Thứ Năm, 10/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 3/9/2010 15:4'(GMT+7)

Giám sát xuất khẩu lao động: Bất ổn khâu tạo nguồn và cấp phép DN

Lao động Việt Nam tại một công trường xây dựng ở UEA

Lao động Việt Nam tại một công trường xây dựng ở UEA

Báo động chất lượng lao động

Đoàn giám sát tập trung giám sát những vấn đề gì, thưa ông?

Chúng tôi tập trung vào nhiều vấn đề: Công tác tạo nguồn và đào tạo lao động; quan hệ của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước về XKLĐ; tình hình thực hiện thủ tục xin phép, đăng ký hợp đồng cung ứng lao động (nhanh, chậm, thuận lợi, phiền hà, chi phí liên quan, tích cực, tiêu cực...).

Ngoài ra còn giám sát nhiều vấn đề khác như: cấp phép chi nhánh và thẩm định hoạt động của các chi nhánh; công tác quản lý, theo dõi, hỗ trợ NLĐ thực hiện hợp đồng ở nước ngoài; tình hình việc làm và đời sống gia đình NLĐ sau khi về nước; các khoản doanh nghiệp phải chi trả cho cơ quan có liên quan (kể cả cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương) trong việc tuyển nguồn...

Kết quả giám sát thế nào, thưa ông?

Khi giám sát, chúng tôi đã phát hiện nhiều vấn đề. Ví dụ, người dân chưa hiểu rõ về XKLĐ và những chính sách liên quan. Vì thế, nhiều người bị lừa rơi vào cảnh nợ nần. Có người cứ nghĩ ra được nước ngoài là kiếm tiền dễ dàng, nên khi đi vỡ mộng bỏ về. Công tác đào tạo, tạo nguồn cũng bị buông lỏng...

Hiện nay thị trường lao động Việt Nam đang dần bị thu hẹp, theo ông nguyên nhân do đâu?

Về khách quan, mức độ tiếp nhận của các doanh nghiệp nước ngoài so với những năm trước đây ngày càng hạn chế do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Từ năm 2008 đến nay, số lượng lao động được doanh nghiệp tiếp nhận giảm sút mạnh.

Ông Bùi Sỹ Lợi
Ông Bùi Sỹ Lợi.

Về chủ quan, lao động Việt Nam được các nước đánh giá là chịu khó, thông minh, cần cù, rất nhanh nhạy trong việc tiếp thu khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, lao động ta yếu ngoại ngữ. Trong khi 80% lao động Philippines biết tiếng Anh, tỷ lệ học đại học chiếm 70-80%, thì ở ta lao động chủ yếu tốt nghiệp phổ thông, ngoại ngữ kém.

Ngoài ra, có nguyên nhân bắt nguồn từ việc quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô và chính quyền nhiều địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ về công tác XKLĐ. Do đó, khi tuyển lao động, chúng ta tuyển chưa đúng người. Thậm chí, người chưa đủ điều kiện cũng cố đưa đi. Trong khi đó, tâm lý của NLĐ nói chung là không muốn phải học gì mà cứ nộp một cục tiền cho doanh nghiệp, đi càng nhanh càng tốt.

Do những nguyên nhân đó, dẫn tới việc hợp tác XKLĐ ngày càng hạn chế về số lượng, làm cho hình ảnh lao động Việt Nam ở nước ngoài ngày càng mờ nhạt.

Không đủ điều kiện vẫn được cấp phép

Theo quy định, doanh nghiệp XKLĐ phải có cơ sở đào tạo nguồn nhưng thực tế cho thấy, trong hơn 100 doanh nghiệp XKLĐ hiện nay số doanh nghiệp có cơ sở đào tạo chỉ đếm trên đầu ngón tay?

Đúng như vậy. Qua giám sát cho thấy, phần lớn doanh nghiệp không có trung tâm đào tạo lao động, nên chủ yếu đi thuê, hoặc là liên doanh liên kết. Cũng có doanh nghiệp nhờ các trung tâm dịch vụ việc làm ở các địa phương đào tạo. Những trung tâm kể trên chưa đủ điều kiện đào tạo nguồn lao động xuất khẩu.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về công tác XKLĐ. Đến thời điểm này, ba tổ của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết thúc việc giám sát hoạt động XKLĐ tại 10 tỉnh, thành phố (Hải Dương, Hà Nội, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Giang, Yên Bái, Nghệ An, An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh).

Cũng phải nói thêm, trong đào tạo, có yếu tố giáo dục định hướng để NLĐ hiểu về nền văn hóa, phong tục tập quán của nước tiếp nhận, nhưng vì chúng ta chưa làm tốt nên khi lao động sang làm việc đã xảy ra hàng loạt vấn đề phức tạp. Ví dụ như người ta cấm ăn thịt chó thì NLĐ làm thịt chó; cấm nấu rượu thì nấu rượu; cấm đánh bạc thì đánh bạc...

Không có cơ sở đào tạo nhưng doanh nghiệp vẫn được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép. Vì sao vậy, thưa ông?

Về nguyên tắc, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện mới được cấp phép. Ở đây, có lẽ khi cấp phép, cơ quan quản lý cũng chưa kiểm tra được hết và cũng chưa đánh giá được thực chất của doanh nghiệp.

Hiện, lực lượng thanh tra rất mỏng trong khi có hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ (chưa kể chi nhánh), như vậy làm sao kiểm tra hết được các doanh nghiệp sai phạm?

Đúng là lực lượng thanh tra mỏng, nhưng không phải vì thế mà doanh nghiệp có thể làm ẩu được. Hồi tôi còn làm ở Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, mỗi năm cũng phải kiểm tra được 25% số doanh nghiệp. Vấn đề là thanh tra có làm tốt hay không thôi.

Doanh nghiệp đang kêu trời về khâu thẩm định hợp đồng, ông nghĩ sao về quy định này?

Hôm nay (3-9), Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để nghe ý kiến của các thành viên và nghe lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH thay mặt Chính phủ báo cáo về hoạt động XKLĐ, vấn đề này sẽ rõ hơn. Tuy nhiên, khi giám sát hỏi về vấn đề này, nhiều doanh nghiệp muốn bỏ nhưng cũng có doanh nghiệp chưa muốn bỏ. Thực tế, doanh nghiệp không muốn bỏ chính là những doanh nghiệp có được sự ưu ái.

Thực tế khi đi XKLĐ, người LĐ phải trả mức phí cao hơn nhiều so với quy định. Ví dụ đi làm việc ở Hàn Quốc, quy định là gần 700 USD nhưng có những LĐ phải bỏ ra cả trăm triệu đồng mới được đi, thưa ông?

Trên thực tế tôi cũng có nghe chuyện này. Nhưng khi đi giám sát ở các tỉnh An Giang, Tây Ninh, tôi hỏi thì chỉ có một chị nói với tôi là chị ấy bị lừa 100 triệu đồng nhưng sau đó không đi được, suýt bán mất nhà, nhưng người thu tiền không phải là cơ quan nhà nước. Còn ở phía Bắc, tôi có nghe tình trạng này xảy ra rất nhiều.

Tuy nhiên, có chuyện đó hay không, mình phải điều tra. Tôi có nghe dư luận nói, thậm chí nghe cả người thân nói, nhưng không có bằng chứng. Có lẽ, những người đi XKLĐ phải đóng mức phí chênh lệch cao là do bị lừa hoặc qua trung gian, cò mồi, chứ cơ quan chức năng thì không ai dám thu cao như vậy.

Cảm ơn ông./.

Bá Kiên - Phong Cầm - Tien Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất