Năm 2015 là năm kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 70 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 40 năm thống nhất đất nước. Năm 2015 còn là năm cuối cùng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 2011-2015, kết thúc nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Cũng trong năm 2015 này, ASEAN trở thành cộng đồng kinh tế, mười nước thành viên trong đó có Việt Nam sẽ chung một thị trường không rào cản về thuế quan, sự thành bại chỉ trông chờ vào năng lực hợp tác và cạnh tranh sòng phẳng. Như vậy, năm 2015 là dấu mốc quan trọng, là dịp các cơ quan lãnh đạo, quản lý cũng như mỗi người dân nhìn lại sự phát triển của đất nước trong những chặng đường lịch sử gần một thế kỷ, mà thiết thực nhất là việc tổng kết đổi mới KT-XH từ Đại hội Đảng VI đến nay để đi tiếp một chặng đường mới.
Đối với sự nghiệp giáo dục, việc đánh giá những mặt được và chưa được (nếu không e ngại, có thể nói thẳng thắn là những thành công và thất bại) tính đến nay là cực kỳ cần thiết. Bởi, với tất cả những trải nghiệm trên thực tiễn, càng ngày chúng ta càng thấm thía một chân lý, trong tất cả các loại vốn thì vốn con người (suy rộng ra là vốn văn hóa) do giáo dục chung đúc là nhân tố quyết định sự phát triển xã hội. Hơn nữa, cần phải đánh giá chính xác trong một tư duy mới về những mặt được và chưa được để tháo gỡ về giáo dục, bởi khuyết tật của nền giáo dục nước ta cho đến lúc này chẳng những đang gây trở ngại đối với phát triển kinh tế mà còn làm xói mòn nền tảng đạo đức và văn hóa. Càng đáng lo ngại trước một thách thức hiện hữu, nếu không sớm có những giải pháp căn cơ về giáo dục và đào tạo nhân lực thì khi ASEAN trở thành một cộng đồng kinh tế và Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị thu hẹp thị phần và người Việt Nam chỉ còn giữ được những vị trí không mấy quan trọng trong guồng máy sản xuất và dịch vụ ngay trên đất Việt Nam.
Gần ba chục năm qua, để phù hợp với đường lối đổi mới KT-XH, Đảng đã nêu ra một loạt quan điểm mới về phát triển giáo dục. Đại hội VII khẳng định: “Giáo dục và đào tạo, cùng với khoa học và công nghệ, là quốc sách hàng đầu”. Sau đó đã xác định sứ mạng của giáo dục là “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Về đầu tư, “coi đầu tư cho giáo dục là một trong những hướng chính của đầu tư phát triển tạo điều kiện cho giáo dục đi trước và phục vụ đắc lực sự phát triển KT-XH”. Nhưng đến nay, tình trạng yếu kém, lạc hậu về giáo dục vẫn chưa khắc phục được, luôn là nỗi bức xúc của cả xã hội và là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự yếu kém, lạc hậu trong KT-XH nói chung.
Sở dĩ như vậy là vì những quan điểm đúng đắn về giáo dục mới dừng lại ở trên văn kiện, chưa thể hiện mạnh mẽ trong cuộc sống mà theo cách diễn đạt tế nhị của chúng ta là chưa được cụ thể hóa và quán triệt đầy đủ trong hành động. Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chủ trương: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”(1). Cuối năm 2013, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI cũng đã ra Nghị quyết số 29-NQ/TW, cụ thể hóa chủ trương này. Tuy nhiên, trong bước đầu triển khai Nghị quyết, đã xuất hiện một vài hiện tượng mà nếu không sớm điều chỉnh sẽ đúng như một nhận định được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X là “thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch đồng bộ, dẫn đến cách đổi mới chắp vá”(2).
Thoát khỏi cách nghĩ, cách làm cũ kỹ, gần như đã thành nếp là không dễ dàng. Nhưng đó là việc phải làm. Nhất thiết phải đổi mới tư duy giáo dục, từ đó thay đổi cách làm giáo dục với nhiều sáng tạo hơn. Một mặt, phải thấy giáo dục là một hệ thống xã hội. Những khuyết tật của giáo dục là khuyết tật của cả một hệ thống nên không thể sửa chữa phân tán mang tính chắp vá. Xuất phát từ cách tiếp cận hệ thống, các giải pháp về giáo dục phải rất căn cơ. Mặt khác, cũng phải thấy, giáo dục không chỉ là phúc lợi xã hội mà còn là cơ sở hạ tầng “mềm” - quyết định sự phát triển bền vững của một đất nước, do đó phải dành cho nó sự quan tâm, sự đầu tư hàng đầu.
Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI đã xác định những quan điểm và định hướng lớn, trình bày một cách khái quát về các mục tiêu và giải pháp. Để thực hiện Nghị quyết, không thể không cụ thể hóa nội dung Nghị quyết bằng một đề án (hay kế hoạch chiến lược) tổng thể và chi tiết, trong đó bao gồm cả mục tiêu cụ thể, dự báo về điều kiện và bước đi. Hơn nữa, đề án tổng thể (hay kế hoạch chiến lược) còn cần làm rõ những vấn đề Nghị quyết đang để ngỏ, trong đó có nội dung đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục, để từ đó giải quyết nhiều vấn đề khác trong phạm trù đổi mới giáo dục.
Trong hệ thống giáo dục, vấn đề lớn nhất cần giải quyết, liên quan trực tiếp đến đào tạo nhân lực, là tình trạng mất cân đối và thiếu liên thông giữa ba bộ phận: giáo dục phổ thông (GDPT), giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giáo dục đại học (GDĐH). Đến nay, GDPT chưa thật sự là nền tảng của cả hệ thống giáo dục. GDNN, ngay cả việc đào tạo nghề đơn giản, cũng chưa đáp ứng yêu cầu; thậm chí việc xuất khẩu lao động chưa được đào tạo cẩn thận đang không là trường hợp cá biệt. Riêng về GDĐH, không thể cắt nghĩa nổi sự gia tăng ồ ạt về số lượng các trường trong mấy năm vừa qua, trong khi các trường hiện có vẫn thiếu giảng viên có trình độ trên đại học. Trong đó, việc phân bố mạng lưới các trường đại học rải ra ở tất cả các tỉnh không tính đến điều kiện bảo đảm chất lượng đang để lại những di chứng rất khó khắc phục. Vì vậy, phải mạnh dạn sắp xếp lại. Cũng tương tự như vậy, không thể hiểu được ý định nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên khi mà các trường cao đẳng nghề mở ra ồ ạt kèm theo sự tách biệt giữa hai loại cao đẳng mà mỗi loại lại do một cơ quan quản lý nhà nước phụ trách. Tình trạng phân tán đó dường như đang có phương án khắc phục bằng giải pháp chia đôi, phân hệ GDĐH thành hai mảng, đào tạo trình độ cao đẳng giao cho bộ này còn đào tạo đại học và sau đại học giao cho bộ kia quản lý. Rõ ràng, chưa có gì bảo đảm giải pháp này tạo ra được một cấu trúc hợp lý vững bền cho hệ thống đào tạo nhân lực.
Cách giải quyết vấn đề lúng túng này cung cấp thêm một minh chứng về tình trạng thiếu nghiên cứu và quan tâm chỉ đạo đến nơi đến chốn. Để đổi mới cơ cấu (hay tái cấu trúc) hệ thống giáo dục, trước hết cần xem xét kỹ tình trạng mất cân đối giữa ba phân hệ GDPT, GDNN và GDĐH; xác định mục tiêu phát triển của từng phân hệ (gắn với mục tiêu phát triển con người, phát triển KT-XH) và đưa ra các giải pháp (cả về tổ chức quản lý nhà nước và chính sách).
Từ xưa đến nay, trong cuộc cạnh tranh trên thị trường, mạnh hay yếu là ở năng suất, chất lượng và giá thành, mà điều đó lại phụ thuộc trình độ công nghệ, và năng lực (phẩm chất) người tham gia guồng máy sản xuất, lưu thông... Hiện nay, nước ta là một trong ba nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN, chỉ bằng 1/15 Singapore mà năng suất lao động là một trong những tiêu chí quan trọng phản ánh chất lượng đào tạo nghề nghiệp. Suy cho cùng, đều bắt nguồn từ giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ. Chúng ta tự hào về kết quả đạt được trong các cuộc thi quốc tế. Năm 2014, với 15 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 6 huy chương đồng, lần thứ ba Việt Nam xếp thứ nhất trong 10 lần tổ chức hội thi Tay nghề ASEAN; Năm 2014, Việt Nam đã vượt qua Nhật Bản đề giành ngôi vị cao nhất trong cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương; thi Olympic quốc tế về toán và khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học), Việt Nam cũng đã đạt nhiều thứ hạng cao... Những thành tích đó có thể giúp chúng ta có thêm niềm tin vào tiềm năng của con người Việt Nam, trước hết là thế hệ trẻ, nhưng không thể lấy đó để biện bạch, làm khuất lấp những yếu kém của hệ thống giáo dục trong công việc đào tạo nhân lực. Điều cần nhất trong phát triển giáo dục, cần khởi đầu từ 2015 này, là chuyển thách thức thành cơ hội, nhìn thẳng vào những khuyết tật của nền giáo dục, đề ra một hệ thống giải pháp đổi mới, sáng tạo để sửa đổi tận căn nguyên, hạn chế đến cùng những giải pháp tình thế, với một quyết tâm chính trị thực sự.
Trình bày về mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, Nghị quyết 29-NQ/TW đã nêu: Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Đây là một thách thức rất lớn, bởi các nước trong khu vực, nhất là các nước tiên tiến, không ngừng nâng cao hơn nữa trình độ giáo dục - đào tạo của họ. Nhưng thách thức lớn hơn rất nhiều chính là ở mục đích nâng cao phẩm chất và năng lực con người Việt Nam, góp phần chấn hưng văn hóa và đạo đức xã hội, kiến tạo nền tảng vững bền để bảo vệ chủ quyền đất nước và xây dựng xã hội dân chủ, công bằng. Đã đến lúc Hội đồng quốc gia giáo dục và nguồn nhân lực cần tập hợp các chuyên gia đủ trình độ, có kinh nghiệm và tâm huyết, khẩn trương xây dựng một kế hoạch chiến lược tổng thể và chi tiết về chấn hưng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cho mười năm 2016-2025 với tầm nhìn đến 2030 - mốc thời gian mà Nghị quyết 29NQ/TW đề ra.
Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Chủ tịch nước
Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam
_____________________________________________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr.130.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, tr. 206./.