Thứ Sáu, 22/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 12/4/2019 15:57'(GMT+7)

Giải bài toán thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu

TS. Võ Trí Thành trao đổi tại Diễn đàn. (Ảnh: Vietnam+)

TS. Võ Trí Thành trao đổi tại Diễn đàn. (Ảnh: Vietnam+)

Đây cũng là nội dung chính được bàn thảo tại “Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 12/4, tại Hà Nội.

CẦN "BẮT TAY" NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG

Là một doanh nghiệp sản xuất chè hữu cơ, ông Phạm Minh Đức cho biết, để thành công tại thị trường châu Âu bản thân doanh nghiệp phải lăn lộn nhiều năm mới có thể tiếp cận được với khách hàng.

Chia sẻ những khó khăn, ông Phạm Minh Đức cho rằng, thị trường châu Âu ban đầu chưa có nhiều ấn tượng với sản phẩm chè của Việt Nam do tâm lý lo ngại về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay chất lượng sản phẩm có thể không đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Vì vậy, để thay đổi nhận thức này, một mặt doanh nghiệp vừa nỗ lực trong việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng mặt khác doanh nghiệp cũng phải kiên trì chào hàng, đưa các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam trực tiếp đến đối tác để họ dùng thử và dần dần mới có thể tiếp cận được thị trường này.

“Đầu tiên phải hiểu thị trường chứ không thể ngồi nghĩ sản phẩm của mình là tốt và khách hàng sẽ tìm tới mình”, ông Phạm Minh Đức cho hay.

Đồng tình ý kiến trên, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mây tre xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam cho biết, từ năm 2008 doanh nghiệp đã tận dụng thương mại điện tử để xúc tiến xuất khẩu, phát triển thị trường.

Từ những kinh nghiệm đúc kết được, theo đại diện Công ty này, muốn bán được hàng tại các thị trường khó tính thì phải tìm hiểu rất kỹ và nâng cao chất lượng để giữ uy tín với khách hàng.

Trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách và đầu tư bài bản cho công tác nghiên cứu thị trường, nhất là thị trường nước ngoài.

Theo ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT), nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự chuyên nghiệp trong xuất khẩu còn rất thiếu.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn ngại đầu tư làm sản phẩm mới. Do vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân doanh nghiệp cần coi đây là cuộc chơi chung và bắt tay nhau để cùng phát triển.

HƯỚNG TỚI TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG

Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2018 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 480 tỷ USD. Đáng chú ý, cán cân thương mại đã đạt thặng dư 6,8 tỷ USD, cao gấp 3,2 lần mức thặng dư năm 2017.

Tuy vậy, ông Jonas Grunder, Phó Giám đốc quốc gia Văn phòng Hợp tác Thụy Sĩ (Đại sứ quán Thụy Sĩ) cho rằng, ở khía cạnh xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn gặp thách thức trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài, trong đó là hàng rào thuế quan và các yêu cầu về chất lượng.

Để thành công, theo ông, doanh nghiệp cần chú ý tới các chuẩn mực về tính bền vững, bởi người tiêu dùng hôm nay cần biết về điều kiện sản xuất ra các sản phẩm đang cung cấp cho họ như thế nào?

“Các chuẩn mực về môi trường sinh thái là một vấn đề mà doanh nghiệp cần đạt được, nhất là với thị trường như Thụy Sĩ, các doanh nghiệp phải biết được điều này để xuất khẩu thành công”, ông Jonas Grunder chia sẻ kinh nghiệm.

Cũng đề cập tới yếu tố tăng trưởng, song ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu lưu ý hơn tới yếu tố bền vững.

Theo đánh giá của ông, thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu có thể không còn tăng trưởng mạnh như trước nhưng bù lại giá trị gia tăng sẽ cao hơn, chất lượng tăng lên và hơn nữa là việc phát triển đồng bộ với tái cơ cấu sản xuất.

“Định hướng tiếp theo chính là xuất khẩu không đánh đổi việc chạy theo con số gây ảnh hưởng đến môi trường”, ông Trần Thanh Hải thông tin thêm.

Liên quan tới công tác phát triển thị trường đẩy mạnh xuất khẩu, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, bên cạnh các hoạt động hội chợ triển lãm, thời gian tới, cơ quan này sẽ tổ chức nhiều hoạt động kết nối thị trường, tư vấn thông tin thị trường đặc biệt là kết nối người mua-người bán giữa các đối tác trong và ngoài nước nhằm đáp ứng tốt nhất cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý đến việc đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế thông qua các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài, điều này được cho là có thể tận dụng được hết các lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết qua đó nâng cao giá trị xuất khẩu, hướng tới phát triển bền vững./.

(Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất