Thứ Hai, 25/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 16/8/2014 22:8'(GMT+7)

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ánh sáng của trí tuệ và niềm tin

Hội thảo do Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Học viện Chính trị Khu vực II, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức ngày 16/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Mở đầu hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh- Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định: Qua 45 năm, những giá trị lý luận và thực tiễn của Di chúc ngày càng được khẳng định. Những lời dặn của Người về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về “ công việc đối với con người”, về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, tinh thần đại đoàn kết dân tộc… vẫn còn nguyên giá trị.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoa Xinh, những lời dặn dò cuối cùng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi như ngôi sao sáng dẫn đường cho chúng ta đi tiếp con đường mà Người đã lựa chọn và dẫn dắt dân tộc ta đi tới thắng lợi vinh quang. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một văn kiện có giá trị lịch sử mà có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Đảng và nhân dân ta coi Di chúc của Hồ Chủ tịch là một tài sản vô giá, xứng đáng được xếp vào đỉnh cao giá trị trong kho tàng văn hóa tinh thần của dân tộc.

Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết vào tháng 5/1965, khi Bác ở tuổi 75 và đến lần sửa cuối cùng vào tháng 5 năm 1969. Như vậy, Di chúc được Bác viết trong 4 năm mới hoàn thành. Nội dung Di chúc của Người là sự kết tinh của lý tưởng cộng sản và niềm tin sắt đá vào lý tưởng cao đẹp ấy, của tình cảm cách mạng sâu sắc và trí tuệ cách mạng sáng suốt, của lương tâm trong sạch và lối sống thanh cao của lòng yêu nước thương dân và tinh thần quốc tế vô sản.

Đề cập đến ý nghĩa của Di chúc đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, Giáo sư, tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương những lời căn dặn của Bác, lời đầu tiên Người dặn về Đảng và việc đầu tiên được người nhấn mạnh là thực hành đoàn kết, thực hành dân chủ trong Đảng. Đây là điều hệ trọng và quyết định đối với thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, đối với sự bền vững của chế độ đồng thời đối với sinh mệnh của Đảng, nhất là khi Đảng ở vị thế cầm quyền. Trong vấn đề Đảng, điều làm ta thấm thía từ Di chúc của Người là ở chỗ, Người đề cập tới sự cần thiết phải chỉnh đốn lại Đảng, coi đó là việc trước tiên phải làm ngay sau khi cách mạng giải phóng miền Nam đã hoàn thành thắng lợi.

Từ nghiên cứu của mình, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh: Lời dặn của Người, việc trước hết, trước tiên phải chỉnh đốn lại Đảng, vào lúc này càng trở nên cấp thiết, bức xúc và có tính thời sự biết nhường nào. Cách tốt nhất để thực hiện lời dặn hệ trọng và thiêng liêng đó của Người vào lúc này là ra sức làm tốt những gì chưa làm được theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI của Đảng, khắc phục bằng được tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hiện nay để lấy lại niềm tin của dân đối với Đảng đang bị giảm sút.

Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng của một Cương lĩnh. Phó giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tình, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: Nội dung Di chúc mang tư tưởng của một cương lĩnh chính trị. Cương lĩnh ấy đã nhận định tổng quát về tình hình thế giới và tình hình trong nước; đã khẳng định mục đích ra đời của Đảng, mục tiêu của cách mạng, lực lượng cách mạng, những chặng đường cách mạng phải trải qua và những định hướng lớn về nhiệm vụ của Đảng. Tư tưởng cương lĩnh ấy chứa đựng trong nó sự thống nhất giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế, giữa tri thức và niềm tin, giữa kiên định và đổi mới, giữa tính cách mạng, tính khoa học và tính nhân văn sâu sắc.

Cùng quan điểm này, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo cho rằng: Người đã dùng một cái tối thiểu để biểu đạt một cái tối đa, Di chúc vì thế mang tầm vóc của một Cương lĩnh- Cương lĩnh đổi mới và phát triển. Di chúc là một thiết kế toàn diện về đổi mới, là tầm nhìn chiến lược cho tương lai, thể hiện quan điểm thực tiễn, quan điểm đổi mới và quan điểm phát triển của Hồ Chí Minh.

Từ thực tiễn nghiên cứu và vận dụng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới góc độ của một người công tác ở cơ sở, ông Nguyễn Bách Khoa, Bí thư huyện ủy Huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) đã chia sẻ cảm nhận về việc giáo dục cán bộ, đảng viên về đạo đức Hồ Chí Minh qua Di chúc của Người. Nêu ra một số nét về Di chúc của Bác có những giá trị về những lời dạy sâu sắc về đoàn kết, thấm đẫm tính nhân văn về tự phê bình và phê bình, về đạo đức của người cán bộ, đảng viên, ông Nguyễn Bách Khoa cho rằng: Ở góc độ tâm lý, cùng một nội dung, của một người nhưng việc nói trong một hội thảo, buổi họp mặt, chỉnh huấn…thì tác dụng sẽ không bằng những lời đó từ Di chúc. Nhất là đối với người được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kính trọng, thương yêu. Như vậy, việc giáo dục cán bộ, đảng viên thông qua Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có hiệu quả hơn./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất