Chủ Nhật, 22/9/2024
Môi trường
Chủ Nhật, 30/9/2012 11:26'(GMT+7)

Giảm nguy cơ dịch, bệnh từ nguồn nước và môi trường

Thống kê cho thấy, hiện cả nước có hơn 52 triệu người được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 55%. Bên cạnh đó, có hơn 32 nghìn trường phổ thông, nhà trẻ và gần tám nghìn trạm y tế xã có nước sạch và công trình vệ sinh. Tại Việt Nam, hiện nay hơn 80% số bệnh có liên quan đến nguồn nước, qua đó đã tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, nhất là đối với người cao tuổi và trẻ em. Chỉ tính riêng bệnh tiêu chảy, mỗi năm cả nước có khoảng 250 nghìn người phải nhập viện và tỷ lệ trẻ em bị nhiễm giun tóc, giun móc, giun đũa lên đến 44%, đây được coi là một trong các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới năm tuổi ở nước ta còn cao.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức các loại dịch, bệnh truyền qua đường tiêu hóa như: Tiêu chảy cấp, lỵ, thương hàn, nhất là bệnh tay, chân, miệng trong thời gian gần đây. Nguyên nhân chính được xác định là do nguồn nước, môi trường bị ô nhiễm, ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống của người dân chưa cao. Qua kết quả nghiên cứu do Bộ Y tế thực hiện cho thấy: nếu chúng ta giải quyết tốt nguồn nước hợp vệ sinh, vệ sinh môi trường có hiệu quả, nhất là đối với các hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có thể giảm được 10% số trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và đến 16% số trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở độ tuổi dưới năm tuổi. Song có một thực tế, ý thức vệ sinh cá nhân trong sinh hoạt của người dân còn rất thấp, mới chỉ có 15,6% số người lớn và 11,5% số học sinh rửa tay bằng xà-phòng sau khi đi vệ sinh, đối với khu vực miền núi, dân tộc thiểu số tỷ lệ này là 6%. Bên cạnh đó, ở các vùng nông thôn, người dân vẫn còn thói quen dùng phân để bón cho các loại cây trồng, chính việc sử dụng không an toàn đó có thể dẫn tới việc lan truyền vi sinh vật gây bệnh và ký sinh trùng đường ruột ra môi trường, nhất là các loại giun đũa, giun tóc..., thường có ở các loại rau, quả được bón phân và tưới nước do bị ô nhiễm từ các nguồn chất thải. Ngoài ra, do nhận thức, hành vi của người dân trong việc sử dụng, bảo quản nguồn nước chưa cao, nhất là còn sử dụng các nguồn nước không bảo đảm vệ sinh như ao, hồ, sông, suối bị ô nhiễm do các chất thải chưa được xử lý triệt để, nhất là hiện nay vẫn còn 23% số hộ gia đình ở nông thôn không có nhà vệ sinh và nhiều hộ gia đình sử dụng, bảo quản nhà vệ sinh không đúng cách gây ảnh hưởng đến môi trường chung quanh.

Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015, trong đó có một số mục tiêu cụ thể như: Ðến năm 2015, 85% dân số ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 65% số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% số trường học mầm non, phổ thông, trạm y tế xã ở nông thôn đủ nhà tiêu hợp vệ sinh... Ðể thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra, cũng như nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, góp phần giảm thiểu các dịch, bệnh và nâng cao chất lượng sống, sức khỏe cho người dân ở nông thôn, trong thời gian tới cần kiện toàn, bổ sung Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở các địa phương, nhất là đối với các tỉnh, thành phố chưa có sự tham gia của ngành y tế. Huy động tối đa nguồn lực của các địa phương, trong đó chú trọng việc xã hội hóa nhằm thu hút các doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng để xây dựng các công trình cấp nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân. Ðối với ngành y tế, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng các công trình vệ sinh với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong đó nòng cốt là cán bộ y tế ở các cấp, nhất là tuyên truyền về vệ sinh cá nhân, hướng dẫn xây dựng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh ở các hộ gia đình. Tăng cường đào tạo, tập huấn về kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế các cấp, cũng như duy trì, nhân rộng các mô hình mà một số địa phương triển khai có hiệu quả thời gian qua như các mô hình "Câu lạc bộ sức khỏe cộng đồng, "Vệ sinh môi trường do cộng đồng làm chủ"... Ða dạng hóa các loại tài liệu truyền thông nhằm cung cấp đến cho người dân những kiến thức về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất