Thứ Năm, 21/11/2024
Học và làm theo Bác
Thứ Tư, 30/1/2019 21:5'(GMT+7)

Giá trị tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954 (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954 (Ảnh tư liệu)

GS.TS Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân với việc giữ gìn kỷ luật Đảng hiện nay

Nhìn từ tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân, vấn đề kỷ luật Đảng hiện nay trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng cần được hiểu và vận dụng một cách thiết thực, hiệu quả.

Trước hết, trong vấn đề giữ gìn kỷ luật, Đảng không cho phép đảng viên coi cái tôi cao hơn tất thảy, không cho phép đảng viên hành xử bất chấp cương lĩnh, đường lối, chủ trương, nghị quyết, điều lệ Đảng, quyết định, quy định của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước. Bởi vì, nếu mắc phải căn bệnh này, cán bộ trở thành những con người độc đoán, chuyên quyền để mưu lợi cá nhân; bất chấp nguyên tắc của Đảng, của Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.

Hai là, cần đặt vấn đề đảng viên thực hiện kỷ luật Đảng trong khuôn khổ rèn luyện đạo đức cách mạng. Ngoài xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, Đại hội XII của Đảng đã đề ra cần xây dựng Đảng về đạo đức. Đây là sự nhấn mạnh cần thiết bởi vì trong bối cảnh hiện nay, vấn đề đạo đức càng trở nên bức thiết khi hàng loạt vấn đề lợi ích đặt ra trước mắt đảng viên.

GS. TS Mạch Quang Thắng: cần đặt vấn đề đảng viên thực hiện kỷ luật Đảng trong khuôn khổ rèn luyện đạo đức cách mạng.

GS. TS Mạch Quang Thắng: cần đặt vấn đề đảng viên thực hiện kỷ luật Đảng trong khuôn khổ rèn luyện đạo đức cách mạng.

Ba là, vấn đề kỷ luật Đảng đi đôi với vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân. Kỷ luật Đảng đòi hỏi lợi ích của cá nhân và lợi ích của Đảng phải hài hòa với nhau. Do vậy, đảng viên cần hướng chỉnh cho lợi ích của cá nhân mình hợp với lợi ích của Đảng.

Bốn là, thực hiện kỷ luật Đảng chính là sự biểu hiện của tinh thần trách nhiệm và hành động tích cực chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí, quan liêu là giặc nội xâm. Đây là những nhân tố làm hại Đảng, làm hại Tổ quốc. Những cán bộ, đảng viên do tính kỷ luật kém, do chủ nghĩa cá nhân chi phối đã sa vào tham ô, thoái hóa, lãng phí, xa hoa. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.

Đảng phải mạnh, phải sạch, phải trong sáng. Trong Đảng, chắc chắn ai cũng mong như thế. Đó cũng là di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà các thế hệ đảng viên phải ra sức thực hiện khi đọc tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

PGS. TS Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Rèn cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sỹ cách mạng

Tác phẩm tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân  chỉ vỏn vẹn 750 từ nhưng đã đề ra những giải pháp có ý nghĩa đột phá nhằm chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, rèn cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sỹ cách mạng trong tình hình hiện nay.

Thứ nhất, Đảng phải tăng cường giáo dục. Đây là giải pháp được Bác Hồ đặt lên hàng đầu trước khi bàn đến các giải pháp khác. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng cũng đặt nhóm giải pháp giáo dục chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình lên hàng đầu.

Quan trọng nhất là giáo dục cái gì? Giáo dục như thế nào? Bác Hồ đã chỉ rõ, giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Đây là những nội dung căn cốt, rường cột thuộc về tư cách của một người cách mạng.

Gắn với đó là giáo dục nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

PGS.TS Bùi Đình Phong: Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

PGS.TS Bùi Đình Phong: Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Thứ hai, thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Vấn đề đặt ra là, không phải chỉ phê bình và tự phê bình, mà là cách thức phê bình phải nghiêm chỉnh. Theo Bác, khuyết điểm cũng như một chứng bệnh. Phê bình cũng như là uống thuốc. Sợ phê bình cũng như là có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Không phê bình khác nào thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ. Không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại, khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình. Một đảng mà giấu khuyết điểm của mình là một đảng hỏng.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng chỉ rõ, “tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”.

Hơn 30 năm qua, công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng vẫn được tiến hành thường xuyên nhưng điều quan trọng nhất là cần phải nghiêm chỉnh như lời Bác dặn. Thực tế cho thấy, phần lớn những vụ việc tham nhũng, lãng phí bị phát hiện, phanh phui không phải do kết quả của tự phê bình và phê bình trong Đảng, mà do tai mắt của quần chúng phát hiện.

Thứ ba, vai trò của quần chúng trong chống chủ nghĩa cá nhân.

Để quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân đã nêu ra biện pháp “phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Phải đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”. Đây là điểm nhấn, cốt tủy trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Nhận thức sâu sắc những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quét sạch chủ nghĩa cá nhân mà chỉ phê và tự phê bình trong Đảng theo kiểu “đóng cửa bảo nhau” thì không đạt được kết quả như mong muốn. Thậm chí, nêu làm hình thức, chiếu lệ, sẽ “nhờn thuốc”. Nhất định phải dựa vào dân để chống tiêu cực, rèn cán bộ.

PGS.TS Nguyễn Thế Thắng, Học viện Chính trị khu vực I: Nền tảng tư tưởng và định hướng cho công tác xây dựng Đảng về đạo đức

Có thể khẳng định, tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân là một tổng kết về công tác xây dựng Đảng về đạo đức, là nền tảng tư tưởng và định hướng cho công tác xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Thế Thắng: Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là một biện pháp quan trọng để trừ tận gốc mọi suy thoái, biến chất

PGS.TS Nguyễn Thế Thắng: Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là một biện pháp quan trọng để trừ tận gốc mọi suy thoái, biến chất

Trong tác phẩm, Bác đã chỉ ra cách nhận diện những biểu hiện đa dạng của chủ nghĩa cá nhân, đồng thời chỉ ra rằng, chủ nghĩa cá nhân chính là nguồn gốc chủ yếu sinh ra tình trạng mà ngày nay Đảng gọi là suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống. Cho nên, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là một biện pháp quan trọng để trừ tận gốc mọi suy thoái, biến chất. Đây cũng là một biện pháp cơ bản trong phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng ta.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII đều hết sức cụ thể hóa định hướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng, coi đây là một biện pháp gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ cấp trên.

Những biện pháp xây dựng Đảng về đạo đức đối với mỗi cán bộ, đảng viên ngày càng được Đảng ta quy định hết sức cụ thể để chúng ta có thể học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực tế công tác của mỗi người. Mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện đúng tinh thần các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, như Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương… thì mỗi cán bộ, đảng viên thực sự có tư tưởng, đạo đức cách mạng và phong cách cần có để làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh. Đảng giữ được vị thế, vai trò là một Đảng cầm quyền.

 Thu Hằng (ghi lại)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất