Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 7/11/2014 14:18'(GMT+7)

Giải pháp tái cơ cấu đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trưởng

Ngày 7-11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp tái cơ cấu đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trưởng”.

Tái cơ cấu đầu tư công vẫn chưa đạt được sự chuyển biến về chất

Đại hội lần thứ XI của Đảng đã nêu thực hiện ba đột phá chiến lựoc, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Từ đó, thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, hình thành mô hình tăng trưởng/phát triển mới thích ứng với giai đoạn mới (đổi mới và hội nhập) ở trong và ngoài nước. Đây là điều đã được các nhà kinh tế thảo luận sôi nổi và đạt đồng thuận cao.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã được thể hiện cụ thể quan điểm trong kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 3 về kinh tế cuối năm 20111. Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, từ năm 2011-2014, Nhà nước đã liên tiếp ban hành hàng loạt chỉ thị quan trọng có tác động tích cực đến tình hình. Gần đây nhất, năm 2014, sau khi ban hành Hiến pháp năm 2012, ngày 18-6-2014, Quốc hội ban hành Luật đầu tư công, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, bao quát toàn bô quá trình đầu tư công, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lập kế hoạch đầu tư sáng kế hoạch đầu tư trung hạn. Với sửa đổi Luật ngân sách trong năm 2014, thống nhất quản lý mọi khoản chi thu công sẽ là một bước tiến quan trọng để thực hiện tái đầu tư công.

Đầu tư công đã từng bước được đưa vào khuôn khổ, nền nếp hơn, sắp trong tầm nhìn trung hạn, có cân đối. Hiệu quả đầu tư nói chung đã được cải thiện. Trong thời gian gần đây, đầu tư công tuy có giảm nhưng vẫn chiếm một tỷ trọng lớn, bình quân 2001-2010 chiếm khoảng 48,2%, từ năm 2011-2013 là khoảng 39,3%. Trong cơ cấu đầu tư công, vốn từ ngân sách nhà nước tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, tiếp đến là vốn tín dụng nhà nước. Vốn này có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây và cuối cùng là vốn DNNN. Chi đầu tư trong thời gian qua chiếm tỷ trọng lớn trong chi từ NSNN, dự toán năm 2014 là 16,2%.

Theo báo cáo của Chính phủ ra Quốc hội, quá trình chuyển dịch cơ cấu có sự thay đổi theo hướng tích cực. Hệ số ICOR của toàn nền kinh tế giảm từ mức 6,7 giai đoạn 2008-2010 xuống 5,53 giai đoạn 2011-2013 cho thấy việc triển khai nguồn vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn đã bước đầu phân bổ vốn nhà nước một cách tập trung, hiệu quả hơn. Tỷ trọng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP bình quân giai đoạn 2011-2013 thấp hơn giai đoạn 2006-2010. Tình hình tái cơ cấu đầu tư công đã được thực hiện đạt chuyển biến nhất định, tuy còn chậm.

 
 GS. Nguyễn Quang Thái phát biểu tại Hội thảo

TS. Lê Hải Mơ -  Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính lý giải việc đầu tư công của Việt Nam tăng nhanh là do xuất phát từ đề xuất của các bộ, Trung ương, địa phương và doanh nghiệp nhà nước mà chưa xuất phát trừ sự cần thiết phải có mặt của đầu tư công. Tính phong trào, đua nhau từ đầu tư tiếp tục diễn ra ở khắp mọi nơi (bến cảnh, sân bay…) tạp ra áp lực vốn rất lớn. Hầu như tất cả các dự án đều chậm tiến độ, phải điều chỉnh làm tăng quy mô vốn đầu tư lớn hơn nhiều so với kế hoạch dự kiến. Thiếu khuôn khổ thể chế, chế tài đủ mạnh để kiểm tra, giám sát xử lý các vấn đề phát sinh trong đầu tư công. Đầu tư công co giãn thất thường đã để lại những hậu quả không nhỏ.

Theo GS. Nguyễn Quang Thái, so với nhu cầu thực tiễn, tình trạng đầu tư thiếu hiệu quả (cả đàu tư công và toàn bộ đầu tư của Nhà nước) chưa được chỉnh sửa quyết liệt trong điều kiện thiếu thể chế, gắn bó với đầu tư công trong cải tổ toàn bộ nền tài chính công, thực hiện phân cấp trong  hệ thống thống nhất, chứ không phải “băm nhỏ” nền kinh tế và triệt tiêu tình trạng tham nhũng, lãng phí. Thêm vào đó, quan điểm về chức năng của Nhà nước cũng như vai trò của Chính phủ thực hiện đầu tư công như vốn mồi chưa được thông suốt. Vẫn còn tình trạng mong muốn dùng vốn Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là lực lượng để can thiệp giữ ổn định, không đúng cả về lý luận và thực tiễn.

Có thể thấy, trong thời gian qua, tái cơ cấu đầu tư công đã đạt được những mặt như: Về cơ bản, các chính sách đã góp phần bước đầu khắc phuc tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, thất thoát lãng phí; nâng cao hiệu quả đầu tư. Các bộ, ngành đã chú trọng đến việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước khi phê duyệt đầu tư. Việc bố trí đầu tư được tập trung hơn giai đoạn trước. Hàng năm đã dành số vốn đáng kể thanh toán vốn ứng trước và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, số lượng dự án khởi công mới các năm qua giảm mạnh so với thời kỳ trước. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản đã được kiểm soát chặt chẽ hơn. Việc bố trí vốn đầu tư bước đầu đã có sự kiểm soát tốt, các dự án đầu tư về cơ bản được thực hiện theo đúng mức kế hoạch đã giao, góp phần hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên, những bất cập trong đầu tư như tình trạng dàn trải, chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản… vẫn chưa được xử lý triệt để, việc cắt giảm cơ học đầu tư xây dựng cơ bản càng để lại không ít hiệu quả. Quá trình tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước thông qua thoái vốn, cổ phần hoá… diễn ra chậm, có nguy cơ không hoàn thành theo kế hoạch. Tái cơ cấu đầu tư theo hướng giảm quy mô, thay đổi cơ cấu song chưa liên kết, chưa đi kèm với các biện pháp thu hút khu vực đầu tư tư nhân thay thế. Vì vậy, tỷ trọng đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội vẫn ở mức cao.

Tóm lại, có thể thấy, tái cơ cấu đầu tư công trong thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu về cắt giảm công trình không cần thiết, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, vốn đầu tư mới được bố trí không dàn trải như trước. Song, vẫn chưa đạt được sự chuyển biến về chất; phải xuất phát từ quan điểm định vị đúng đắn đầu tư công từ đó chỉ bố trí đầu tư công mới đúng với yêu cầu, đồng thời rút vốn ra khỏi các lĩnh vực không cần thiết trong cơ cấu đầu tư công, nhằm tạo ra cơ cấu đầu hợp trên tổng thể nền kinh tế quốc dân.

Gắn tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công với việc tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế

Đề cập tới giải pháp tái cơ cấu đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trưởng, GS. Nguyễn Quang Thái cho rằng, trong thời gian tới, cần chú ý đến một số vấn đề như: Gắn tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công với việc tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, đồng thời điều chỉnh mạnh mẽ chính sách đầu tư theo các ngành và vùng cho hiệu quả, thích ứng với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Cần coi trọng vai trò đầu tư “mồi” của kinh tế Nhà nước và vai trò chủ lực của kinh tế tư nhân (theo nghĩa rộng). Tiếp tục cải cách thể chế, tạo điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế, phát triển theo hướng bền vững và bao trùm.

TS. Lê Hải Mơ nhận định, đầu tư công, nợ công là hậu quả của chính sách. Vì thế, để giải quyết vấn đề thì phải quay lại gốc của vấn đề. Đó là, nhận thức lại vấn đề cho thật đúng như vai trò của nhà nước, kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Xác định lại căn bản phạm vi, lĩnh vực cần có mặt của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp và đầu tư công. Chìa khoá để giải quyết hai vấn đề trên là tái cấu trúc cơ bản cơ cấu, quy mô chi ngân sách nhà nước, hệ thống quỹ ngoài ngân sách; thực hiện giới hạn ngân sách cứng về thâm hụt ngân sách nhà nước.

Cùng với việc triển khai Luật đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, cần công khai hoá chương trình, kế hoạch, lĩnh vực và thời hạn rút vốn ra khỏi các lĩnh vực không cần khu vực nhà nước, đầu tư công (kể cả các doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn hiệu quả); trả lại các lĩnh vực cho khu vực phi Nhà nước. Xâydựng và thực hiện chủ trương đầu tư trung hạn (đúng trên lợi ích quốc gia, hạn chế các yếu tố cục bộ, địa phương, giới hạn hành chính…); Xây dựng lộ trình điều chỉnh cơ cấu, quy mô đầu tư công với kỷ luật chặt chẽ, đưa đầu tư công giảm xuống mức 9-10% trước năm 2020, 5-7% năm 2025. Tạo khuôn khổ thiết chế, chế tài mạnh, quản lý giám sát toàn bộ quá trình tái cơ cấu.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, cần đẩy mạnh các biện pháp trực tiếp như: khống chế mức độ thâm hụt ngân sách cứng theo tỷ lệ tương ứng (4-4-3-2%) vào năm 2020. Điều chỉnh nợ công (giảm, tiến tới bỏ hẳn bảo lãnh cho doanh nghiệp, địa phương, vay để lại trước năm 2020). Phát triển thị trường trái phiếu chính phủ dài hạn (10-15 năm) với lãi suất thấp (ổn định vững chắc khuôn khổ vĩ mô, tăng huy động vốn bằng VNĐ), giảm sự lệ thuộc vào vốn vay bên ngoài. Hiệu quả tái cơ cấu đầu tư công là giải pháp vừa trực tiếp vừa gián tiếp nhưng rất quan trọng để xử lý vấn đề nợ công. Rà soát lạ tất cả những khoản nợ thuộc nợ công theo luật, trong toàn bộ hệ thống. Nghiên cứu và định vị lại quy mô, cơ cấu nợ công Việt Nam.

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất