Thứ Năm, 28/11/2024
Khoa học, công nghệ
Chủ Nhật, 9/11/2014 15:7'(GMT+7)

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ của Israel vào Việt Nam

Một khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Một khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)



 Hai nước tăng cường hơn nữa việc trao đổi đoàn các cấp, đoàn doanh nghiệp; tăng cường hợp tác giữa các Bộ, ngành chức năng, Phòng Thương mại và Công nghiệp của hai nước; tạo điều kiện để các doanh nghiệp hai bên tiếp xúc trực tiếp, qua đó phát hiện nhu cầu và nội dung hợp tác cụ thể.

Thúc đẩy hợp tác đầu tư

Tại Khóa họp lần thứ nhất của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Israel, Bộ trưởng Nguyễn Quân đề nghị hai nước sẽ cùng triển khai trao đổi đoàn ở tất cả các cấp, điều phối và hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là các diễn đàn tại Liên hợp quốc; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; tích cực thúc đẩy việc triển khai Nghị định thư tài chính, xem xét thành lập Tiểu ban hợp tác về tài chính.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đề nghị hai nước tăng cường hợp tác về khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, thông tin và truyền thông, xây dựng, giao thông vận tải, ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp, đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ của Israel vào Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp Israel đầu tư vào Việt Nam trong các ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và viễn thông và các ngành, lĩnh vực quan trọng khác, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại; hợp tác về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực quản lý và nghiên cứu trong mọi lĩnh vực.

Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: “Việc ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác tại Khóa họp lần thứ nhất của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam và Israel thể hiện sự cam kết của Chính phủ hai nước trong việc thực hiện các nội dung hợp tác trong khuôn khổ này. Tôi tin tưởng rằng, đây là cơ sở tốt để chúng ta thúc đẩy hợp tác một cách toàn diện giữa hai bên trong thời gian tới.”

Hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hai nước bước đầu đã và đang hợp tác với nhau (thiết bị công nghệ cao, công nghệ sinh học, chế biến nông sản thực phẩm, y tế...); tăng cường mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng mà hai nước có thế mạnh dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, theo hai hướng hợp tác theo ngành (sector) như năng lượng tái tạo, năng lượng hiệu quả, công nghệ thông tin, phần mềm công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tiêu dùng và thực phẩm (sữa, dầu ăn, thực phẩm chế biến, sản phẩm dệt may, da giầy); hợp tác theo lĩnh vực như đào tạo, dạy nghề, trao đổi chuyên gia, chuyển giao công nghệ, xử lý môi trường công nghiệp.

Hai bên tích cực triển khai có hiệu quả Nghị định thư về hợp tác tài chính giữa hai nước ký năm 2007, để có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư với Israel, tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước có cơ hội trao đổi, tiếp xúc nhằm thúc đẩy quá trình giao thương và đầu tư.

Hai nước cũng tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp Israel đầu tư vào ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và viễn thông, đồng thời khuyến khích các tập đoàn, các công ty lớn của Israel đầu tư vào ngành, lĩnh vực quan trọng, đòi hỏi vốn lớn, công nghệ hiện đại như công nghiệp xây dựng; khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Israel đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, dịch vụ.

Về phía Việt Nam, cần nỗ lực hỗ trợ các dự án của Israel đã được cấp giấy phép đầu tư, hoặc đang đàm phán chuẩn bị đầu tư bằng cách giải quyết sớm các vướng mắc trong hoạt động của các dự án đầu tư đã được cấp giấy phép; khuyến khích và hỗ trợ đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Israel bằng hình thức hội thảo, trao đổi thông tin của doanh nghiệp hoặc tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát thị trường lẫn nhau hoặc kết hợp các chuyến thăm và làm việc tại Israel của các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ.

Tạo đột phá về hợp tác khoa học và công nghệ

Trong các buổi tiếp xúc, trao đổi, làm việc chính thức giữa Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Bộ Kinh tế, Bộ Khoa học, Công nghệ và Không gian và một số doanh nghiệp của Israel đều thống nhất cho rằng hai nước cần tăng cường hợp tác về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; xây dựng, quản lý và khai thác các công trình kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; công nghệ sinh học; công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhằm góp phần nâng cao năng lực khoa học công nghệ của Việt Nam, đẩy mạnh việc trao đổi kinh nghiệm quản lý và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển giao công nghệ của Israel vào Việt Nam.

Hợp tác về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực quản lý và nghiên cứu; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học của Israel nhằm thúc đẩy xây dựng các dự án hợp tác nghiên cứu chung, mở rộng các chương trình về đào tạo, hợp tác hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực khoa học và công nghệ và đổi mới.

Tích cực thúc đẩy phía Israel tổ chức các chương trình, khóa đào tạo cho cán bộ Việt Nam về các chuyên ngành như: chế biến nông sản thô và bảo quản sau thu hoạch; quản lý và khai thác các công trình thủy lợi, công nghệ tưới tiêu hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành các công trình thủy lợi; biến đổi khí hậu, quá trình sa mạc hóa; đào tạo về công nghệ sinh học trong nông nghiệp; phát triển thủy sản. Mở rộng chương trình hợp tác tu nghiệp sinh về đào tạo và thực hành nông nghiệp với Trung tâm đào tạo quốc tế của Israel.

Cùng với việc tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án hợp tác trước đây, tích cực thúc đẩy mở rộng và xây dựng các dự án hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư trong các lĩnh vực như công nghệ bảo quản hoa quả của Việt Nam không dùng hóa chất; thu hút đầu tư áp dụng công nghệ cao sản xuất muối từ các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học của Israel; hợp tác FDI về chế biến lâm sản; xây dựng các chương trình đào tạo liên quan đến chăn nuôi bò sữa, kỹ thuật tưới tiêu hiện đại, bảo quản sau thu hoạch, giống cây trồng và gia súc.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước liên doanh, liên kết đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; trao đổi thông tin khoa học kỹ thuật liên quan đến phát triển nông nghiệp; tìm hiểu công nghệ, thiết bị sản xuất, chế biến muối và sau muối hiện đại với quy mô sản xuất công nghiệp từ nước biển.

Tiến tới ký kết văn bản Chương trình hành động Việt Nam-Israel giai đoạn 2010-2016 về hợp tác song phương trong lĩnh vực giáo dục, trao đổi khoa học hàn lâm, trao đổi sinh viên, giảng viên.

Xây dựng một số chuyên ngành đào tạo đại học theo mô hình sandwich giữa Việt Nam và Israel (nông nghiệp, công nghệ sinh học). Khuyến khích trao đổi giảng viên, sinh viên trong khối đại học.

Xây dựng từ 1-2 trung tâm nghiên cứu xuất sắc về nông nghiệp ở các đại học hàng đầu của Việt Nam về nông nghiệp như Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, với mục đích nghiên cứu chuyển giao công nghệ về kỹ thuật nông nghiệp hiện đại với sự hỗ trợ của các Đại học hàng đầu của Israel về lĩnh vực này. Phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế về cơ hội hợp tác giáo dục đại học và nghiên cứu ứng dụng giữa Việt Nam và Israel vào năm 2014.

Về hợp tác trong quản lý nhà nước, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, đặc biệt là những kinh nghiệm mang tính thiết thực nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, phát triển chính phủ điện tử, nguồn nhân lực công nghệ thông tin, an toàn thông tin và tần số..., làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội nói chung của cả nước.

Hợp tác về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thông tin và truyền thông, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, các khóa đào tạo ngắn và dài hạn nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, đồng thời đẩy mạnh chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp Israel với các đơn vị và các doanh nghiệp của Việt Nam.

Khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp hai nước trong lĩnh công nghệ thông tin và truyền thông xúc tiến các cơ hội đầu tư. Thúc đẩy việc thiết lập kênh thông tin giữa các tổ chức nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp hai bên nhằm quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, đưa các thông tin tích cực về Việt Nam tới người dân Israel và ngược lại./.

TTXVN 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất