Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 22/6/2010 21:13'(GMT+7)

Giải quyết những vấn đề tồn tại bằng thiện chí

Cuộc họp lần đầu tiên của nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican diễn ra tại Hà Nội vào tháng 2/2009 do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Cường và Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh, Đức ông Parolin chủ trì. Hai bên đã trao đổi một cách sâu rộng và tổng thể các vấn đề trong quan hệ giữa Việt Nam và Vatican, trong đó có các vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam. Hai bên ghi nhận chiều hướng phát triển đáng khích lệ  của mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh từ năm 1990 tới nay và cho rằng, cuộc họp đầu tiên của Nhóm công tác hỗn hợp là một bước tiến mới quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh.

Tại cuộc họp này,  Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng cũng như thực tế tôn giáo ở Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường bày tỏ mong muốn, Tòa thánh Vatican sẽ đóng góp tích cực vào đời sống Công giáo ở Việt Nam, tăng cường quan hệ đoàn kết giữa các tôn giáo, làm cho Giáo hội Công giáo Việt Nam gắn bó với dân tộc và đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước.

Về phía Tòa thánh, Thứ trưởng Parolin thừa nhận những tiến bộ tích cực đã đạt được trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam và mong muốn các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa Việt nam và Vatican sẽ được giải quyết bằng thiện chí thông qua đối thoại chân thành.

Trước khi diễn ra cuộc họp nhóm công tác hỗn hợp lần thứ nhất, giới công giáo Việt Nam cũng đã từng hân hoan với cuộc gặp giữa người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ ta với Đức Giáo hoàng Benedic 16. Cuối năm 2009, nhân chuyến thăm Italy, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm Vatican và có cuộc gặp với Giáo hoàng Benedict 16 và Thủ tướng Vatican - Hồng y Tarcisio Bertone.

Trong các cuộc gặp này, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Tòa thánh trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, góp phần tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Đánh giá cao những đóng góp của đồng bào công giáo đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ đồng tình với Huấn từ của Giáo hoàng cho các Giám mục Việt Nam dịp Ad Limina (tháng 6/2009) căn dặn người Công giáo là "một giáo dân tốt đồng thời là một công dân tốt" và nhấn mạnh tinh thần “Phúc âm trong lòng dân tộc” tại Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng ghi nhận và hoan nghênh Sứ điệp của Giáo hoàng gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam dịp khai mạc Năm Thánh 2010, trong đó Vatican nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ lẫn hiện tại và xin tha thứ.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mong muốn Huấn từ và Sứ điệp này sẽ được Giáo hội Công giáo Việt Nam hưởng ứng bằng những hành động thiết thực và đồng bào Công giáo sẽ tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Chủ tịch nước cũng tin tưởng rằng, với thiện chí và quyết tâm của hai bên, quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican sẽ tiếp tục phát triển phù hợp với mong muốn của hai bên.

Về phần mình, Giáo hoàng Benedic 16 đề nghị Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để Giáo hội Công giáo Việt Nam được tham gia đóng góp vào các hoạt động từ thiện, y tế và giáo dục, đồng thời bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Vatican trong thời gian tới. Trước đó, vào năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đến Vatican và có cuộc gặp với Giáo hoàng Benedict 16.

Theo con số mới nhất của Ban Tôn giáo Chính phủ, Việt Nam có 6,2 triệu đồng bào công giáo, lớn thứ hai ở châu Á sau Philippines. Với cuộc họp lần thứ 2 của nNhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican, dư luận mong muốn, cuộc họp sẽ tiếp tục diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau, đạt được những tiến triển tích cực trong quan hệ giữa hai bên./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất