Các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh là Lào Cai 12,49%, Lai Châu 10,57%, Yên Bái 10,23%... Tỉnh Quảng Ninh đã có 7 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và hoàn thành Chương trình 135; 5 xã và 45 thôn đăng ký hoàn thành chương trình này vào năm 2018; toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2019 sẽ cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn.

Kinh nghiệm thành công của các địa phương trên cho thấy, sự tham gia tích cực của người dân là một trong những yếu tố then chốt để Chương trình 135 phát huy hiệu quả; đồng thời thực hiện tốt phương châm “trung ương và địa phương cùng lo, cùng làm”, tránh tư tưởng ỷ lại, thụ động, trông chờ. Theo đó, việc triển khai thực hiện Chương trình 135, nhất là với các công trình cấp xã làm chủ đầu tư, phải bảo đảm dân chủ, công khai, có sự tham gia tích cực của người dân ở tất cả các bước, các khâu triển khai thực hiện: Từ lập dự án, tổ chức thi công, giám sát…, đến nghiệm thu, bàn giao công trình, đưa vào khai thác sử dụng và bảo vệ, duy tu bảo dưỡng định kỳ.

Đặc biệt, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, giao thông đi lại ở các xã 135 khó khăn, thì sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, như hiến đất làm đường, đóng góp ngày công; khai thác, tận dụng nguyên vật liệu tại chỗ… đã giúp đẩy nhanh tiến độ, phát huy hiệu quả công trình, dự án. Đó cũng chính là nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương trao quyền nhiều hơn cho người dân nghèo chủ động tự vươn lên xóa đói, giảm nghèo một cách căn cơ, bền vững.

Thực hiện hiệu quả Chương trình 135 không chỉ góp phần cải thiện rõ rệt kết cấu hạ tầng, đời sống của bà con nhân dân, mà các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn được tiếp cận, được chuyển giao khoa học kỹ thuật, các loại cây, con giống mới, vươn lên thoát nghèo. Thực tế cho thấy, chỉ có giúp nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực hỗ trợ, nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất, tạo sinh kế và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh…, thì các hộ nghèo ở địa bàn 135 mới thực sự giảm nghèo nhanh và bền vững.

Với chủ trương tăng cường phân cấp cho xã làm chủ đầu tư các tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, một nội dung và yêu cầu quan trọng là phải nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cấp xã, bảo đảm tính chủ động của cơ sở trong lập kế hoạch và tổ chức thực hiện dự án...

Hiện toàn quốc có 2.139 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu… của 46 tỉnh, thuộc diện đầu tư của Chương trình 135, giai đoạn 2017-2020. Thời gian tới, Chương trình 135 cũng trao quyền nhiều hơn cho chính quyền cấp cơ sở và đòi hỏi phải nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác xóa đói giảm nghèo. Thực hiện tốt “công việc gốc” này cũng là một trong những yêu cầu quan trọng để từng bước tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần đẩy nhanh tiến độ xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo, nhất là đối với các xã thuộc diện Chương trình 135./.