Thứ Ba, 3/12/2024
Lý Luận
Thứ Năm, 3/2/2022 6:0'(GMT+7)

Đảng ta thật là vĩ đại!

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngược lại dòng lịch sử, từ cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa đế quốc. Các nước tư bản đế quốc thực hiện chính sách: Bên trong tăng cường bóc lột nhân dân lao động, bên ngoài gia tăng các hoạt động xâm lược và áp bức nhân dân các nước thuộc địa. Sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc làm đời sống nhân dân lao động trên thế giới trở nên cùng cực. Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân ngày càng gay gắt. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ ở các nước thuộc địa. Năm 1917, với thắng lợi của Cách mạng Tháng mười Nga, chủ nghĩa Mác - Lênin từ lý luận đã trở thành hiện thực, mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người; là ánh sáng soi đường cho các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Tháng 3/1919, Quốc tế III Cộng sản ra đời đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đối với Việt Nam, Quốc tế Cộng sản có vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đầu thế kỷ XX, giữa lúc dân tộc ta khủng hoảng về đường lối cứu nước, nhiều nhà yêu nước đương thời như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… tiếp tục con đường cứu nước theo lối cũ nhưng do hạn chế của lịch sử, nhất là thiếu một đường lối đúng nên không thành công thì năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) đã ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. Nhờ hoạt động không mệt mỏi của Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối mà đến cuối năm 1929 đầu năm 1930, những điều kiện cho sự ra đời của một đảng vô sản ở Việt Nam đã chín muồi. Từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như Đại hội thành lập Đảng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng tháng 9/1960 đã quyết định lấy ngày 3 tháng 2 mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, mở ra thời kỳ mới cho Cách mạng Việt Nam - thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ra đời đã xác định được những nội dung cơ bản nhất của con đường cách mạng Việt Nam, đáp ứng được những nhu cầu bức thiết của lịch sử và trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết thống nhất các tổ chức cộng sản, các lực lượng cách mạng và toàn thể dân tộc. Đây là bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đó là kết quả của sự vận động, phát triển và thống nhất phong trào cách mạng trong cả nước; sự chuẩn bị công phu về mọi mặt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự đoàn kết nhất trí của những chiến sỹ tiên phong vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc. Đây cũng là thành quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam; chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng. Việc Đảng ra đời và chủ trương cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới đã được sự ủng hộ to lớn của cách mạng thế giới, kết hợp sứ mệnh dân tộc với sứ mệnh của thời đại làm nên những thắng lợi vẻ vang; đồng thời, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ của nhân loại trên thế giới.

Sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những kỳ tích vĩ đại. Đó là:

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lật đổ ách thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp và triều đình phong kiến, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp với quyết tâm “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp giành thắng lợi, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến 21 năm chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc, là một sự kiện có tầm quốc tế và có tính thời đại sâu sắc. Thắng lợi đó mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX.

Thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo hơn 35 năm, đã vượt qua mọi khó khăn, bao vùng cấm vận, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đứng vững và tiếp tục đi lên trong cơn “động đất chính trị” trên thế giới khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ (1989 - 1991); hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào thoái trào. Qua hơn 35 năm đổi mới, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập, Đảng đã lãnh đạo đưa đất nước từ hơn 10 năm qua ra khỏi nhóm nước nghèo có thu nhập thấp sang các nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp.

Những thắng lợi giành được 92 năm qua là minh chứng về năng lực lãnh đạo của Đảng. Với phương châm đúng đắn: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội…”, Đảng ta không ngừng tự đổi mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trước yêu cầu mới của tình hình quốc tế và trong nước. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức được đặc biệt quan tâm, được đặt ra trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và ban hành Quy định số 37- QĐ/TW về những điều Đảng viên không được làm trên tinh thần sửa đổi, bổ sung Quy định số 47-QĐ/TW đã được ban hành trước đó. Đáng chú ý, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta đẩy mạnh với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không ngừng nghỉ”. Do vậy, niềm tin của cán bộ và các tầng lớp nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố và không ngừng nâng cao.

Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong 92 năm qua đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và tài tình của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, thông qua quá trình lãnh đạo, Đảng ta được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, xứng đáng với vai trò và sứ mệnh cao cả mà lịch sử đã lựa chọn là lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đưa dân tộc đến tương lai tươi sáng và đáp ứng sự tín nhiệm, kỳ vọng của nhân dân. Từ thực tiễn đó đã khẳng định Đảng là lực lượng chính trị duy nhất có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước.

Với những thành tựu to lớn do Đảng lãnh đạo đã đạt được, chúng ta có đủ cơ sở vững chắc để khẳng định rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay! Thực tiễn Đảng lãnh đạo đất nước 92 năm qua đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác là do “Một Đảng Cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, tôn trọng, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì Đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên(1).

Năm nay kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh cũng là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng m với các mục tiêu cụ thể: Đến giữa năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua nước thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để thực hiện các mục tiêu trên thành hiện thực, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Với hướng đi đúng đắn, hợp quy luật, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức đồng lòng bằng khát vọng vươn lên mãnh liệt và ý chí, quyết tâm chính trị cao, nhất định Việt Nam sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Với niềm phấn khởi, tự hào, chúng ta tin tưởng vững chắc rằng, phát huy truyền thống vẻ vang, tăng cường bản chất cách mạng, tính tiên phong của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình vượt qua mọi khó khăn, thách thức, trong đó có đại dịch COVID-19, để lãnh đạo nhân dân ta xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đất nước đang đứng trước thời cơ, vận hội mới, chúng ta xin gửi trọn niềm tin vào con đường mà Bác Hồ kính yêu và Đảng đã lựa chọn, mỗi người hãy đặt quyết tâm như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Có đánh thức được tiềm năng và biến thành nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hay không, điều đó phụ thuộc vào ý chí, nghị lực của toàn Đảng, toàn dân ta, của mỗi người Việt Nam chúng ta”./.

TS. Bùi Thế Đức
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

(1) Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức sáng 3/2/2020.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.1, tr.57.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất