Thứ Hai, 23/12/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 13/8/2015 16:17'(GMT+7)

Giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi thấp hơn 38% so với cùng kỳ

Một đoạn trên tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. (Ảnh: Tràng Dương/TTXVN)

Một đoạn trên tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. (Ảnh: Tràng Dương/TTXVN)

Theo báo cáo tổng hợp của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, trong thời gian qua, dù đã tích cực, chủ động trong công tác vận động, thực hiện, giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi, song tình hình ký kết và giải ngân chưa đạt được yêu cầu đề ra.

6 tháng đầu năm, thông qua các hoạt động hợp tác phát triển, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt trên 1,590 t​ỷ USD (vốn vay ODA và vay ưu đãi 1,573 t​ỷ USD, viện trợ không hoàn lại 17 triệu USD), bằng 70,54% so với cùng kỳ năm 2014. 

Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 6 tháng đạt khoảng 1,917 ​tỷ USD (ODA vốn vay đạt 1,736 t​ỷ USD, ODA viện trợ không hoàn lại 181 triệu USD). 

Mức giải ngân này thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm 2014, một phần do có các khoản vay giải ngân nhanh của Chương trình tín dụng Hỗ trợ quản lý kinh tế và Nâng cao khả năng cạnh tranh EMCC, Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu SPRCC… với tổng giá trị khoảng 350 triệu USD và một phần do các nhà tài trợ quy mô lớn thuộc Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển đều có mức giải ngân thấp hơn.

Nguyên nhân gây chậm trễ tiến độ thực hiện và giải ngân chủ yếu vẫn là vướng mắc về quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành; vướng mắc do các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án; do khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ và do vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời, công tác giải phóng mặt bằng...

Ban Chỉ đạo cũng cho biết, 23 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi trong Danh sách dự án chậm tiến độ năm 2015 được tiếp tục rà soát, đánh giá. 

Kết quả 10/23 dự án về cơ bản đã giải quyết xong các khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đối ứng, thiếu vốn kế hoạch ODA, bao gồm tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội; Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện; Dự án thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt Nam-Hàn Quốc...

Tuy nhiên, với việc bổ sung thêm Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông, danh sách dự án chậm có 14 dự án cần tiếp tục được giám sát thường xuyên.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, việc thu hút các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi sẽ khó khăn hơn. 

Vì vậy, việc giải ngân, sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả tối đa là nhiệm vụ lớn mà mỗi bộ, ngành, địa phương phải tập trung, chú ý.

Trên cơ sở kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2014-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1257/2014/QĐ-TTg, các bộ, ngành và địa phương cần hoàn thành theo đúng tiến độ được giao. 

Trong đó, các bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp thời gian qua cần quyết liệt và chú trọng hơn trong công tác điều hành, lựa chọn các dự án ưu tiên, nâng cao chất lượng văn kiện dự án để đảm bảo tiến độ cam kết và hiệu quả đầu tư.

Trong vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối sẽ tổng hợp, báo cáo mỗi tháng một lần về tình hình và mức độ cải thiện của các cơ quan quản lý nguồn vốn, dự án này.

Các cơ quan liên quan cũng cần chú ý phối hợp trong công tác vận động, chuẩn bị các dự án mới, nhất là phối hợp ngang. 

Chủ quản lý dự án và cơ quan thường trực về vốn ODA tăng thêm nhân sự và thời gian hoạt động chuyên trách trong lĩnh vực, có vấn đề gì các cơ quan, chủ dự án báo cáo ngay cho cơ quan thường trực, không chờ vào các cuộc họp giao ban của Ban Chỉ đạo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm việc, kiểm điểm với từng dự án trong số dự án thuộc danh sách chậm trễ để xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn đã tồn tại hoặc phát sinh./.

Theo VN+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất