Ngày 27/10, tiếp tục kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, vấn đề thu nhập của công chức, viên chức đã được nhiều đại biểu quan tâm với cơ chế lương thích hợp, dựa trên cơ sở giá trị lao động....
Theo chương trình làm việc, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, ngày 27/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý).
Tại các phiên thảo luận sáng và chiều 27/10, đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, gợi ý thảo luận của các cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị, trong đó tập trung vào vấn đề thách thức cần vượt qua, các bất cập, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế-xã hội và ngân sách.
Bên cạnh đó, đại biểu cho ý kiến về giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình phục hồi, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, dịch chuyển lao động từ khu vực công sang khu vực khác; vướng mắc trong mua sắm công, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế…
Đồng thời, đại biểu thảo luận các nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung làm rõ như số bác sỹ, số giường bệnh/vạn dân; nguyên nhân và trách nhiệm trong việc giải ngân vốn đầu tư không đạt yêu cầu; giải pháp để củng cố vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia; một số nội dung liên quan đến lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc phòng...
Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và tồn tại đã nhiều năm là vấn đề nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn và thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 27/10, khi đề cập đến tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước. Phân tích một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai các dự án đầu tư công từ thực tế tại các địa phương, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) chỉ ra thể chế chính sách còn bất cập, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án.
Đại biểu lấy dẫn chứng, từ khi hình thành dự án đến thi công trải qua nhiều thủ tục, như công tác giải phóng mặt bằng phải trải qua 12 bước, dự án nhóm A nếu thực hiện đúng trình tự, thủ tục mất thời gian gần hai năm; dự án nhóm B, nhóm C mất 9-10 tháng, nếu không có vướng mắc nào.
Vấn đề thu nhập của công chức, viên chức cũng được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị cần quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một cơ chế lương thích hợp và linh hoạt. Mức thu nhập này trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) đề nghị nâng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức và cần xem xét, cân đối để sớm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW 2018 của Trung ương, góp phần giúp bộ máy Nhà nước có động lực hoạt động và giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương…
Tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước là nhóm ý kiến được nhiều đại biểu đề xuất trong phiên thảo luận buổi chiều. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), sau hai năm đại dịch COVID-19, nợ của các doanh nghiệp đang là một thách thức rất lớn, nhưng rất may nợ công của Việt Nam lại duy trì ở mức khá thấp (khoảng 43-44% GDP) với trần nợ công là 60%.
Sang năm 2023, thời hạn hỗ trợ các chính sách tài khóa kết thúc, các doanh nghiệp vừa phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính hiện tại, vừa phải trả nợ dần các khoản tiền được giãn, hoãn trong hai năm. Cộng vào đó là thanh toán các khoản nợ phải trả.... Với những khó khăn trên, ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị phương án hỗ trợ các doanh nghiệp. Chính sách tài khóa ngược là giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay...
Tại phiên thảo luận chiều 27/10, ba trưởng ngành đã tham gia giải trình, làm rõ thêm vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, trong đó Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình tập trung vào vấn đề thiếu giáo viên; Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan giải trình việc triển khai thực hiện chính sách về bảo hiểm y tế đối với người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và một số nội dung khác; Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình về tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc, nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Cùng với việc làm rõ những nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên và tình trạng giáo viên bỏ việc, chuyển việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết vừa qua Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu, sẽ tuyển dần từ nay đến năm 2026; riêng năm 2022 được duyệt 27.850 chỉ tiêu.
Tại các địa phương, Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, hiện còn một chính sách rất quan trọng có thể giúp giảm được tỷ lệ thiếu giáo viên, đó là cân nhắc việc giảm biên chế 10% và xem xét việc điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là ở bậc mầm non. Bộ trưởng cũng đề nghị cần giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng để đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, tránh phát sinh tiêu cực trong quá trình tuyển dụng giáo viên.
Để giải quyết kịp thời những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách về bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định bên cạnh vấn đề liên quan đến sửa đổi các quy định trong văn bản pháp luật, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra những giải pháp tăng cường công tác kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh, hạn chế lạm dụng, trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế để đảm bảo sự an toàn của Quỹ.
Nhằm giảm thiểu thực trạng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc, Trưởng ngành Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, giải pháp chủ yếu là cần tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả đồng thời các nhiệm vụ, trong đó có cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; quan tâm rà soát hệ thống thể chế, đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ, chất lượng, hiệu quả; sớm xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng người tài, có chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực của cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập..../.
Hiền Hạnh (TTXVN/Vietnam+)