý
kiến của Tổng Bí thư được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tập
hợp trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã
hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Với 29 bài viết chọn lọc, phản ánh một tầm tư duy sâu sắc, một niềm
tin sắt đá vào chủ nghĩa xã hội cũng như tiền đồ tươi đẹp của dân tộc
Việt Nam, Tổng Bí thư đã đề cập đến những vấn đề trọng yếu nhất của chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam trong đó có những giá trị cốt lõi, bền vững và
tốt đẹp mà nhân loại hướng tới.
Tổng Bí thư đã cho thấy, trong điều kiện Việt Nam, để mang lại hạnh
phúc thật sự cho nhân dân, cần phải kiên trì, kiên định các giá trị cốt
lõi, bền vững và tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội. Các giá trị đó phải được
nhận thức và vận dụng sáng tạo, phù hợp điều kiện Việt Nam và bối cảnh
mới của thời đại.
Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phải hướng đến mục tiêu vì sự phát triển
bền vững cho con người. Mục tiêu đó là nhất quán và xuyên thấm toàn bộ
hành trình của người cộng sản khi phải đối mặt với tình trạng tha hóa
bản chất con người do các chế độ có giai cấp bóc lột đưa lại.
Tổng Bí thư đã trả lời một cách thuyết phục một câu hỏi đặc biệt lớn
của thời đại chúng ta, nhất là sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa
ở Liên Xô và các quốc gia khu vực Đông Âu, đó là “lịch sử cáo chung”,
chủ nghĩa tư bản là nấc thang cuối cùng hay chủ nghĩa xã hội là tương
lai của nhân loại và tại sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ
nghĩa?
Với thái độ khách quan, khoa học, Tổng Bí thư nhận định: “Chúng ta
thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như
ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh
vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và công
nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao
và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã
có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc
lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước”.
Nhận định trên đây đề cập đến một khía cạnh mà chúng ta dễ lãng quên,
rằng, thành tựu của chủ nghĩa tư bản, nhất là những điều chỉnh theo
hướng quan tâm hơn trong giải quyết các chế độ phúc lợi xã hội còn là
kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và người lao động. Đây là một
lưu ý đặc biệt cần thiết để không lý tưởng hóa các giá trị tư sản, ca
ngợi chủ nghĩa tư bản một chiều.
Cần thấy rằng, hào quang ấy đã phải trả giá bằng sự bần cùng hóa với
tốc độ ngày càng lớn đối với người lao động, hình thành thế giới đối
nghịch giữa 1% và 99%; sự cạn kiệt tài nguyên và hệ sinh quyển sống; sự
thừa thãi và lãng phí ở cấp độ toàn cầu; sự xung đột, chiến tranh và nạn
khủng bố quốc tế; sự chia rẽ sâu sắc giữa các dân tộc, sắc dân; sự chà
đạp nhân phẩm hay bản sắc mà một số học giả tư sản đã cảnh báo…
Vì lẽ đó, chủ nghĩa xã hội là hiện thân của chủ nghĩa nhân đạo được
xây nền, rọi sáng bởi những giá trị văn hóa có tính khai sáng của nhân
loại. Cũng vì thế, Tổng Bí thư khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội mà
trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi
nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”. “Chúng ta cần sự
phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không
phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”. “Chúng ta
cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá
trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt
cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”.
Để thực hiện mục tiêu cao cả đó và bác bỏ luận điệu chủ nghĩa xã hội
là “sự chia đều sự nghèo khổ cho mọi người”, những người sáng lập chủ
nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhất quán rằng, những giá trị
của chủ nghĩa xã hội chỉ có thể từng bước được hiện thực hóa khi và chỉ
khi đạt được sự thăng tiến của lực lượng sản xuất xã hội.
Trong điều kiện Việt Nam, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa được xác định là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là “nền kinh tế thị trường hiện đại, hội
nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế
thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa,
nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Theo đó, giữa kinh tế không tách rời mà gắn bó chặt chẽ với xã hội,
“tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội
ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát
triển”. Điều này cho thấy, thể chế kinh tế đó không phải là sự gán ghép
có tính cơ học như một số luận điệu của các phần tử cơ hội, phản động mà
là sự kết hợp hữu cơ giữa hai yếu tố thị trường và định hướng xã hội
chủ nghĩa.
Là một chỉnh thể, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam còn thể hiện ở phương
diện chính trị. Đó là một nền chính trị mà mọi quyền lực xã hội đều
thuộc về nhân dân và phục vụ nhân dân. Nhà nước xã hội chủ nghĩa khác về
bản chất so với các kiểu nhà nước đã từng có trong lịch sử bởi “Thực
tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây
ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực
thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân-yếu tố bản chất
nhất của dân chủ”.
Do đó, “chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự
thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ
không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.
Với bản chất của mình, chủ nghĩa xã hội không chỉ đưa lại sự giàu có
về vật chất mà suy cho cùng phải tạo ra một hệ sinh thái tinh thần bảo
đảm cho sự phát triển tự do, toàn diện của con người. Đó là một hệ sinh
thái nuôi dưỡng lòng nhân ái, sự hòa mục, đồng thuận giữa con người với
con người và giữa các cộng đồng, dân tộc để “bản chất loài” như quan
niệm của C.Mác được phát lộ. Do đó, phát triển bền vững phải là sự phát
triển dựa trên nền tảng văn hóa, vì mục tiêu văn hóa và động lực cũng là
văn hóa.
Tổng Bí thư cho rằng, “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của
xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ
quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh
tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình
xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Theo ý nghĩa đó, công cuộc đổi
mới là một công trình văn hóa.
Trước hiểm họa môi trường tự nhiên bị hủy hoại, một vấn đề hết sức
nóng bỏng không thể không đề cập đến như là một trong những giá trị của
chủ nghĩa xã hội, đó là làm sao để sự phát triển bền vững không chỉ về
kinh tế, xã hội mà còn cho cả môi trường. Do đó, “Chúng ta cần sự phát
triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong
lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác,
chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi
trường.
Để những giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội ở
Việt Nam trở thành hiện thực, Tổng Bí thư cho rằng, cần “Nhận thức sâu
sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của
công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định
hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối
với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Có thể nói, cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuy dung lượng không lớn song chứa đựng nhiều tư
tưởng lớn về chủ nghĩa xã hội. Đó là kết quả của quá trình lao động
kiên trì, đầy tâm huyết, trách nhiệm với Đảng, nhân dân và Tổ quốc,
không chỉ góp phần soi sáng con đường cách mạng trong công cuộc đổi mới
hiện nay mà còn là sự cổ vũ to lớn cho toàn Đảng, toàn quân và nhân dân
ta tiếp tục tiến lên thực hiện thành công di nguyện của Bác Hồ./.