Thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đến năm 2015, Việt Nam đã
thể hiện mạnh mẽ cam kết trước cộng đồng quốc tế bằng cả quyết tâm chính
trị, giải pháp và nguồn lực, vì vậy nhiều mục tiêu đã hoàn thành sớm so
với kế hoạch đề ra, nhất là mục tiêu giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của
Việt Nam đã giảm nhanh từ 58% năm 1993 xuống còn 5,97% vào cuối năm
2014.
Đây là phát biểu của bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động,
Thương binh và Xã hội tại Diễn đàn giảm nghèo với chủ đề “Không để ai bị
bỏ lại phía sau và hành động của Việt Nam.”
Diễn đàn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban Dân tộc,
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại sứ
quán Cộng hòa Ireland tại Việt Nam tổ chức sáng 15/10 nhân ngày Quốc tế
chống đói nghèo và Ngày Vì người nghèo của Việt Nam (17/10), nhằm hưởng
ứng mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030.
Giảm nghèo - thành tựu và thách thức
Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, kết quả giảm nghèo đã góp phần ổn định xã
hội, tạo điều kiện phát triển bền vững đất nước, đời sống người dân được
cải thiện rõ rệt, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân
tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở,
nước sạch, thông tin. Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam đã được Liên hợp
quốc đánh giá cao và ghi nhận là điểm sáng về giảm đói nghèo.
Ghi nhận từ phía bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp
quốc, trong 15 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam giảm nhanh xuống dưới
10%, tỷ lệ giáo dục tiểu học đạt gần 100% đối với cả trẻ em trai và trẻ
em gái và tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm 3/4 kể từ năm 1990, nhờ đó hàng ngàn
bà mẹ còn sống và chăm sóc được cho con mình. Đây là những thành quả mà
ít quốc gia đạt được. Tuy nhiên, bà Pratibha Mehta cho rằng các thách
thức còn đang ở phía trước, nếu muốn hiện thực hóa ý tưởng tham vọng của
các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.
Các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ chưa hoàn thành tại Việt Nam hiện
nằm ở một số địa bàn và nhóm dân cư, đặc biệt là dân tộc thiểu số và
miền núi. Tỷ lệ nghèo về thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số hiện cao
hơn 3,5 lần mức trung bình của quốc gia. Việc chậm theo kịp tiến độ
thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ở đồng bào dân tộc thiểu
số cho thấy còn nhiều điều cần tiếp tục phải làm, nếu muốn giảm nghèo ở
mọi hình thái, mọi chiều ngoài chiều thu nhập. Đây là ưu tiên hàng đầu
trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Pratibha Mehta nhìn nhận cũng như các nước đã trở thành nước thu nhập
trung bình, Việt Nam đang đối diện với hàng loạt những thay đổi chính
về cấu trúc bao gồm đô thị hóa, công nghiệp hóa, di dân nội địa và thay
đổi xã hội. Những hình thái nghèo đa chiều mới xuất hiện ở vùng đô thị
trong nhóm người nhập cư và người lao động trong khu vực phi chính thức.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo điều tra năm 2012, tỷ lệ nghèo đa chiều
trong nhóm nhập cư cao gấp 4 lần so với cư dân của thành phố. Việt Nam
cũng đang rơi vào tình trạng biến động về mức độ dễ bị tổn thương của
các nhóm dân cư. Phần lớn dân số vẫn sống rất gần với ngưỡng nghèo và
bất cứ cú sốc nào từ thảm họa thiên tai, các biến cố về kinh tế hoặc sức
khỏe cũng có thể đẩy họ lại nghèo đói.
Bà Pratibha Mehta cho rằng đây là một thách thức lớn đòi hỏi phải cải
cách hệ thống an sinh xã hội hiện nay chủ yếu hướng tới các nhóm lao
động chính thức hưởng lương hưu theo chế độ đóng hưởng và các nhóm nghèo
nhất nhận trợ cấp xã hội, trong khi chưa bảo vệ đúng mức và đảm bảo hỗ
trợ cần thiết cho nhóm "ở giữa" bao gồm những người có thu nhập thấp,
bấp bênh và rất dễ tổn thương, dễ bị rơi vào nghèo đói trước các cú sốc.
Bà Pratibha Mehta ví dụ hệ thống hỗ trợ người khuyết tật hiện chỉ phủ
được khoảng 600.000 người khuyết tật nặng và 191.000 người được chẩn
đoán "có bệnh tâm thần nghiêm trọng," rất hạn chế so với con số thực tế
7,2 triệu người Việt Nam là người khuyết tật, trong đó ước tính 1,03
triệu người bị khuyết tật nặng ở độ tuổi từ 20 đến 65 tuổi.
Thêm vào đó, mức hỗ trợ thường xuyên cho các nhóm đối tượng này quá
thấp, không thể tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của đối tượng nhận trợ
giúp. Các gia đình có thu nhập thấp này cần đảm bảo an sinh để không
chỉ đủ khả năng chống chọi với các cú sốc, mà còn để đầu tư cho con em
mình và tăng khả năng nắm bắt các cơ hội có việc làm tốt hơn, khi đất
nước hội nhập với nền kinh tế thế giới và khu vực.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan thừa nhận mặc dù đã đạt được
nhiều thành tựu trên bình diện quốc gia, nhưng khi xem xét cụ thể về
chất lượng hoàn thành đối với các địa bàn và các dân tộc, cho thấy Việt
Nam vẫn còn nhiều thách thức để có thể hoàn thành các Mục tiêu phát
triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Kết quả đạt được của một số mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với
các dân tộc thiểu số đang còn cách xa so với mặt bằng chung của quốc
gia. Đáng chú ý, nhiều chỉ tiêu liên quan đến xóa bỏ tình trạng nghèo
cùng cực và thiếu đói; phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng
giới và nâng cao vị thế, năng lực cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ
em; nâng cao sức khỏe bà mẹ; vệ sinh môi trường... có khoảng cách chênh
lệch khá lớn giữa các nhóm dân tộc thiểu số so với dân tộc Kinh hay giữa
các vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống so với các vùng
đồng bằng, đô thị. Nếu không có nỗ lực vượt bậc, sẽ không thể đạt được
các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ cho các vùng và nhóm này trong
tương lai gần.
Giảm nghèo đa chiều và mục tiêu phát triển bền vững
Xuất phát từ thực trạng trên, để đạt được các mục tiêu phát triển thiên
niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, làm cơ sở thực hiện mục tiêu
phát triển bền vững sau năm 2015, Ủy ban Dân tộc cùng Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, các bộ, ngành, địa phương với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển
Liên hợp quốc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định
số 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các
mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, gắn
với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015.
Quyết định được ban hành đã thể chế hóa các mục tiêu phấn đấu, tạo cơ
chế theo dõi, đánh giá, tăng hiệu quả phối hợp tốt hơn nguồn lực thực
hiện các chương trình và chiến lược quốc gia hỗ trợ đồng bào dân tộc
thiểu số, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc
gia sau năm 2015 và Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng
giảm nghèo bền vững thời kỳ 2012-2020, cũng như triển khai nhanh, hiệu
quả hơn Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2011-2020. Với Quyết định
này, một lần nữa thể hiện quyết tâm cao độ, cũng như cam kết của Chính
phủ Việt Nam trong việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển
thiên niên kỷ.
Vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thay mặt Nhà nước và nhân dân
Việt Nam cùng các nguyên thủ quốc gia trên thế giới tham dự Hội nghị
Thượng đỉnh Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát
triển bền vững, trong đó cam kết xóa bỏ tình trạng nghèo dưới mọi hình
thức, không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau.
Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, để thực hiện cam kết trước cộng đồng quốc
tế, Chính phủ Việt Nam đã chủ động đổi mới phương pháp tiếp cận đo lường
nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 với
mục đích cùng với các giải pháp hỗ trợ tạo sinh kế, tăng thu nhập, nâng
cao hơn nữa khả năng tiếp cận của người dân về các dịch vụ xã hội cơ
bản, nhất là về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh, thông tin;
phân loại đối tượng hộ nghèo để có các giải pháp hỗ trợ phù hợp, theo
thứ tự ưu tiên, nhận diện hộ nghèo toàn diện hơn, đánh giá được mức độ
tiến bộ xã hội qua từng năm và cả giai đoạn. Đây là phương pháp tiếp cận
mới được cộng đồng quốc tế khuyến nghị các nước áp dụng để giải quyết
tình trạng nghèo. Việt Nam là quốc gia ở châu Á đã tiên phong áp dụng và
thực hiện phương pháp này, được thể hiện qua việc sớm ban hành Quyết
định số 1614/QĐ-TTg phê duyệt Đề án chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo
lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020
trong tháng Chín vừa qua.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Việt Nam sẽ đổi
mới hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, khắc
phục tình trạng phân tán, dàn trải, kém hiệu quả. Chính sách giảm nghèo
cần phát huy được vai trò tham gia của cộng đồng, khơi dậy ý thức vươn
lên thoát nghèo của chính người nghèo, hạn chế các chính sách hỗ trợ cho
không, tăng chính sách cho vay có điều kiện, có hoàn trả, có thời hạn;
đồng thời lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, ưu tiên các chính sách hỗ trợ
đối với phụ nữ và trẻ em nghèo, hộ nghèo dân tộc thiểu số, mở rộng các
chính sách đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Bên cạnh đó, Việt Nam huy động đa dạng các nguồn lực để thực hiện mục
tiêu giảm nghèo đề ra, nhất là nguồn lực từ cộng đồng, từ chính người
nghèo; tập trung, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo, xã
nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu
số, nhằm hạn chế gia tăng khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các
vùng, nhóm dân cư. Việt Nam thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo hướng xác định và giao vốn
đầu tư trung hạn 5 năm cho các địa phương để chủ động, bố trí danh mục
đầu tư theo thứ tự ưu tiên, đẩy mạnh phân cấp trao quyền cho cơ sở, cộng
đồng, tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân cả trước, trong và
sau quá trình thực hiện.
Ông Sơn Phước Hoan cho biết với trách nhiệm là cơ quan thường trực giúp
Thủ tướng Chính phủ quản lý, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra tình hình
triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ở vùng dân
tộc thiểu số, trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ khẩn trương xây
dựng và ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện Quyết định số 1557/QĐ-TTg;
đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương nhanh chóng thể chế hóa các
Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số vào
các chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn
2016-2020 của quốc gia và từng bộ, ngành, địa phương...
Ghi nhận Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được những thách thức đặt ra và
đang ưu tiên hàng đầu mục tiêu giảm nghèo dân tộc thiểu số, hoàn tất
các Mục tiêu thiên niên kỷ chưa hoàn thành cho đồng bào dân tộc thiểu
số, cũng như xử lý vấn đề nghèo đa chiều, bà Pratibha Mehta cho biết
điều quan trọng là cần đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững của Việt
Nam và các chỉ tiêu phát triển bóc tách đối với đồng bào dân tộc thiểu
số cần được chuyển tải vào Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020.
Một việc cũng không kém phần quan trọng là cần phải xây dựng và triển
khai một khung giám sát và đảm bảo trách nhiệm giải trình của các bên
liên quan để đạt được những mục tiêu trên.
Bà Pratibha Mehta tin tưởng với cam kết mạnh mẽ và các kinh nghiệm đa
dạng trong giảm nghèo và triển khai các Mục tiêu thiên niên kỷ của Chính
phủ Việt Nam, các Mục tiêu phát triển bền vững sẽ được triển khai thành
công và "nghèo đói sẽ được xóa bỏ dưới mọi hình thức và mọi nơi ở Việt
Nam," sẽ “không ai bị bỏ lại phía sau”./.
Chu Thanh Vân (TTXVN)