Trong nội dung bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa
xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa (XHCN),
mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ
thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân,
lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và
cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân
làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, vừa là
động lực của công cuộc xây dựng CNXH; xây dựng nền dân chủ XHCN, bảo đảm
quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài
của cách mạng Việt Nam”.
Mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ không
chỉ là một nội dung cần phải giải quyết trong quá trình xây dựng, phát
triển đất nước, còn là “cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội”, cũng
có nghĩa là một nguyên tắc chi phối toàn bộ đời sống xã hội. Do đó,
quan hệ: Nhân dân và Nhà nước, là quan hệ giữa chủ nhân và “công bộc”.
Khoản 2, Điều 2, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Nước cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về
Nhân dân”. Mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân
làm chủ là mối quan hệ gắn bó thống nhất vì mục tiêu, lợi ích: “dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; Đảng-Nhà nước-Nhân dân
thống nhất lợi ích quốc gia-dân tộc.
Thực chất mối quan hệ: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm
chủ” là cơ chế vận hành, quyết định hiệu quả sự vận động, phát triển của
cách mạng Việt Nam. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, trong đó có
sự nghiệp đổi mới, luôn có sự khởi xướng và sự lãnh đạo của Đảng là
nhân tố quyết định. Trên cơ sở nguyên tắc mối quan hệ giữa Đảng lãnh
đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, Đảng đã từng bước nhận rõ hơn
và cụ thể hóa mối quan hệ này thành các quy định, quy tắc, chế độ trong
hoạt động thực tiễn. Trước hết, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng chính trị
duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam, đồng thời là đảng duy
nhất cầm quyền, nghĩa là Đảng trực tiếp nắm chính quyền (điều này đã
được hiến định trong Điều 4, Hiến pháp năm 2013). Do vậy, Đảng nhận
thức, một mặt phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm
quyền của Đảng; đồng thời phải tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn
Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Song Đảng cũng cần phát huy vai trò chủ động của Nhà nước, Đảng không ôm
quyền hay bao biện làm thay Nhà nước và Đảng cũng không buông lỏng sự
lãnh đạo đối với Nhà nước.
Hiện nay, tổ chức bộ máy và phương thức quản lý của Nhà nước có nhiều
đổi mới, nhất là trong lĩnh vực quản lý kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu
phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế. Nhà
nước tập trung vào xây dựng hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách,
quản lý vĩ mô bằng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các định mức, tiêu
chuẩn, phù hợp với thông lệ quốc tế, với các điều ước mà Việt Nam đã ký
với các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới.
Những đổi mới trong quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của
Nhà nước đã phát huy dân chủ, quyền làm chủ, sức mạnh của Nhân dân, tạo
ra những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước thoát khỏi
tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có
thu nhập trung bình; thế và lực, uy tín quốc tế của đất nước được nâng
lên, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện, ngày
càng cao hơn trước; các lĩnh vực văn hóa, xã hội đều có bước phát triển,
quốc phòng, an ninh được tăng cường, giữ vững môi trường hòa bình, ổn
định để phát triển đất nước. Những thành tựu đó được Nhân dân và bạn bè
quốc tế thừa nhận, đánh giá cao.
Để góp phần ngày càng hoàn thiện mối quan hệ giữa các chủ thể Đảng lãnh
đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, theo tôi cần tập trung vào các
giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, kiểm soát quyền lãnh đạo của Đảng và quyền lực nhà nước là
nguyên tắc cực kỳ quan trọng trong tổ chức quyền lực của Nhà nước pháp
quyền XHCN. Theo đó, quyền lãnh đạo của Đảng cũng như quyền lực nhà nước
được Nhân dân ủy quyền, Nhân dân giao quyền là có giới hạn mà không
phải vô hạn. Giới hạn đó là Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Quyền
lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa
các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp,
tư pháp” (Khoản 3, Điều 2). Do đó, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền
lực trong các tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước và giữa các tổ chức của
hệ thống chính trị. Thể chế hóa vai trò của Nhân dân kiểm tra, giám sát
các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức, viên
chức.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Nhà
nước thật sự là Nhà nước pháp quyền XHCN, của Nhân dân, do Nhân dân, vì
Nhân dân, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng.
Nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, chính
sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực;
gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo
vệ môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế,
bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công
chức, viên chức thực sự là công bộc của Nhân dân; tăng cường kỷ luật kỷ
cương, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, nhũng
nhiễu, vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân trong đội ngũ cán bộ, công
chức.
Thứ ba, để dân chủ XHCN trở thành mục tiêu và động lực của sự phát triển
đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải thực sự dân chủ trong tổ chức và hoạt
động của mình và đặc biệt phải tiếp tục tạo lập môi trường và điều kiện
để Nhân dân thực sự làm chủ trên thực tế. Trong mọi hoạt động, Đảng và
Nhà nước luôn “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ
XHCN, quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương
xã hội”(1). Đặc biệt, các cơ quan nhà nước cần phải “đề cao vai trò chủ
thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất
nước”(2)./.
Đại tá, TS. Nguyễn Hữu Phúc
Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng
_____________________
(1) (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.1, tr.50, 51.
(Nguồn: qdnd.vn)