Thứ Hai, 25/11/2024
Pháp luật
Thứ Bảy, 23/11/2013 16:56'(GMT+7)

Giảm nhiều mức phạt vi phạm giao thông từ 1/1/2014

Nhìn chung, mức xử phạt đối với hầu hết các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP không tăng mà được giữ nguyên như các Nghị định trước đây và có giảm nhẹ đối với một số hành vi như: điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe, chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định; Quy định thời hạn tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 04 tháng thay cho hình thức tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ không thời hạn.


Theo đó, đối với quy định về xử phạt hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe, mức phạt giảm xuống còn 100.000đ đến 200.000đ với mô tô, xe máy (mức phạt trước đây là 800.000đ đến 1.200.000đ) và 1.000.000đ đến 2.000.000đ với ô tô (mức phạt trước đây là 6.000.000đ đến 10.000.000đ). Thời điểm áp dụng quy định xử phạt này theo lộ trình sau: đối với xe ô tô từ 01/01/2015 và đối với mô tô, xe máy từ 01/01/2017; đồng thời, giới hạn các trường hợp kiểm tra xử phạt theo hướng quy định việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên và qua công tác đăng ký xe chứ không kiểm tra phương tiện đang lưu thông trên đường để tránh gây phiền hà cho người tham gia giao thông.

Các hành vi xử phạt người điều khiển ô tô không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo, vạch kẻ đường, dừng đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với các hành vi không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu; bị phạt tiền từ 60.000 đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi mang vác cồng kền gây cản trở giao thông, vượt qua dải phân cách, đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy…
 
Nghị định cũng quy định thời hạn tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 4 tháng thay cho hình thức tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông.
 
Nghị định cũng quy định thêm một số hành vi mới sẽ bị xử phạt như: Không dừng lại cấp cứu người bị nạn khi gây TNGT sẽ bị xử phạt nặng nếu không chứng minh được hành vi bỏ trốn của mình là do bị uy hiếp...
 
Đặc biệt, một số hành vi tại Nghị định được mô tả rõ hơn để tránh nhầm lẫn, giúp người dân hiểu rõ hơn hành vi của mình có thực sự vi phạm hay không như hành vi không đội mũ bảo hiểm (MBH).
 
Cũng theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, giao Bộ Công an, Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan đến thủ tục chuyển tên chủ phương tiện theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bao gồm cả thủ tục đăng ký sang tên xe tại cơ quan công an và thủ tục nộp lệ phí trước bạ tại cơ quan tài chính, quy định rõ đối tượng có trách nhiệm phải làm thủ tục đăng ký sang tên xe./.

Theo VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất