Chủ Nhật, 13/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 14/9/2011 14:22'(GMT+7)

Giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Đời sống của người nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì đa số là những hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ. Ảnh: Hoàng Long

Đời sống của người nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì đa số là những hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ. Ảnh: Hoàng Long

Nông nghiệp trở thành nghề tay trái
Chủ tịch BCH TƯ Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho biết: Đời sống vật chất và tinh thần của hầu hết nông dân ở các vùng nông thôn đã từng bước được cải thiện, dân chủ được phát huy, nhân dân vui mừng trước nhiều chủ trương của Đảng, Nhà nước về nâng cao cuộc sống người dân nông thôn. Tuy nhiên, thực tế, đời sống nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì đa số là những hộ sản xuất quy mô nhỏ, có tới 36% số hộ có dưới 0,2 ha đất canh tác; thu nhập bình quân của nông dân chỉ bằng 76,6% bình quân chung của cả nước. Hầu hết số hộ nghèo và cận nghèo là nông dân. Khó khăn nhất với nông dân hiện nay là việc làm. Hiện thời gian sử dụng lao động nông thôn còn thấp, lao động phần lớn là thủ công năng suất thấp, khi được mùa thì tích luỹ không đáng kể; khi thiên tai, hạn hán, lũ lụt xảy ra thì tình trạng đói nghèo lại tái diễn. Hơn nữa, việc sử dụng đất nông nghiệp phục vụ công nghiệp và đô thị hoá khiến hàng triệu nông dân thiếu việc làm hoặc không có việc làm. Người nông dân vừa khó vay vốn tái sản xuất vừa gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản... cho nên, có tình trạng một bộ phận nông dân không thiết tha gắn bó với đồng ruộng và coi nông nghiệp chỉ là nghề tay trái. Nhiều nông dân đã bỏ ruộng để tìm việc tại thành phố. Mặt khác, việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân chưa đúng mức. Thực trạng trên khiến mục tiêu xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tiến trình CNH, HĐH gặp nhiều khó khăn, bất lợi.
 

 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Hội Nông dân Việt Nam
Ảnh: Anh Anh

Xây dựng giai cấp nông dân trong thời kỳ mới gắn với xây dựng Nông thôn mới

Nhiều chuyên gia cho rằng, còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Tuy nhiên, việc làm trước mắt là cần đẩy mạnh xây dựng giai cấp nông dân trong thời kỳ mới, có làm được điều này mới giải được những "bài toán” khúc mắc hiện nay. Chẳng hạn, trong 19 tiêu chí xây dựng NTM không có tiêu chí nào nói tới việc đẩy mạnh vai trò của giai cấp nông dân, dù nông dân làm chủ NTM. Vì thế, có ý kiến cho rằng, cần nâng cao năng lực cho nông dân để họ chủ động xây dựng NTM.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim nhận định: Giai cấp nông dân đã có sự biến đổi nhanh mạnh trong thời gian vừa qua về chất lượng và số lượng. Điều đó thể hiện rất rõ trong việc áp dụng khoa học, tiến bộ vào sản xuất để có sản lượng nông sản, hải sản tăng cao, vươn ra thị trường thế giới. Đây rõ ràng là sản phẩm do bàn tay khối óc của nông dân làm ra. Kết quả sản xuất đã nói lên trình độ của nông dân. Tuy nhiên, lực lượng có chuyển dịch nhưng chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Còn Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh, bà Tuyết Anh cho rằng: "Muốn nâng cao năng lực cho nông dân để họ xây dựng NTM cần có chủ trương, cơ chế phát triển nguồn nhân lực nông thôn. Đây là điều quyết định sự thành bại của NTM. Bên cạnh đó cần xác lập mối liên hệ liên minh giữa nông dân và doanh nghiệp để mối quan hệ này không đơn thuần là quan hệ giữa bên mua và bán mà phải xây dựng mối quan hệ hợp tác, cùng chia sẻ lợi ích”. Nói tóm lại, xây dựng NTM là chủ trương đúng và hợp lòng dân nhưng để nông dân "tự bơi” thì họ không đủ sức mà cần sự "ba cùng” của các cấp, các ngành; bên cạnh đó là sự thay đổi trong một số cơ chế, chính sách cho sát hợp với thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đáp ứng một phần nguyện vọng của nông dân. Thời gian qua chúng ta liên tiếp gặp thiên tai cộng khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng sản lượng lương thực luôn tăng cao (dự kiến xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm nay). Đây là kết quả thực hiện Nghị quyết cũng như sự nỗ lực hết mình của nông dân.. Nhờ sức dân cùng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước nên nông nghiệp đã có bước phát triển trong thời gian qua. Chứng kiến người dân hồ hởi tham gia xây dựng NTM chứng tỏ những điều chúng ta đã và đang đầu tư cho nông nghiệp là đúng đắn. Tuy nhiên, không vì thành tích đó mà chủ quan vì đây mới là kết quả của sự khởi đầu. Vấn đề "tam nông” là công việc lâu dài; cần tập trung mọi nguồn lực đầu tư hơn nữa hài hòa tất cả lĩnh vực trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.


L.Bình/ ĐĐk

Kiến nghị của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
 
5 Kiến nghị với Đảng:

1. Đề nghị Ban Tổ chức Trung ương sớm phê duyệt Đề án tổ chức bộ máy và biên chế chuyên trách Hội Nông dân Việt Nam ở cấp tỉnh, huyện.

2. Đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo Hội đồng lý luận Trung ương có chuyên đề nghiên cứu về giai cấp nông dân.

3. Đề nghị Ban Bí thư cho phép Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục chuẩn bị dự thảo Luật Nông dân để trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

4. Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.

5. Đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo tổng kết thực hiện Chỉ thị 59 - CT/TW ngày 15-12-2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam. Bộ Chính trị có Thông báo số 13-TB/TW ngày 28-3-2011 về việc sửa đổi những bất hợp lý về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội.

7 Kiến nghị với Chính phủ:

1. Đề nghị Chính phủ đổi mới cơ chế, chính sách nhằm huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư về nông thôn, tập trung cho kết cấu hạ tầng, điện, giao thông, thuỷ lợi, khoa học - công nghệ, dạy nghề cho nông dân.

2. Chính phủ chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân, sửa đổi luật đất đai theo hướng giao quyền sử dụng đất cho nông dân từ 20 năm lên 50 - 70 năm, nên bỏ chính sách hạn điền để tạo điều kiện cho các loại hình nông nghiệp có quy mô lớn.

3. Quy hoạch các vùng sản xuất gắn với hình thành cơ sở chế biến nông sản, có chính sách hỗ trợ bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi, chính sách hợp lý tạo điều kiện cho nông dân vay vốn được thuận lợi để phát triển sản xuất. Ban hành chính sách để các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực.

4. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ sớm để nông dân phòng chống dịch bệnh cho gia súc, chống rét cho trâu bò ở các tỉnh miền núi.

5. Đề nghị chỉ đạo tổng kết Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, bổ sung cơ chế thực hiện đồng bộ mối liên kết 4 nhà (doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học, nhà nước) để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản có hiệu quả.

6. Tăng cường quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ nông dân trong việc phòng ngừa và giảm thiểu rủi do do thiên tai, bão lụt gây ra, nhất là ở những vùng thường xuyên xảy ra bão lụt.

7. Có chính sách mạnh mẽ, bảo vệ vững chắc đất nông nghiệp nhất là đất trồng lúa nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất