Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 6/10/2011 21:56'(GMT+7)

Giảm lãi suất cho vay cần sự chung tay của cả Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại

 

Có thể nói, giải quyết hài hòa các lợi ích, các mục tiêu đó trong bối cảnh diễn biến vĩ mô hiện nay của Việt Nam là bài toán khó, song vẫn có thể làm được khi có sự chung tay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và ngân hàng thương mại (NHTM) cũng như thay đổi nhận thức của người dân, của dư luận.

Chỉ thị số 02, ngày 7- 9 - 2011, chấn chỉnh việc thực hiện quy định mức lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam và đô-la Mỹ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện quyết tâm thực hiện có hiệu quả trần lãi suất tiền gửi Đồng Việt Nam 14%/năm và lãi suất cho vay giảm xuống 17-19%/năm. Việc triển khai chỉ thị đó đang được cuộc sống chấp nhận, tuy nhiên còn rất nhiều việc phải làm xoay quanh “câu chuyện lãi suất”, tập trung ở một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, là mức lãi suất cho vay nội tệ 17-19%/năm doanh nghiệp vẫn rất khó chấp nhận, bởi lãi suất đó tuy có giảm nhưng vẫn rất cao so với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vẫn không dám vay.

Thứ hai, các NHTM công bố mức lãi suất cho vay đó với khoản vốn cụ thể, nhất định, nhưng cũng chỉ cho vay những lĩnh vực xuất khẩu, những khoản vay ngắn hạn, chủ yếu là doanh nghiệp thực sự có uy tín mới được vay, còn phổ biến lãi suất cho vay vẫn trên 20%/năm.

Thứ ba, trần lãi suất huy động vốn nội tệ 14%/năm có những bất lợi đối với các NHTM cổ phần quy mô nhỏ. Bởi vì những NHTM này có thương hiệu khiêm tốn, người dân vẫn chưa thực sự tin tưởng vào NHTM cổ phần so với NHTM nhà nước hay NHTM nhà nước đã được cổ phần hóa. Bên cạnh đó mặc dù NHNN có công bố hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM cổ phần quy mô nhỏ, nhưng do thiếu giấy tờ có giá nên không tiếp cận được kênh hỗ trợ vốn qua thị trường mở, khó tiếp cận kênh cho vay tái cấp vốn với lãi suất hợp lý hơn của NHNN.

Thứ tư, là làm sao thực hiện được cơ chế lãi suất thực dương trong thu hút tiền gửi vào NHTM. Bởi vì lạm phát dự kiến năm 2011 vào khoảng 18% - 18,5%/năm, nhưng trần lãi suất huy động vốn nội tệ tối đa không quá 14%/năm, do đó nhìn bề ngoài thì lãi suất tiền gửi không thực dương! Còn nếu các NHTM tăng lãi suất huy động lên 18%/năm thì lãi suất cho vay phải tới 23-24%/năm, rõ ràng nền kinh tế không chịu nổi.

Vậy, làm thế nào để giảm lãi suất cho vay xuống thấp trong khi không giảm đáng kể lãi suất tiền gửi của NHTM. Để thực hiện mục tiêu này trước tiên chúng ta cùng phân tích cấu trúc của lãi suất cho vay.

Một là, về chi phí rủi ro, trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, vì trách nhiệm cá nhân của mỗi cán bộ ngân hàng, vì quyền lợi cá nhân của bản thân người đang làm trong các ngân hàng (việc làm và thu nhập), vì uy tín, thương hiệu và lợi ích của cổ đông... nên bản thân các NHTM đang thực hiện mọi giải pháp quản trị rủi ro, giảm thiểu những tổn thất do các nguyên nhân khác nhau gây nên. Vì vậy, đây là việc làm thường trực, tự giác của bất kỳ một NHTM nào, do đó không cần bàn nhiều đến vấn đề này.

Hai là, thực tế lợi nhuận năm 2010 và chênh lệch thu nhập trừ chi phí 9 tháng đầu năm 2011 của các NHTM chỉ đạt được quy mô lợi nhuận trung bình so với tổng tài sản có, so với vốn chủ sở hữu của từng NHTM. Tỷ lệ ROE, ROA, cổ tức... của các NHTM cũng chỉ đạt mức trung bình trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Nếu cổ tức quá thấp hoặc thấp hơn nhiều tiền gửi tiết kiệm thì các NHTM không thể tăng được vốn điều lệ theo quy định của Chính phủ và cũng không bảo đảm được uy tín trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Trong khi đó bối cảnh diễn biến kinh tế vĩ mô hiện nay, rủi ro cho vay nền kinh tế đang tăng lên, nợ xấu gia tăng, nên phải trích lập dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro ngày càng lớn. Bởi vậy giảm lợi nhuận, giảm thu nhập của các NHTM để giảm lãi suất hiện nay là điều không thể.

Ba là, về chi phí hoạt động ngân hàng. Một số tài liệu đánh giá là lương cán bộ, nhân viên ngân hàng cao, thậm chí cao hơn một số ngành vốn được xem là mức lương cao như: dầu khí, hàng không, điện lực, xăng dầu... Thực tế này đúng, nhưng giảm lương không tác động nhiều đến giảm lãi suất. Hơn nữa, so với các ngành kinh tế khác như đề cập ở trên, trách nhiệm của cán bộ ngân hàng lớn hơn nhiều vì phải đối mặt với rất nhiều rủi ro từ phía khách hàng mang lại, bởi diễn biến phức tạp của nền kinh tế, của thị trường; thời gian làm việc bình quân tới 5,5 ngày/tuần và hơn 8-9 giờ/ngày. Nhiều cán bộ ngân hàng đến 6-7 giờ tối mới được về nhà, sức ép của cơ chế khoán, của các chỉ tiêu khoán trong kinh doanh là rất lớn. Cường độ làm việc rất cao và trong cơ chế cạnh tranh hiện nay, thậm chí còn phải “chăm sóc khách hàng” tận tình, nếu không sẽ bị NHTM khác lôi kéo mất. Trong khi đó để được tuyển dụng vào làm việc trong các ngân hàng thường phải có bằng khá, giỏi của các trường đại học có tiếng. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, lương của cán bộ các NHTM Việt Nam vẫn thấp hơn lương của cán bộ, nhân viên làm việc trong các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh... Do đó, tiền lương cán bộ ngân hàng khó mà giảm và nếu có giảm thì giảm không được nhiều.

Các chi phí khác trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay được các NHTM tính toán rất kỹ, sao cho giảm thiểu tới mức tối thiểu và thu được hiệu quả tới mức tối đa. Song, chi phí về mở rộng mạng lưới thì một số NHTM có thể giảm được. Bởi, tình trạng cạnh tranh vừa qua, nhiều NHTM đua nhau mở chi nhánh mới, phòng giao dịch mới, đặt máy ATM mới... Nhiều điểm giao dịch mới được mở ra không có hiệu quả, hoạt động 2-3 năm không bù đắp được chi phí. Tiền thuê nhà, thuê trụ sở... rất tốn kém. Vì vậy, nhiều NHTM cần phải rà soát chặt chẽ vấn đề này, kiên quyết đóng cửa, thay đổi vị trí chi nhánh, phòng giao dịch hoạt động kém hiệu quả, việc mở rộng thêm mạng lưới mới cũng luôn được cân nhắc rất kỹ.

Các chi phí khác tuy không lớn nhưng cũng có thể giảm được, đó là phụ cấp các thành viên hội đồng quản trị và chi phí của hội đồng quản trị các NHTM cổ phần; chi phí tổ chức đào tạo, bồi dưỡng... của các khóa học có liên quan đến nước ngoài tốn kém nhưng hiệu quả không cao. Các chi phí khác có liên quan đến yếu tố nước ngoài cũng có thể giảm được nếu xem xét kỹ lưỡng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Bốn là, chi phí đầu vào của nguồn vốn cho vay. Trong cơ cấu này có chi phí rất lớn đó là tiền gửi dự trữ bắt buộc theo quy định của NHNN. Dự trữ bắt buộc có tác động trực tiếp đến khả năng mở rộng tín dụng của NHTM và chi phí đầu vào của NHTM. Song, hiện nay với việc thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN, các NHTM không được tăng trưởng tín dụng vượt quá 20%, do đó, ý nghĩa của việc hạn chế tăng trưởng tín dụng đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc nội tệ không còn ý nghĩa, tuy nhiên, điều này lại tác động rất lớn đến chi phí lãi suất đầu vào. Bởi vì, chỉ cần NHNN giảm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc nội tệ thì thanh khoản của các NHTM có thêm khoảng 16.000 – 17.000 tỉ đồng để có thêm nguồn vốn cấp tín dụng, nếu giảm 2% thì tương đương có thêm trên 30.000 tỉ đồng nguồn vốn, giảm áp lực huy động vốn trên thị trường. Vì vậy, giải pháp nằm trong tầm tay chính là NHNN giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi nội tệ để giảm chi phí đầu vào cho NHTM để có thể giảm đáng kể lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, tháo gỡ những ràng buộc hay có những công cụ hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường tiền tệ nói chung, thị trường liên ngân hàng nói riêng hoạt động thông suốt là một yếu tố quan trọng bảo đảm tính thanh khoản trong nền kinh tế, hỗ trợ đáng kể cho giảm lãi suất của NHTM.

Về lãi suất huy động vốn, tại thời điểm hiện nay thì chưa giảm được, nhưng trong tương lai gần, tức là trong tháng tới hoặc tháng sau đó hoàn toàn có thể giảm được vì lạm phát đang có chiều hướng diễn biến tích cực và NHNN chủ động, tích cực, linh hoạt hỗ trợ thanh khoản cho NHTM.

Việc giảm lãi suất huy động vốn không nên bị ràng buộc bởi quan niệm lãi suất thực dương. Bởi, hầu hết các nước trên thế giới, kể cả các nước trong khu vực, trong đó có cả Trung Quốc, lãi suất tiền gửi của họ cũng thấp hơn tỷ lệ lạm phát. Bên cạnh đó, lạm phát ở Việt Nam hiện nay được coi chính là chỉ số CPI. Song chỉ số CPI lại bao gồm cả yếu tố tiền tệ, cả yếu tố giá cả và yếu tố chi phí đẩy. Giá cả thị trường thế giới tăng, tỷ giá biến động, thiên tai và dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đến quan hệ cung - cầu, tác động lên mặt bằng bằng giá, chứ không phải yếu tố tiền tệ. Thực tế thời gian qua, tổng phương tiện thanh toán tăng rất chậm, tín dụng hạn chế... nhưng mặt bằng giá vẫn tăng, nên CPI ở mức cao, do vậy, không thể đổ lỗi tất cả cho tiền tệ.

Việc NHNN ban hành Thông tư số 22/2011/TT-NHNN, ngày 30-8-2011, hủy bỏ tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động; điều chỉnh hệ số rủi ro với 1 số tài sản có bằng ngoại tệ khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2011) là một yếu tố quan trọng tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Song việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay hiện nay cần sự linh hoạt, ra tay, sự quyết tâm của cả NHNN không nên chỉ trông chờ riêng vào hành động của NHTM./.


 

TS. Nguyễn Văn Lâm
Giám đốc Agribank Bình Phước
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất