Thứ Hai, 25/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 29/8/2014 15:38'(GMT+7)

Giá trị định hướng thiên tài của Di chúc Hồ Chí Minh

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh phát biểu tại Hội thảo khoa học 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh phát biểu tại Hội thảo khoa học 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 29-8, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng và Học viện Báo chí & Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thúy Đức, Quyền Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam và  nhân loại. Sự nghiệp của Người gắn liền với những mốc son chói lọi của lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam. Ngày 2/9/1969, ra đi về cõi vĩnh hằng, di sản của Người để lại cho dân, cho nước vô cùng to lớn và quí giá, đó là: tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh - những giá trị mà như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định là “chúng ta khai thác chưa được bao nhiêu”. Đặc biệt trong đó là bản Di chúc đã tác động sâu sắc tới mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết đơn giản chỉ là “mấy lời để lại”, “tóm tắt vài việc”, nhưng sự đơn giản ấy lại chứa đựng những điều lớn lao, vĩ đại của người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất.  

45 năm qua, mỗi độ thu về, trong không khí sôi động kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng ta lại bồi hồi, lắng đọng trước di huấn của Người. 45 năm qua, đã có nhiều hội thảo khoa học, những công trình nghiên cứu được xuất bản, những phân tích, đánh giá, nhận định về Di chúc và liên quan đến Di chúc Hồ Chí Minh. Và 45 năm qua, chúng ta vẫn khẳng định sự trường tồn của Di chúc Hồ Chí Minh. Thời gian càng lùi xa, thực tiễn đã và đang diễn ra trên đất nước Việt Nam, trên thế giới càng chứng minh giá trị định hướng thiên tài trong lời dặn trước lúc đi xa của Bác.

Mục tiêu của Hội thảo là tiếp tục khẳng định những nội dung, giá trị của Di chúc Hồ Chí Minh, làm rõ hơn việc thực hiện Di chúc của Bác trong 45 năm qua, đã làm được những gì, những gì chưa làm được và tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa Di chúc của Người trong tương lai.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận ba nội dung chính là:  Bác Hồ viết Di chúc; nội dung, giá trị của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh; 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ở phần thứ nhất “Bác Hồ viết Di chúc”, các tham luận đều khẳng định Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm được Người viết lâu nhất, trong 4 năm từ 1965 đến 1969. Nhưng mỗi năm,  Người chỉ dành một khoảng thời gian vào dịp sinh nhật, từ 10 đến 19/5, để suy ngẫm, trăn trở, sửa lại, bổ sung... Cả quá trình đó thể hiện tâm nguyện, tình cảm, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Đồng chí Chu Thị Ngọc Lan (Bảo tàng Hồ Chí Minh) cho biết, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang nét độc đáo riêng, cho dù bút tích Người ghi rõ “Tuyệt đối bí mật”, nhưng đây là tài liệu được công bố rộng rãi nhất ngay từ lần đầu tiên vào những ngày tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố cả ở trong nước và nước ngoài. Lời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đăng tải trang trọng trên trang nhất nhiều tờ báo lớn trên thế giới sau ngày 9/9/1969, sau Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội.

Qua việc phát biểu ý kiến, trình bày tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đã làm rõ hơn những nội dung, những giá trị những lời dặn lại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những vấn đề về xây dựng và chỉnh đốn Đảng cầm quyền, đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên; vấn đề Đảng phải có kế hoạch thực hiện các chính sách xã hội, phát triển kinh tế văn hóa, nguồn lực con người nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; vấn đề xây dựng bồi dưỡng lực lượng cách mạng cho đời sau; về mục tiêu và động lực cách mạng; cuộc chiến đấu chống những cái cũ kỹ hư hỏng xây dựng những cái mới mẻ, tốt tươi; về đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân, tăng cường đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Với những vấn đề được đề cập tới, Di chúc Hồ Chí Minh toát lên tinh thần nhân văn sâu sắc và tinh thần đổi mới, phát triển phù hợp qui luật tự nhiên và xã hội.

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà - cử nhân Trần Thị Thái (Viện Lịch sử Đảng- Học viện CTQG Hồ Chí Minh) đã đề cập đến nội dung Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Trong tổng số 1.431 chữ trong Di chúc, Người đã dành 108 chữ để nói về Đảng. Trong 5 nội dung chính của Di chúc, Người dành để nói về Đảng đầu tiên. Còn về việc riêng, về bản thân mình, Người chỉ viết vỏn vẹn 79 chữ, lại để ở nội dung cuối cùng. Điều đó cho thấy sự suy nghĩ tâm huyết, sự mong mỏi cháy bỏng của Người về sự nghiệp cách mạng của dân tộc, về việc làm thế nào để duy trì và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng. Để có thể giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng". Người cho rằng, yếu tố quan trọng đầu tiên để đoàn kết là phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau một cách thật sự và tự giác, không giả dối. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác".  Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: nhờ đoàn kết chặt chẽ… Đảng ta đã đoàn kết và lãnh đạo nhân dân giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đây chính là truyền thống, là vốn quý, là bảo bối của Đảng, là điều kiện cần và đủ để Đảng có sức mạnh thật sự và có khả năng tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc thực hiện các nhiệm vụ đề ra.

 
 

45 năm qua Đảng ta, nhân dân ta đã thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạt được những thành quả nhất định nhưng vẫn tồn tại những hạn chế. Các đại biểu đã thảo luận, đưa ra một số giải pháp để toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục thực hiện xuất sắc điều mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PGS.TS Phạm Ngọc Anh (Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng) cho rằng, tiếp tục học tập và thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, nhiệm vụ trước mắt trong xây dựng văn hóa Đảng cầm quyền là bằng những việc làm thiết thực, tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương phát động. Với chủ đề xuyên suốt của Chỉ thị 03 (2011): “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân; đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị ”, mỗi cán bộ, đảng viên hãy hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, biến quyết tâm thành hành động, thành chất lượng và hiệu quả công việc, góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, chấn hưng và phát triển bền vững đất nước. Đây chính là phương thức quan trọng nhằm củng cố, phát huy và làm sáng lên các giá trị nhân cách văn hóa đảng viên của một Đảng cầm quyền.

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, theo đồng chí Nguyễn Thị Hải (Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng) từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên đã không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới phương thức lãnh đạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tròn 45 năm toàn Đảng, toàn dân thực hiện Di chúc của Người. Đây là dịp để mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên tự xem xét lại mình một cách cặn kẽ trong việc thực hiện Di chúc của Người; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức và các tệ nạn xã hội, góp phần hiện thực hóa điều mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

PGS.TS. Phạm Xuân Mỹ (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhìn nhận, kiểm điểm lại qua 45 năm phấn đấu, Đảng ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ đổi mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; sự đoàn kết và vai trò lãnh đạo của Đảng được củng cố, niềm tin của nhân dân với Đảng được tăng cường. Đảng đã có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt.

Tuy nhiên tự kiểm điểm, Đảng tự thấy còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục. Việc Học tập và làm theo tấm giương đạo đức Hồ Chí Minh đã đạt kết quả tốt đẹp, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện thắng lợi các đường lối đổi mới của Đảng. Chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác, coi trọng hơn nữa nhiệm vụ xây dựng đạo đức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó trưởng ban Tuyên giáo Phạm Văn Linh một lần nữa khẳng định Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại, là một tác phẩm vô giá trong di sản tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng và toàn dân ta.

Di chúc của Bác chứa đựng nhiều nội dung quan trọng về sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bồi dưỡng thế hệ trẻ; nâng cao đời sống nhân dân và về đoàn kết quốc tế, những việc cần làm sau khi chiến tranh kết thúc và về việc riêng của Người. Mỗi nội dung chứa đựng trong đó là những vấn đề cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam trong các thời kỳ khác nhau và hướng đích cao đẹp nhất của Di chúc là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng thế giới.

45 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đồng hành với Đảng, với nhân dân Việt Nam trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tiến trình lịch sử ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhân đất nước và hiện nay là đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế. Thành tựu của công cuộc đổi mới trên tất cả các bình diện chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội hôm nay là minh chứng hùng hồn khẳng định tính chân lý về con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn cho dân tộc, đã và đang từng bước hoàn thành ước nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một nước Việt Nam độc lập, giàu mạnh, sánh ngang với các cường quốc năm châu.

Có thể khẳng định, Hội thảo khoa học 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là diễn đàn có sức thu hút lớn các nhà khoa học, các nhà giáo, nhà báo và nhà hoạt động thực tiễn, những người đang từng ngày, từng giờ giữ gìn và phát triển di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thu Hằng

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất