Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 29/9/2011 9:29'(GMT+7)

Hiệu quả sử dụng đất còn thấp

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Thực tế này đã dẫn đến chuyện vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất và thường phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chưa xác định rõ được trách nhiệm của từng cấp trong việc quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Cần ưu tiên cho đất nông nghiệp

Đất lúa là loại đất đặc biệt quan trọng đối với một đất nước có tới gần 80% dân số làm nông nghiệp như Việt Nam. Thực tế, quy hoạch sử dụng đất những năm qua vẫn còn tình trạng lấy đất phi nông nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất cao, thậm chí trên đất chuyên trồng lúa nước, trong khi ở địa phương vẫn còn các loại đất khác.

Theo ông Lê Quốc Dung - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII, quy hoạch cho phép giảm 40,7 vạn ha, nhưng thực hiện chỉ giảm có 27 vạn ha, còn dư 12,7 vạn ha. Điều này cho thấy, việc quy hoạch cho phép giảm đất lúa quá dễ dãi so với nhu cầu, trong khi đó đất các KCN chỉ lấp đầy 46% gây nhiều lãng phí và bức xúc trong nhân dân.

Chính vì vậy, TS Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT - khẳng định: Các nhà hoạch định chính sách đang lo lắng chính đáng về viễn cảnh chuyển đổi đất lúa bừa bãi và không được giám sát đủ các mục đích sử dụng khác. Ở ngoại ô các thành phố, có áp lực ngày càng lớn đối với việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích công nghiệp và đô thị. Đất lúa chuyển đổi để xây dựng một khu công nghiệp sẽ bị mất đi mãi mãi đối với nông nghiệp. “Chính phủ nên tiếp tục giám sát chặt chẽ và thực sự hạn chế những hình thức chuyển đổi đất này” – ông Sơn cảnh báo.

Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng thẳng thắn thừa nhận, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong công tác lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhìn chung còn chưa tốt, nhất là giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, giữa quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp và quy hoạch sử dụng đất cho nuôi trồng thuỷ sản. Phần lớn các địa phương, nhất là các thành phố còn lúng túng trong việc gắn kết giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn. Nhiều quy hoạch ngành được xây dựng sau khi quy hoạch sử dụng đất được xét duyệt nên không được cập nhật đầy đủ dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Từ chất lượng quy hoạch này, TS Đặng Kim Sơn đã đưa ra một thực tế: “Một trong những chỉ tiêu không đạt của quy hoạch là chưa đảm bảo đất cư trú cho cư dân nông thôn. Dù đô thị có nhiều khu bỏ trống nhưng nông thôn thì đất ở rất chật, mất vệ sinh và không đảm bảo văn hoá, môi trường”.

Và theo TS Ngô Út – Viện điều tra quy hoạch phát triển rừng thì trong các chỉ tiêu đất sản xuất cây hàng năm, cây lâu năm, đất nông nghiệp khác, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản cần lựa chọn một số loại đất sản xuất các loại cây, con, sản xuất hàng hóa lớn chủ lực sau sản xuất lúa có tính chất hình thành vùng sản xuất, chế biến hàng hóa cao (cà phê, điều, tiêu, thủy sản…) để đưa vào chỉ tiêu do Quốc hội phê duyệt.

Và nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn lưu ý trong quy hoạch sử dụng đất, lấy một tấc đất nông nghiệp cũng phải cân nhắc kỹ; hạn chế tối đa việc lấy đất nông nghiệp cho mục đích phi nông nghiệp; trong trường hợp không dùng đến phải trả lại hoặc cố gắng tìm đất thay thế.

Các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch KCN cả nước đến 2015 và hướng đến 2020 theo nguyên tắchanj chế tối đa việc phát triển KCN trên đất trồng lúa có năng suất ổn định; Không xét duyệt các quy hoạch chuyển đất trồng lúa nước sáng mục đích sử dụng phi nông nghiệp ở những địa phương có điều kiện sử dụng các loại đất khác.

Lãng phí tài nguyên đất

Từ khi bắt đầu thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư (năm 1991) đến cuối tháng 12/2010, đã có 261 khu công nghiệp được thành lập, chiếm 71,394 ha đất, trong đó 45.854 ha có thể sử dụng làm mặt bằng sản xuất, đã đưa 21.095 ha vào sử dụng với tỷ lệ lấp đầy 46%.

Bình luận về con số 46% tỷ lệ lấp đầy trong các KCN, GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết: Thời gian qua, dư luận xã hội khá bức xúc với tình trạng sử dụng đất không hiệu quả của các khu công nghiệp, khu kinh tế, sân bay, cảng nước sâu, sân golf, khu nghỉ dưỡng. Tỷ lệ lấp đầy không cao của các KCN là một điều đáng xem xét. Thực tế, nhiều địa phương đã giao nhiều đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Điều này đã khiến cho các KCN thừa diện tích.

“Chỉ tiêu Quốc hội cho phép là 44.000 ha vào năm 2010, các địa phương đã giao tới 93.000 ha, vượt 211,36%. Đây là một tình trạng cần điều chỉnh kịp thời trong Quy hoạch sử dụng đất đến 2020. Đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp được đưa vào sử dụng vượt chỉ tiêu Quốc hội cho phép là một hiện tượng không lành mạnh. Cách làm này của các địa phương vừa gây khó khăn cho các khu công nghiệp vừa dẫn tới những khó khăn về ô nhiễm môi trường cần phải giải quyết trong tương lai” – GS Đặng Hùng Võ phân tích.

Ngoài ra, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên – Môi trường, việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị nhiều nơi còn dàn trải, có không ít địa phương tỷ lệ lấp đầy còn dưới 60% song vẫn đề nghị mở thêm nhiều khu, cụm công nghiệp khác.

Ngoài ra, cơ cấu sử dụng đất ở nhiều lĩnh vực hiện nay chưa hợp lý. Bằng chứng về cơ cấu đất đô thị: đất dành cho giao thông đô thị (chưa đến 13%) và đất dành cho các công trình công cộng còn thiếu, nhất là tại các đô thị lớn. Quỹ đất dành cho các nhu cầu y tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo… chưa đáp ứng được nhu cầu, ví trí bố trí chưa hợp lý.

Theo TS Lý Huy Tuấn (Viện Chiến lược Giao thông vận tải - Bộ Giao thông vận tải), hiện chưa có đánh giá về sử dụng đất trong giao thông vận tải, nhưng đất cho giao thông đô thị đạt tỷ lệ thấp (Hà Nội, TP HCM chỉ đạt 7-9%, trong khi ở các nước tỷ lệ là 20-25%, đất cho giao thông tĩnh dưới 1% so với yêu cầu là 3-5%). Giao thông nông thôn còn nhiều khó khăn do đường nhỏ hẹp, chưa được trải mặt (72%), hiện còn trên 300 xã (46 xã cù lao) chưa có đường ôtô đến trung tâm xã. Dự kiến, đến năm 2020, nhu cầu sử dụng đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông là 757.000ha, giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 1,26%/năm.

Trong khi đó, theo GS Đặng Hùng Võ, đất ở tại đô thị lại được các địa phương giao vượt chỉ tiêu Quốc hội cho phép. Hiện trên địa bàn cả nước đang triển khai hơn 2.500 dự án nhà ở và khu đô thị mới, với 20-25 triệu m2 nhà ở tăng lên mỗi năm. Đây chính là phân khúc hấp dẫn nhất của thị trường bất động sản, mang lại siêu lợi nhuận cho nhà đầu tư. Chỉ tiêu này cũng cần được Quốc hội giám sát chặt chẽ để tránh mất cân đối cung cầu trong thị trường nhà ở.

Các ý kiến về quy hoạch đất được nêu ra tại hội thảo ngày 29/9 về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) sẽ được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp thu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban, làm cơ sở để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và thông qua quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia tại Kỳ họp thứ 2 sắp tới./.

(Theo: Vũ Hạnh/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất