Thuốc ARV được Việt Nam áp dụng rộng rãi từ năm 2004, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng trong điều trị HIV/AIDS từ những năm 90 và được đánh giá là giải pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS và giúp kiểm soát sự bùng phát của dịch.
Tuy nhiên trong những năm qua, nguồn thuốc ARV chủ yếu do các tổ chức quốc tế tài trợ và các nguồn tài trợ quốc tế cho ARV đang dần bị cắt giảm. Vậy đâu là giải pháp cho việc đảm bảo nguồn thuốc ARV trong thời gian tới?
Điều trị HIV/AIDS bằng ARV
Thuốc ARV là thuốc điều trị HIV/AIDS, có tác dụng ức chế virus và ngăn ngừa việc tiến triển bệnh tật do HIV gây ra.
Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), điều trị ARV sớm có thể làm giảm mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và giảm tử vong ở người nhiễm HIV, đồng thời làm giảm lây truyền HIV ra cộng đồng. Người điều trị bằng ARV thậm chí có thể phục hồi sức khỏe, giúp người nhiễm HIV/AIDS tiếp tục sống khỏe mạnh, học tập và lao động, không còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đến tháng Sáu vừa qua, số người nhiễm HIV hiện còn sống ở Việt Nam là hơn 220.000 người, trong đó có gần 100.000 người đang được điều trị bằng ARV.
Thuốc ARV được phát hoàn toàn miễn phí tại hơn 300 phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS. Kinh phí mua thuốc cung cấp cho các cơ sở y tế này chủ yếu đến từ các nhà tài trợ quốc tế với tỷ trọng chiếm tới gần 95% tổng ngân sách cho thuốc ARV.
Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo ngại là nguồn tài trợ quốc tế đang trong lộ trình cắt giảm và tiến tới năm 2017 sẽ kết thúc hoàn toàn. Khi đó, Việt Nam sẽ phải tự chủ về nguồn thuốc ARV để đảm bảo việc điều trị bằng ARV cho các bệnh nhân được liên tục và mở rộng thêm.
Hệ quả khi gián đoạn điều trị ARV do tài trợ quốc tế kết thúc
Nếu việc điều trị bằng ARV bị gián đoạn, sẽ gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Người nhiễm HIV/AIDS nếu không có thuốc ARV để uống sẽ tăng khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và tử vong; nếu không được uống thường xuyên và liên tục sẽ gây nguy cơ HIV kháng thuốc và khi đó nếu phải điều trị bằng các loại thuốc theo các phác đồ kháng thuốc, chi phí có thể đắt gấp 5-10 lần các thuốc hiện hành.
Nếu HIV kháng thuốc lây lan ra cộng đồng, tạo thành một đại dịch HIV kháng thuốc thì mức độ nguy hiểm của dịch sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Mặt khác, việc gia tăng số người nhiễm HIV và nhiễm các bệnh nhiễm trùng cơ hội sẽ dẫn đến tăng chi phí y tế, chi phí an sinh xã hội mà cá nhân người nhiễm HIV hoặc Chính phủ phải chi trả. Như vậy, có thể thấy rằng điều trị HIV/AIDS không giống điều trị các bệnh khác: việc điều trị phải được đảm bảo liên tục, ổn định, lâu dài suốt đời, tuân thủ nghiêm ngặt việc uống thuốc và thăm khám mới có hiệu quả.
Đứng trước thách thức này, Việt Nam cần chủ động, nhanh chóng có phương án đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho thuốc ARV bởi việc bệnh nhân HIV tự chi trả cho thuốc là khó khả thi vì hầu hết người nhiễm HIV là những người nghèo không có khả năng tự chi trả cho việc điều trị liên tục và suốt đời.
Bảo hiểm y tế là giải pháp lâu dài, tuy vậy cũng không phải là phương án tốt chi trả cho thuốc ARV trong tương lai gần vì tỷ lệ người nhiễm HIV hiện có bảo hiểm y tế còn rất thấp, cần có những thay đổi phù hợp về cơ chế cho phép các cơ sở y tế khám chữa HIV tham gia hệ thống Bảo hiểm; đồng thời khuyến khích người nhiễm HIV/AIDS yên tâm tham gia đăng ký bảo hiểm.
Giải pháp kịp thời trước mắt cho Chính phủ là tăng ngân sách Nhà nước chi trả thuốc ARV để kịp thời bù đắp khoản thiếu hụt kinh phí do tài trợ quốc tế rút đi.
Tại một số quốc gia láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Chính phủ cũng sử dụng ngân sách quốc gia để mua thuốc ARV. Giai đoạn 2008-2010, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Malaysia được đầu tư bởi 100% ngân sách Nhà nước với xấp xỉ 30 triệu USD mỗi năm.
Từ năm 2011 trở lại đây, Malaysia có nhận tài trợ từ Quỹ toàn cầu (Global Fund), tuy nhiên ngân sách trong nước vẫn chiếm trên 95%, vì vậy nguồn kinh phí này được duy trì ổn định, không bị ảnh hưởng bởi những biến động về tài chính./.
Theo TTXVN