Đến nay, Dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận, gồm 2 nhà máy tổng
công suất phát điện khoảng 4.000MW đang được xúc tiến. Dự kiến
nhà máy sẽ được khởi công vào năm 2015, tổ máy số 1 sẽ đưa vào hoạt động
năm 2020.
Thế giới đang đối mặt với nguy cơ
cạn kiệt tài nguyên dầu mỏ, than, khí đốt…vì vậy các quốc gia đều có
chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử, trong đó phát triển nhà máy
điện hạt nhân. Ở nước ta, chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì
mục đích hòa bình đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm
2006, dù còn mới mẻ nhưng đã đạt được thành tựu quan trọng.
Thành tựu nổi bật của Việt Nam trong ứng
dụng năng lượng nguyên tử là sử dụng kỹ thuật xạ trị hạt nhân để khám,
điều trị bệnh ung thư di căn, các bệnh tim mạch, tiêu hóa, xương khớp,
hô hấp... Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi năm có
từ 7.000 đến 8.000 bệnh nhân xạ trị các bệnh hiểm nghèo.
Giáo sư Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc
Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với các kỹ thuật hạt nhân trong chẩn đoán,
điều trị bệnh ung thư, tim mạch, thần kinh…đến nay, Việt Nam đã tiệm cận
với kỹ thuật tiên tiến mà các nước trên thế giới đã áp dụng: “So với
các nước trong khu vực, Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc
độ phát triển có máy kỹ thuật về SPECT, SPECT/CT, ghi hình phóng xạ
gần như cao nhất”.
Sau 4 năm triển khai Quy hoạch tổng thể
phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm
2020, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát
triển các ngành kinh tế xã hội đã có những chuyển biến và kết quả đáng
kể, nhất là lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp...
Việt Nam được Cơ quan Năng lượng Nguyên
tử Quốc tế (IAEA) xếp hàng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên
cứu về đột biến giống cây trồng. Đến nay đã có 50 giống cây trồng được
tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến cho năng suất, chất lượng
cao. Công nghệ bức xa cũng được ứng dụng thành công mang lại hiệu quả
cao trong ngành công nghiêp dầu khí, than, sản xuất xi-măng... Tuy nhiên, do
hạ tầng kỹ thuật yếu kém, nguồn nhân lực thiếu và yếu, tài chính hạn
hẹp…làm hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lương nguyên tử ở nước ta
còn hạn chế.
Kỹ
sư Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân
trong công nghiệp cho rằng: "Tình trạng sản xuất ở nước ta công nghệ
thấp, động lực để giúp các kết quả nghiên cứu ứng dụng trong thực tế
không riêng về kỹ thuật hạt nhân còn phụ thuộc vào kinh tế thị
trường. Phải có nhu cầu đổi mới công nghệ thực sự từ nhà sản xuất thì
các kết quả nghiên cứu mới đưa ra ứng dụng được".
Với những quyết định mang tính chất
chiến lược, nước ta đang bước vào thời kỳ mới phát triển ngành năng
lượng nguyên tử, trong đó có phát triển điện hạt nhân. Tiến sỹ Hoàng Anh
Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử (Bộ Khoa học Công nghệ) cho
biết: "Đến nay, Dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận, gồm 2 nhà máy tổng
công suất phát điện khoảng 4.000MW đang được xúc tiến. Dự kiến
nhà máy sẽ được khởi công vào năm 2015, tổ máy số 1 sẽ đưa vào hoạt động
năm 2020. Bộ Khoa học Công nghệ đã trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt
kế hoạch tổng thể, đáp ứng đầy đủ điều kiện cho việc đảm bảo an toàn dự
án điện hạt nhân Ninh Thuận. Hiện nay, 2 dự án này đang đồng thời chuẩn
bị báo cáo khả thi. Một trong những đóng góp quan trọng của đề án là cử
đi mấy trăm sinh viên học chuyên ngành về điện hạt nhân ở Nga, năm 2016
sẽ tốt nghiệp đầu tiên về nhà máy điện hạt nhân ở Nga sẽ về Việt Nam”.
Với những quyết định mang tính chất
chiến lược, nước ta đang bước vào một thời kỳ mới phát triển ngành năng
lượng nguyên tử. Từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp,
công nghệ hạt nhân đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế xã hội và
tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước./.
(Theo: VOV)