Thứ Bảy, 5/10/2024
Lý Luận
Thứ Năm, 12/9/2024 10:2'(GMT+7)

Giai cấp nông dân hiện thực hóa mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” qua gần 40 năm đổi mới: Kết quả và một số bài học kinh nghiệm

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm vùng sản xuất nông nghiệp tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. (Ảnh: TTXVN)

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm vùng sản xuất nông nghiệp tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. (Ảnh: TTXVN)

GIAI CẤP NÔNG DÂN HIỆN THỰC HÓA MỤC TIÊU "DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH" QUA GẦN 40 NĂM ĐỔI MỚI

Về mục tiêu “dân giàu”: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ chính quyền cách mạng cần “Làm cho người nghèo thì đủ ăn./ Người đủ ăn thì khá giàu/ Người khá giàu thì giàu thêm”(1). Chỉ dẫn này của Người đã được Đảng và Nhà nước hiện thực hóa thông qua việc quan tâm, khuyến khích, khơi dậy tinh thần, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, hợp pháp trong mọi tầng lớp nhân dân. Ngay từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã xác định “Kinh tế gia đình có vị trí quan trọng và khả năng dồi dào, cần được khuyến khích và giúp đỡ phát triển... Thu nhập của kinh tế gia đình không những góp phần cải thiện đời sống, mà còn là một nguồn tích lũy để tái sản xuất mở rộng”(2).

Xuất phát từ chỗ “cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm”, nhưng với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, cùng với đức tính cần cù, chịu khó, người nông dân đã từng bước vượt lên chính mình, tích cực tham gia sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân ngày càng được nâng cao. Số lượng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, có thu nhập cao ngày càng nhiều, với khoảng 3,6 triệu hộ/năm trong giai đoạn 2017 - 2022, trong đó số hộ có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2012 - 2017(3); một bộ phận nông dân có điều kiện thuận lợi đã bứt phá, nhanh chóng trở nên giàu có với doanh thu hằng năm trên 100 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, các hộ này còn tích cực tham gia giúp đỡ, hỗ trợ hộ nông dân nghèo vươn lên thoát nghèo. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2017 - 2022, đã có trên 815 nghìn lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ về cây, con giống, vật tư nông nghiệp trị giá trên 6,72 nghìn tỷ đồng; từ đó, trên 108 nghìn hộ nông dân thoát nghèo và đang vươn lên làm giàu; hàng nghìn căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa, mái ấm nông dân được đóng góp xây dựng và giúp cho trên 1,2 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất; hàng trăm tỷ đồng được đóng góp cho các quỹ ở địa phương(4).

Nỗ lực vươn lên của người nông dân đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam từ 498,58 USD năm 2000, đạt 3.718 USD năm 2021 và tăng lên 4.162,94 USD năm 2022; qua đó, đưa Việt Nam từ xếp thứ 173/200 trên thế giới năm 2000, vươn lên xếp thứ 124/200 năm 2021 và xếp thứ 117/200 năm 2022(5); từ chỗ người dân thiếu đói, thiếu thốn nhiều nhu yếu phẩm cần thiết, đến nay nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, gia nhập nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.

Về mục tiêu “nước mạnh”: Để thực hiện mục tiêu “nước mạnh”, Đảng ta xác định “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm...; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”(6). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với chính sách của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, nước ta đã có bước phát triển vượt bậc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Ngay khi bước vào thời kỳ đổi mới, với chính sách khoán trong nông nghiệp, người nông dân đã phát huy tinh thần tự chủ trong sản xuất, đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực (mỗi năm phải nhập khẩu từ 50 vạn đến 1 triệu tấn lương thực), vươn lên đáp ứng được nhu cầu trong nước, có dự trữ và xuất khẩu. Nghị quyết số 26 NQ/TW, ngày 5/8/2008, Hội nghị Trung ương 7 khóa X về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã mở ra giai đoạn phát triển mới; nông dân đã phát huy vai trò chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đưa nông nghiệp phát triển toàn diện, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, thủy sản và một số nông sản khác với hàng hóa nông sản có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp ước đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%). Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỷ USD (mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước). Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: hàng rau quả tăng trên 70% và gạo tăng trên 36%, gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới(7). Việc nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao(8) không chỉ phát triển kinh tế nông nghiệp, mà còn thúc đẩy công nghiệp chế biến, dịch vụ phát triển, tạo việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập bình quân chung toàn xã hội. Nhiều nông dân chuyển đổi ngành, nghề, phát triển đa dạng các hoạt động thương mại, dịch vụ hỗ trợ sản xuất và phục vụ dân sinh, đưa kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực. Những điều đó cho thấy, nông dân nước ta đã có đóng góp to lớn trong phát triển nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Cùng với phát triển kinh tế, nông dân vừa là chủ thể xây dựng, sáng tạo ra hương ước, quy ước, vừa là người đưa hương ước vào cuộc sống, kiến tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống ở nông thôn, làm cho bản sắc văn hóa được sáng tạo, tích lũy và trao truyền. Các hoạt động sản xuất ngành, nghề truyền thống của nông dân đã góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa làng quê. Các sản phẩm OCOP của nông dân đã “vật thể hóa” bản sắc văn hóa nông nghiệp. Những thiết chế văn hóa truyền thống vừa là điểm tựa tinh thần trong đời sống xã hội nông thôn, vừa là hồn cốt tạo cơ sở để lưu giữ những giá trị văn hóa cổ truyền với hàng nghìn di tích lịch sử, công trình văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống cộng đồng.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, nông dân luôn là lực lượng quan trọng tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Ở các địa phương, nông dân tích cực tham gia các phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh” cũng như hưởng ứng các ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, ngày hội “Quốc phòng toàn dân”, ngày hội “Biên phòng toàn dân”; tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Ở địa bàn biên giới, nông dân tham gia phối hợp với bộ đội biên phòng tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới; cung cấp thông tin, tố giác tội phạm với lực lượng chức năng(9), vừa tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vừa giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Ở trên biển, ngư dân không chỉ đóng góp lớn vào phát triển kinh tế trên lĩnh vực khai thác thủy, hải sản, mà còn là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền quốc gia, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ở nông thôn, nhiều nông dân trực tiếp tham gia đội tự quản an ninh trật tự, tổ hòa giải, các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm ở cơ sở, như “Ba an toàn”, “Ấp 4 không”, “Tự quản an ninh trật tự”, “Xứ họ đạo bình yên”, “Tiếng kẻng phòng gian”, “Tổ nông dân tự quản, tự phòng” góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn(10). Đóng góp của nông dân qua gần 40 năm đổi mới đất nước đã tạo cho nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân có bước phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, qua đó cho thấy nền tảng “gốc rễ” quyết định tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chính là “thế trận lòng dân” vững chắc mà đông đảo trong đó là lực lượng nông dân.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh và trao danh hiệu 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. (Ảnh: TTXVN)

Về mục tiêu “dân chủ”: Tư tưởng “nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, được Đảng ta quán triệt và vận dụng sáng tạo trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng xác định “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”(11). Quan điểm này tiếp tục được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”(12).

Để thực hiện mục tiêu “dân chủ”, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được ban hành và hiện thực hóa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trên nhiều phương diện của đời sống xã hội. Nông dân đã thực hiện tốt quyền của cử tri trong các lần bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; phát huy vai trò của mình trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, tổ chức xã hội ở cộng đồng nông thôn. Thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hội nông dân các cấp, người nông dân đã có những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm cao đối với Đảng, chính quyền, nhất là trong các đợt lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp; trực tiếp phản ánh, kiến nghị với đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp trong các đợt tiếp xúc cử tri, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Nông dân đã nêu cao trách nhiệm tham gia góp ý đối với cán bộ, đảng viên, tích cực tham gia phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; kịp thời kiến nghị, phản ánh với cấp ủy, chính quyền về khó khăn, bức xúc và nguyện vọng hợp pháp, chính đáng, nhất là trong các cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ, giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với nông dân được tổ chức trong những năm gần đây; qua đó, tạo sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nông dân, củng cố, nâng cao niềm tin của nông dân với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Nông dân đã từng bước làm chủ các phong trào ở nông thôn với việc đề cao phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Sự thành công của chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là minh chứng điển hình cho vai trò và sự tham gia của nông dân trong phát huy dân chủ ở cơ sở. Nông dân không chỉ tham gia thảo luận, bàn bạc, góp ý vào chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng ở nông thôn, mà còn tích cực đóng góp công sức, tiền của, hiến đất chung tay xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính giai đoạn 2011 - 2020, nông dân đã đóng góp trên 100 nghìn tỷ đồng, trên 47 triệu ngày công, hiến trên 424 triệu mét khối đất, làm mới, nâng cấp trên 293 nghìn km kênh mương và 542 nghìn km đường giao thông nông thôn, xóa 29.411 nhà tạm(13), góp phần làm cho kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và môi trường khu vực nông thôn phát triển cả số lượng và chất lượng, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang. Ở nhiều địa phương, việc phục hồi, tu tạo công trình di tích văn hóa, xây dựng công trình nhà văn hóa, sân chơi thể thao chủ yếu do nhân dân ở thôn, xóm bàn bạc đầu tư xây dựng. Đó chính là sức mạnh khi dân chủ được phát huy, sức mạnh khi nhân dân được thể hiện vai trò làm chủ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, sức mạnh của niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Về mục tiêu “công bằng”: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”(14). Thực hiện lời dạy của Người, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng xác định “thực hiện công bằng xã hội” và nhấn mạnh “Thực hiện công bằng xã hội phù hợp với điều kiện thực tế”(15).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc gắn kết phát triển kinh tế với phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội đã được thực hiện ngày càng hiệu quả, khơi dậy và phát huy tính tích cực, chủ động của mọi tầng lớp nhân dân. Nông dân đã mạnh dạn đầu tư, hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi ngành, nghề, đa dạng hóa việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo, thu nhập giữa nông thôn và thành thị từ 2,26 lần năm 2022 xuống còn 1,89 lần năm 2010, giảm còn 1,6 lần năm 2020 và đến năm 2022 còn 1,55 lần(16), rút ngắn khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị(17). Nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc đã thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, hoạt động hiệu quả, không chỉ tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân khác, mà còn tích cực tham gia truyền nghề, hướng dẫn, hỗ trợ hộ nông dân khác cùng phát triển và đóng góp thực hiện chương trình an sinh xã hội ở địa phương. Nông dân chủ động đăng ký, tham gia học nghề, có việc làm để thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên có mức thu nhập khá(18), góp phần tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản năm 2020 gấp 3,17 lần so với năm 2010 (từ 17,63 triệu đồng lên 55,9 triệu đồng) và đạt 81,1 triệu đồng/người lao động vào năm 2022(19).

Các chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nông dân tích cực hưởng ứng, tham gia, bởi vì họ chính là người được thụ hưởng thành quả của chương trình, góp phần làm cho tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm nhanh, bình quân giảm 1,21%/năm trong giai đoạn 2008 - 2020(20), năm 2021 giảm 0,52% so với năm 2020, năm 2022 giảm 1,17% so với năm 2021; tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đạt trên 3%(21); tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh năm 2020 đạt 90,5%, tăng 14,5% so với năm 2008; số hộ nông thôn được cung cấp, sử dụng điện đạt 99,45%(22). Cùng với chính sách của Nhà nước, sự nỗ lực của nông dân đã giúp cải thiện rõ rệt các vấn đề bất cập phát sinh từ sự phân tầng xã hội, sự chênh lệch trong chi tiêu giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất từ 5,7 lần năm 2020 giảm xuống còn 3,2 lần năm 2022; tỷ lệ đi học đúng tuổi của các thành viên ở hộ nông dân đều tăng, nâng tỷ lệ ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông lần lượt đạt 95,8%, 90,5%, 77,2% (tăng 17,8% so với 2012)(23); tỷ lệ nông dân tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 48,7% năm 2010 lên 92,2% năm 2020(24)... Thành tựu đạt được trong thực hiện công bằng xã hội những năm qua có sự đóng góp lớn của nông dân. Đó là sự vượt khó vươn lên, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đức tính và bản chất tốt đẹp của người nông dân trong lao động, học tập để xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc và từng bước làm chủ nông nghiệp hiện đại, phát triển nông thôn.

Về mục tiêu “văn minh”: Nền văn minh của một xã hội do nhân dân làm chủ là sự kết hợp hài hòa giữa những giá trị tốt đẹp, văn hóa truyền thống dân tộc với thành tựu văn minh nhân loại. Ngay từ năm đầu đổi mới, Đảng ta luôn xác định rõ là phải xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc và đến Đại hội XIII, Đảng nhấn mạnh: “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”(25) của xã hội và là một trong ba nhiệm vụ chủ đạo để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Để xây dựng một xã hội văn minh, con người văn minh, trước hết phải xuất phát từ nhận thức của người dân. Quá trình đổi mới tư duy về văn hóa, xã hội, xây dựng con người mới của nông dân đã có những bước phát triển cùng với sự đổi mới của đất nước. Các hủ tục dần được loại bỏ; thay vào đó, nông dân đã tích cực tham gia thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các mô hình “Sạch làng, đẹp ruộng”, “Thắp sáng làng quê”, “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường”, “Thùng rác thân thiện với môi trường”, “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa”... ngày càng phổ biến, được nhân rộng ở nhiều địa phương. Đặc biệt phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, tổ dân phố văn hóa; các mô hình tự quản cộng đồng nông thôn trong xây dựng đời sống văn hóa theo hướng tiến bộ, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở nông thôn, như mô hình “cộng đồng nông dân tiên tiến”, “gia đình nông dân bình đẳng, hạnh phúc”... đã thu hút đông đảo nông dân hưởng ứng tham gia, xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa, xã hội ở nông thôn.

Cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, tiến bộ văn minh trên thế giới, nông dân từng bước tiếp cận và tự trang bị kiến thức, văn hóa, văn minh trong tiêu dùng, sinh hoạt, ứng xử, giao tiếp, hình thành nhân cách, nếp sống văn hóa, văn minh; biết khai thác ứng dụng tích cực của công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, không bị lợi dụng, kích động, lôi kéo bởi mặt trái của không gian mạng. Nhiều nông dân nhạy bén đã tiếp thu, trang bị cho bản thân kiến thức về khoa học - kỹ thuật, kinh tế, thị trường, pháp luật, chuyển đổi số, kinh tế số, kỹ năng sản xuất, marketing, bán hàng, sử dụng công nghệ thông tin để nâng cao trình độ, năng lực tham gia thị trường, hội nhập quốc tế.

Sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân nói chung và nông dân nói riêng với những thành công của các phong trào ở nông thôn trong những năm qua đã minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Đảng về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở nước ta, đúng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”(26). Nhất quán mục tiêu phát triển con người là trung tâm, người dân là đối tượng được tham gia và thụ hưởng trực tiếp thành quả của quá trình phát triển; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống làm cho đời sống của người nông dân ngày càng sung túc, đủ đầy, giàu bản sắc văn hóa, nông thôn ngày càng “sáng - xanh - sạch - đẹp”, văn minh, hiện đại và thực sự trở thành những miền quê đáng sống.

 Được mùa sầu riêng. (Nguồn: Trần Văn Trung/ nhiepanhdoisong.vn)

BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA TỪ QUÁ TRÌNH GIAI CẤP NÔNG DÂN HIỆN THỰC HÓA MỤC TIÊU "DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH"

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được của giai cấp nông dân trong hiện thực hóa mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, một số bài học kinh nghiệm được rút ra, cụ thể là:

Một là, phải quán triệt sâu sắc và thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đồng thời, phải quán triệt, nhận thức đầy đủ quan điểm chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “... bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân”(27).

Hai là, phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân nói chung và nông dân nói riêng; tạo mọi điều kiện để nông dân ngày càng phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tích cực tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, phong trào, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và phong trào nông dân do Hội Nông dân Việt Nam phát động.

Ba là, cụ thể hóa chính sách với cơ chế phù hợp là động lực khuyến khích nông dân giải phóng các nguồn lực, tích tụ nguồn lực (đất đai, lao động, vốn) để tổ chức sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; đồng thời, thu hút nông dân và tổ chức, doanh nghiệp tham gia thực hiện các chính sách chăm lo sức khỏe, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao và chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo hiểm.

Bốn là, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân phải được bảo đảm, nông dân phải được hưởng thụ xứng đáng với công sức và đóng góp của mình; có đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao cùng với sự phát triển của đất nước là yếu tố quan trọng, mục tiêu hướng đến của mọi nỗ lực phát triển để xây dựng thành công một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Năm là, phát huy quyền làm chủ của nông dân, tăng cường và thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là yếu tố quan trọng để phát triển, xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh; sự đoàn kết trong nội bộ nông dân và xã hội nông thôn là cơ sở phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để hiện thực hóa các mục tiêu của Đảng và Nhà nước./.

LƯƠNG QUỐC ĐOÀN
Ủy viên Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

____________________ 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.5, tr.81.

(2) (11) (15) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, t.47 (1986), tr.392-393, 549, 557.

(3) Xem: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Báo cáo số 634-BC/HNDTW, năm 2022.

(4) Xem: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII trình Đại hội VIII, năm 2023.

(5) Xem: GDP bình quân Việt Nam năm 2000 xếp thứ 173/200 thế giới, năm 2022 thay đổi thế nào?, Trang thông tin điện tử tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương, ngày 4/4/2023,

(6) (25) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.II, tr.324, 324.

(7) Xem: N.Y: Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 30/12/2023.

(8) Tính đến ngày 30/6/2023, cả nước có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; trong đó, 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.

(9) Từ năm 2018 đến nay, nông dân thông qua các cấp hội ở địa phương đã phối hợp với bộ đội biên phòng tổ chức 25.124 cuộc tuần tra biên giới; xây dựng 1.587 tổ nông dân tự quản đường biên, cột mốc; cung cấp 34.050 nguồn tin giá trị cho các đồn biên phòng, tố giác 3.937 đối tượng phạm tội.

(10) Nông dân đã tham gia phát hiện, tố giác 25.350 vụ vi phạm pháp luật; cung cấp cho cơ quan công an, chính quyền địa phương 390.750 nguồn tin giá trị..

(12) (26) (27) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr.28, 37, 36-37.

(13) Xem: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, năm 2021.

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.224.

(16) (24) Xem: Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn: Báo cáo sinh kế cho nông dân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, năm 2022.

(17) Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2020, tỷ lệ hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh ở khu vực thành thị là 99,6%, ở khu vực nông thôn là 96,3%; tỷ lệ hộ sử dụng phương tiện giao thông cá nhân có động cơ ở khu vực tương ứng là 91,8% và 85,9%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực tương ứng là 2,93% và 1,64%.

(18) Theo Báo cáo tổng kết Đề án 1956 “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2020, thì trong giai đoạn 2011 - 2020, bình quân mỗi năm có 12.259 lượt hộ nghèo tham gia học nghề, có việc làm đã thoát nghèo; 23.760 hộ có người tham gia học nghề trở thành hộ khá.

(19) Xem: Tổng cục Thống kê: Niên giám Thống kê, năm 2020, 2022.

(20) (22) Xem: Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 khóa X: Báo cáo số 103-BC/BCĐ năm 2022.

(21) Nguyễn Lâm Thành: Kết quả giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Quốc hội, ngày 17/11/2023.

(23) Xem: Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí kết quả khảo sát mức sống dân cư, năm 2022.

(Nguồn: TC Cộng sản)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất