Hội nghị của Ủy ban Lâm nghiệp Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc (FAO) diễn ra tại Rome, Italy từ ngày 24-28/9 nhằm xem xét các vấn đề liên quan giữa bảo vệ và bảo tồn rừng với phát triển bền vững và an ninh lương thực, đồng thời chuẩn bị cho Đại hội Lâm nghiệp Thế giới lần thứ 14.
Thông cáo báo chí của FAO cho biết phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Giám đốc FAO Graziano da Silva đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của rừng và bảo vệ rừng trong phát triển bền vững, và mối liên hệ giữa lâm nghiệp và phát triển bền vững là một trong những vấn đề xuyên suốt được quan tâm tại Hội nghị Rio 20 hồi tháng Sáu vừa qua.
Tổng Giám đốc Silva khẳng định rừng chiếm ít nhất 35% diện tích Trái Đất, đóng một vai trò nền tảng trong nền kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế quốc gia, cũng như trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và suy dinh dưỡng của FAO.
Việc hoàn thành các nhiệm vụ này phụ thuộc rất nhiều vào cân bằng sử dụng và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó rừng có vai trò rất quan trọng trong các yếu tố môi trường như hấp thụ cácbon, đất và chất lượng nước, bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học.
Ông cho biết khoảng 350 triệu người thuộc nhóm những người nghèo nhất thế giới hiện phụ thuộc vào rừng để tồn tại lâu dài và sinh hoạt hàng ngày, nhưng ở nhiều nước tình trạng phá rừng và các hoạt động nông nghiệp đang góp phần gây thiệt hại đáng kể về đất mỗi năm.
Bảo tồn đất là cần thiết để duy trì sự sống trên Trái Đất, trong khi vấn đề làm chậm quá trình sa mạc hóa đã không được quan tâm chú ý ở mức độ cần thiết.
Nông nghiệp và lâm nghiệp bền vững có thể đảo ngược tình trạng suy thoái đất và chống sa mạc hóa, và đây là những vấn đề cần được ưu tiên trong các chương trình nghị sự quốc tế.
FAO sẽ làm việc cùng với các chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân để tối đa hóa vai trò của rừng, bởi đất rừng cũng như độ che phủ rừng sẽ đóng vai trò quan trọng về an ninh lương thực trong tương lai.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Môi trường của Brazil Izabella Teixeira nêu rõ đất nước chiếm tới 60% diện tích rừng nhiệt đới Amazone lớn nhất thế giới -lá phổi xanh của Trái Đất - chủ trương xây dựng một nền kinh tế dựa vào rừng, và các nỗ lực chống nạn phá rừng của Brazil đang bắt đầu mang lại kết quả tốt, giúp giảm tới 77% tình trạng phá rừng trong giai đoạn 2004-2011, trong đó quan hệ đối tác nhà nước-tư nhân là cốt lõi của chính sách mới về quản lý rừng của Chính phủ Brazil.
Tham dự hội nghị còn có đại diện Ủy ban kinh tế Liên hợp quốc phụ trách khu vực châu Âu (UNECE) và Công ước Liên hợp quốc chống sa mạc hóa (UNCCD).
Đại diện của FAO và Nam Phi đã ký một thỏa thuận hợp tác về việc chuẩn bị cho Đại hội Lâm nghiệp thế giới 14, sẽ được tổ chức vào tháng 9/2015 tại Durban, Nam Phi./.
(TTXVN)