(TG)- Hưởng ứng Ngày Tim mạch thế giới 29/9/2020 với chủ đề “Hãy dùng trái tim để đánh bại bệnh tim mạch”, chiều 30/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới phối hợp tổ chức Hội thảo “Truyền thông vận động giảm tiêu thụ muối để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác”.
Thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, các bệnh tim mạch đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới, chiếm tới 30% tổng số tử vong toàn cầu, chủ yếu là tử vong do các bệnh mạch máu não và bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Số liệu cũng cho thấy, trong đại dịch COVID-19 đang xảy ra, đa số những người tử vong do COVID-19 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch hoặc các bệnh mạn tính khác. Chính vì vậy, phòng, chống bệnh tim mạch là một chương trình y tế ưu tiên của các quốc gia, trong đó kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch là một nội dung quan trọng, đặc biệt là nguy cơ do ăn thừa muối.
Theo Tiến sĩ Ki-dong Park, muối là chất vô cùng cần thiết đối với cơ thể, tuy nhiên, ăn thừa muối lại là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ngoài ra còn làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và nhiều rối loạn cho sức khỏe khác. Chính vì thế, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5 gam muối trong một ngày để phòng, chống bệnh tật và bảo vệ sức khỏe.
Tại Việt Nam, ăn nhiều muối là một nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và tử vong do các bệnh tim mạch. Số liệu cho thấy, hiện nay ở nước ta, cứ 5 người trưởng thành có một người bị tăng huyết áp. Cứ trong 3 trường hợp tử vong, có một trường hợp là do các bệnh tim mạch. Riêng trong năm 2016, ước tính toàn quốc có tới gần 82.000 trường hợp tử vong do tai biến mạch máu não và gần 68.000 trường hợp tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, chiếm tới 27% tổng số ca tử vong.
Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn cho biết, để phòng chống các bệnh tim mạch hiệu quả, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chương trình liên quan đến chăm sóc dinh dưỡng và các biện pháp giảm tiêu thụ muối. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 - 2025 và Chương trình Sức khỏe Việt Nam trong đó đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể để giảm mức tiêu thụ muối, tăng cường dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị tăng huyết áp và các bệnh tim mạch. Năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch Quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn yêu cầu ngành Y tế các địa phương phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức triển khai hiệu quả hoạt động “Truyền thông giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, bệnh tim mạch và các bệnh tật khác” trên phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng. Các cơ sở y tế, đặc biệt là trạm y tế xã, tăng cường đo kiểm tra huyết áp cho mọi người dân từ 18 tuổi trở lên, kết hợp với hướng dẫn, tư vấn giảm ăn muối cho người bệnh đang được quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh mạn tính khác.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, hiện nay đa số người dân Việt Nam đang ăn thừa muối. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ tới 9,4 gam muối trong một ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong khi đó, hiểu biết về tác hại do ăn thừa muối và thực hành ăn giảm muối của người dân ở cộng đồng còn rất hạn chế. “Vì vậy, mỗi người dân hãy giảm một nửa lượng muối ăn hằng ngày, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu, bia, tích cực vận động thể lực...”, Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, đặc biệt là các cơ quan truyền thông tích cực phối hợp và đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động cộng đồng duy trì lối sống lành mạnh vì sức khỏe, thực hiện giảm muối trong bữa ăn hằng ngày; thường xuyên đo huyết áp để dự phòng, phát hiện sớm tăng huyết áp, phòng chống hiệu quả bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
P.Duy