Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Tư, 20/6/2018 7:44'(GMT+7)

Giải ‘bài toán’ chất lượng lao động trong DN FDI

Ngày 19/6, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo chuyên đề “Lao động trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài-Thực trạng và giải pháp”.

Các khuyến nghị tại Hội thảo là tài liệu quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp vào Báo cáo tổng kết 30 năm hoạt động đầu tư nước ngoài trình Thủ tướng Chính phủ.
 

Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Nguyễn

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2017, có khoảng hơn 14.600 doanh nghiệp FDI, sử dụng hơn 3,6 triệu người (chiếm 26% tổng số lao động khu vực doanh nghiệp). Doanh nghiệp FDI sử dụng từ 10 lao động trở lên có 13.786 doanh nghiệp (chiếm 10,5%).

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đề cập tới 2 khía cạnh tích cực mà khu vực doanh nghiệp FDI mang đến cho lao động trong nước.

Theo đó, khu vực FDI đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận không nhỏ lao động. Lao động trong các doanh nghiệp FDI tuy chiếm tỷ trọng thấp nhưng có hiệu quả sản xuất kinh doanh khá cao. Tốc độ tăng việc làm của khu vực FDI luôn cao, nhất là sau khi gia nhập WTO. Sự có mặt của khu vực này đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông thôn ra các thành phố, đặc biệt là vào các khu công nghiệp lớn.

Cùng với đó, khu vực FDI đã góp phần cải thiện nguồn nhân lực.Thông qua sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp FDI, một đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao từng bước được hình thành .

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, FDI cũng làm mất đi nhiều việc làm truyền thống, tạo thêm áp lực xã hội cho các địa phương có liên quan. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI còn thiên về khai thác nguồn lao động có giá nhân công rẻ, ít đào tạo, thậm chí dùng cơ chế thử việc để liên tục thay lao động. Nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ lao động nữ rất cao, nhưng giá nhân công thấp, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây bất ổn trong quan hệ lao động...

Bên cạnh đó, theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện 39,86% doanh nghiệp FDI đang thiếu hụt lao động và gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng do không có lao động đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: VGP/Thu Nguyễn

Ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018, tại 39/63 tỉnh, thành phố cả nước xảy ra 454 cuộc ngừng việc tập thể và đình công chủ yếu do nợ lương, không điều chỉnh lương tối thiểu, vi phạm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nợ BHXH, không đóng BHXH, điều kiện lao động khắc nghiệt, ban hành nhiều quy định trái pháp luật, đối xử thô bạo...

Một tình trạng khá phổ biến diễn ra ở nhiều doanh nghiệp FDI là sa thải người lao động trên 35 tuổi với lý giải một số ngành nghề không phù hợp với lao động sau tuổi 35. Doanh nghiệp không muốn trả lương, đóng BHXH cao hơn cho người lao động có thâm niên. Bên cạnh đó một số lao động sau tuổi 35 không đáp ứng được yêu cầu công việc, trong khi nguồn lao động trẻ còn khá dồi dào... gây nhiều hệ lụy mà lớn nhất là vấn đề an sinh xã hội; vấn đề tìm kiếm, bố trí việc làm mới cho người lao động; tạo tâm lý bất an xã hội, có thể dẫn đến các vấn đề tiêu cực khác..., ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Tăng chất lượng để cạnh tranh

“Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, việc thu hút FDI thời gian tới đã được Việt Nam xác định phải chuyển đổi theo hướng chuyển từ thu hút số lượng sang chất lượng, thu hút công nghệ cao, thân thiện với môi trường và nhất là từng bước chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, ông Phạm Văn Cộng cho rằng, cần chuyển hướng thu hút FDI theo hướng tăng chất lượng, tăng nhanh ngành dịch vụ công nghiệp kỹ thuật cao, đặc biệt chú trọng thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ.

“Công nghiệp hỗ trợ sẽ khuyến khích ứng dụng, sử dụng khoa học công nghệ cao, lực lượng lao động có cơ hội được tiếp xúc, học hỏi, nâng cao tay nghề, góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hạn chế việc nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài, giải quyết việc làm cho người dân địa phương và tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế”, ông Phạm Văn Cộng nói.

Đề xuất giải pháp cải thiện nguồn nhân lực, TS. Lê Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Nếu Việt Nam thực sự muốn tạo bước chuyển lớn và thu hút những doanh nghiệp FDI có trình độ cao tới đầu tư, yêu cầu về chất lượng lao động là bắt buộc”.

Cần xác định rõ định hướng chiến lược và ưu tiên ngành nghề phát triển trong giai đoạn tới, giúp việc dự báo nhu cầu lao động cũng như thực hiện hướng nghiệp đối với học sinh ngay từ trường học. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo của các trường đại học, trường nghề cần phải được quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng. Việc liên kết giữa các cơ sở này với doanh nghiệp là không thể bỏ qua nhằm gắn lý thuyết với thực hành trong quá trình đào tạo, tránh tình trạng học viên ra trường doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại hoặc đào tạo những thứ không phù hợp với yêu cầu công việc.

Còn theo ông Ngọ Duy Hiểu, cần có các chính sách cụ thể để bảo vệ nhóm người lao động yếu thế, hạn chế tình trạng sa thải lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là các quy định về chấm dứt hợp đồng đối với nhóm lao động này. Cần có quy định và mở rộng quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN khi lao động bị sa thải sau độ tuổi này.

Bên cạnh đó, cần thiết kế một chính sách tổng thể cho người lao động bị mất việc làm, tương tự như đã có các chính sách tổng thể cho các nhóm yếu thế khác như người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em. Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động truyền thông, đa dạng hóa các hình thức, các kênh truyền thông để tăng khả năng tiếp cận thông tin của người lao động tìm kiếm việc làm mới, ổn định cuộc sống.

Theo chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất