Đó là nội dung chính của buổi Tọa đàm diễn ra sáng 12/01/2012, tại Hà Nội do Hội Tin học Việt Nam đã tổ chức.
Buổi tọa đàm về các nội dung trong Nghị định 102/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các thông tư hướng dẫn cùng vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án CNTT.
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Tin học Việt Nam với chủ đề "Vietnam ICT Insight" do Hội Tin học Việt Nam chủ trì. Tham gia tọa đàm có đại diện các cơ quan quản lý về tin học của một số Bộ, Ngành, đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT, đại diện một số Sở Thông tin - Truyền thông các tỉnh thành và các doanh nghiệp CNTT.
Tại buổi Tọa đàm, đại diện Hội Tin học đã báo cáo tổng quan về các văn bản pháp quy về việc triển khai thực hiện các dự án ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước; đồng thời nêu các điểm vướng mắc, bất hợp lý trong các quy định trên về quy trình thực hiện dự án, phân nhóm các dự án, xác định giá trị phần mềm nội bộ và các định mức trong dự án CNTT.
Với mỗi vấn đề, đại diện Hội đều đưa ra kiến nghị đối với Bộ Thông tin - Truyền thông và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Qua kinh nghiệm thực tế triển khai các dự án CNTT một vài năm gần đây, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý CNTT một số tỉnh, thành cũng đã có ý kiến và đề xuất cụ thể về những vấn đề gặp phải trong quá trình triển khai dự án CNTT.
Chia sẻ tại tọa đàm, đại diện Công ty Hệ thống thông tin FPT đã nêu các khó khăn của công ty về tổ chức quản lý triển khai CNTT; trình tự, thủ tục thực hiện, thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện; tồn tại trong việc định giá phần mềm và xác định mức lương lao động bình quân trong các dự án.
Được biết, sau buổi tọa đàm này, ghi nhận toàn bộ các ý kiến của đại diện nhiều doanh nghiệp, cơ quan CNTT các tỉnh thành và đại diện cơ quan quản lý về CNTT các Bộ, Ngành, Hội Tin học Việt Nam sẽ tổng hợp và sớm có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước./.
(Theo: VnMedia)