Ngày 13/11, tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Viễn thám
Quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nghiệm thu Dự án
“Giám sát tài nguyên môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám”.
Đây là một trong những Dự án trọng điểm của Đề án tổng thể điều tra cơ
bản tài nguyên môi trường biển nhằm tăng hiệu quả và hiệu lực quản lý
Nhà nước về tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển và hải đảo.
Phát biểu tại Hội đồng nghiệm thu, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường Chu Phạm Ngọc Hiển đánh giá Dự án đã đảm bảo tiến độ, bám sát nội
dung dự án phê duyệt, đáp ứng nhu cầu mục tiêu đã đề ra.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao ý nghĩa kết quả của Dự án bởi đây là lần
đầu tiên Việt Nam có một bộ cơ sở dữ liệu không gian bao trùm toàn bộ
vùng biển Việt Nam bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là những
khu vực không phải lúc nào cũng ra tận nơi để đo vẽ, giám sát được. Dự
án đã lập được 4 thiết kế kỹ thuật cho tài nguyên môi trường biển.
Đó là thiết kế kỹ thuật cho bản đồ địa hình quần đảo Hoàng Sa, Trường
Sa; thiết kế kỹ thuật cho lớp phủ bề mặt biển; thiết kế kỹ thuật kèm
theo các bộ chỉ số vật lý, hóa học sinh vật biển; thiết kế kỹ thuật cho
hệ thống giám sát đa thời gian tài nguyên môi trường biển.
Bên cạnh đó, khối lượng chất lượng, sản phẩm dự án đảm bảo yêu cầu thiết
kế đã được duyệt, độ chính xác ở mức tương đối, các sản phẩm quản lý cơ
sở dữ liệu không gian và lưu dưới dạng số, đáp ứng được nhu cầu trong
việc sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế xã hội biển.
Ông Nguyễn Xuân Lâm, Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia, Chủ nhiệm đề tài
cho biết: Hiện nay vùng biển Việt Nam đã có rất nhiều các công trình
nghiên cứu, đo đạc bản đồ biển, khảo sát địa chất... nhưng chưa có công
trình nào bao quát được toàn bộ bức tranh của vùng biển Việt Nam, đặc
biệt trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy việc áp dụng công
nghệ viễn thám với những ưu điểm vượt trội so với các phương pháp truyền
thống để điều tra cơ bản và giám sát tài nguyên môi trường vùng biển và
hải đảo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là hết sức quan trọng và hoàn
toàn phù hợp.
Sau 3 năm tiến hành điều tra bằng sử dụng ảnh viễn thám, Dự án đã đáp
ứng được những mục tiêu và nhiệm vụ đã được phê duyệt theo đề cương như
thiết lập được cơ sở dữ liệu thông tin địa lý ảnh vệ tinh đa thời gian
cho toàn bộ vùng biển và hải đảo Việt Nam; thành lập bản đồ địa hình
bằng tư liệu ảnh vệ tinh cho 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
thiết lập được cơ sở dữ liệu chuyên đề về một số yếu tố môi trường vật
lý, hóa học và sinh vật vùng biển theo những khoảng thời gian trong năm
(4 mùa/năm), các yếu tố lớp phủ bề mặt vùng ven biển hải đảo; có được hệ
thống giám sát đa thời gian phục vụ công tác điều tra cơ bản theo dõi
biến động tài nguyên môi trường biển và hải đảo, góp phần bảo đảm an
ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia; tăng cường năng lực cho việc áp
dụng công nghệ viễn thám phục vụ điều tra cơ bản và giám sát tài nguyên-
môi trường biển, hải đảo.
Chất lượng sản phẩm của dự án đảm bảo các quy định kỹ thuật hiện hành
trong đo vẽ bản đồ địa hình và chuyên đề cũng như Quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về chuẩn thông tin địa lý cơ sở. Các nội dung thực hiện của Dự
án đã khai thác tối ưu nguồn tư liệu ảnh vệ tinh thu được tại Trạm thu
ảnh đã được Chính phủ đầu tư, góp phần thực hiện thắng lợi “Chiến lược
nghiên cứu ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020" của Thủ tướng Chính
phủ.
Dự án cũng khẳng định hiệu quả khoa học, công nghệ với việc ứng dụng
công nghệ viễn thám trong việc giám sát tài nguyên môi trường trên một
địa hình lớn, nhiều đảo nhỏ. Đây là giải pháp hữu hiệu để có được những
thông tin cơ bản về tài nguyên môi trường vùng biển như các yếu tố vật
lý, sinh học biển, xác định vị trí, hình dáng, diện tích các hải đảo,
xác định các công trình trên các hải đảo, đặc biệt với vùng xa bờ, những
nơi khó tiếp cận để điều tra bằng phương pháp truyền thống./.
Lý Thanh Hương (TTXVN)