Đã đến lúc xã hội cần quan tâm thỏa đáng hơn đến vị thế, vai trò của khoa học sư phạm (KHSP); tạo điều kiện để KHSP phát triển tốt hơn nhằm đóng góp tích cực vào việc hoạch định cho Nhà nước và cho giáo dục (GD) một chiến lược phát triển giáo viên xứng tầm với đổi mới căn bản nền GD.
Đây là những vấn đề được các đại biểu trao đổi tại hội thảo “Khoa học sư phạm trong sự nghiệp phát triển giáo viên – yếu tố căn bản của đổi mới giáo dục Việt Nam”, do trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 28-12.
Hội thảo là dịp để các cán bộ khoa học bàn bạc, trao đổi, chia sẻ về diện mạo của khoa học giáo duc; về vai trò và ảnh hưởng của nó với chiến lược phát triển giáo viên – động lực đảm bảo cho đổi mới giáo dục thành công.
GD yếu kém, thất bại từ ngành sư phạm?
Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ GD và ĐT cho rằng: chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông, không thể vượt qua chất lượng của đội ngũ giáo viên”. Sự tiến bộ của khoa học công nghệ khiến người ta có suy nghĩ vai trò của người thầy không còn quan trọng. Đây là quan niệm không chính xác. Vấn đề đặt ra là chức năng và nhiệm vụ của người thầy có gì khác trước? Người thầy phải khiến học sinh chủ động trong việc tìm kiếm, tiếp cận kiến thức.
Tiếc rằng trường sư phạm chưa thể hiện rõ rệt các chức năng đào tạo nghề dạy học; phần nội dung thực sự có tác dụng về mặt nghề nghiệp như khoa học tâm lý, giáo dục học, khoa học nhân văn…, đặc biệt vấn đề rèn luyện nghiệp vụ chưa chiếm tỷ trọng thích đáng.
Động cơ hơi nước và động cơ phản lực có những nguyên lý hoạt động khác nhau, nếu chúng ta tạo ra một hệ thống, cho nó một nguyên lý tương ứng thì nó sẽ chuyển động và không phụ thuộc vào xung quanh nữa. Giáo dục cũng vậy, tất cả các trường đại học đều phải có nguyên lý xây dựng và phát triển – GS. TS Vũ Văn Hùng, Trưởng phòng KHCN, trường ĐH Sư phạm Hà Nội phát biểu.
Theo GS. TS Vũ Văn Hùng, tất cả các trường ĐH cần tuân thủ theo 4 nguyên lý để phát triển, đó là: nguyên lý lấy khoa học làm nền tảng xây dựng ĐH nghiên cứu; nguyên lý thống nhất, hệ thống đòi hỏi phát triển ĐH đa ngành (thống nhất còn thể hiện ở quan hệ giữa thầy và trò, đó là quan hệ đồng hành trong đi tìm chân lý khoa học); nguyên lý thống nhất giữa nghiên cứu và giảng dạy (học để nghiên cứu và nghiên cứu để học; lấy khoa học để xây dựng GD và thông qua GD xây dựng nền văn hóa quốc gia.
Riêng đối với trường sư phạm, có thêm nguyên lý định hướng trọng điểm sư phạm (phát huy tối đa các nguồn lực nhà nước, xã hội và quốc tế dành cho xây dựng và phát triển trong giai đoạn mới hội nhập quốc tế).
|
Bà Nguyễn Thị Bình hi vọng một cuộc cải cách chuyển biến thực sự cho giáo dục |
Vị thế sư phạm chưa tương xứng với vai trò
Tại hội thảo, nhiều đại biểu không giấu được nỗi lo vì sự nghiệp giáo dục có quá nhiều thách thức.
PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ, Viện Khoa học xã hội, trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận xét: chế độ miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã không còn phù hợp ở thời hiện tại. Không chỉ học sinh giỏi không còn thiết tha với nghề giáo, mà ngay cả học sinh có sức học trung bình cũng không muốn thi sư phạm. Chế độ đãi ngộ cho sinh viên sau khi ra trường mới là điều có sức thu hút tốt nhất.
Khó khăn mà PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ đề cập cũng là nỗi lo chung của nhiều đại biểu và được GS Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội giáo chức Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: tâm lý chạy theo thi cử làm sai lệch tất cả. Nếu học sinh chưa có đủ trường lớp, sách giáo khoa, giáo viên để học sinh có thể học thì sẽ không có điều gì mới xảy ra.
Hiện nay còn thiếu hơn 23.000 giáo viên mầm non, vậy bao nhiêu năm nữa mới có thể phổ cập giáo dục 5 tuổi; sau 17 năm mới có đáp ứng được 50% số lớp học, vậy phải đợi 17 năm nữa mới có đủ? – ông Hạc băn khoăn.
Nhiều chủ trương đúng được ngành GD đưa ra nhưng không có hiệu quả trong thực tế là do những bất cập trong thực hiện không đồng bộ, trong quan niệm, chương trình, giáo trình, đội ngũ giáo viên, phương pháp giảng dạy… Đó là những yếu tố dẫn đến bất cập về chất lượng sản phẩm đào tạo.
Bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: dạy học là một nghề nhưng là một nghề đặc biệt. Nghề này rất ít có cơ hội thăng tiến, chỉ có một thế mạnh là được xã hội tôn vinh. Vì vậy, muốn có người vào nghề, muốn có giáo viên giỏi, trước hết nhà nước phải đảm bảo cho họ một đời sống tốt. Xã hội sẽ đi đến đâu nếu không ai muốn làm “thầy”?
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ GD và ĐT đã ký quyết định phê duyệt chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020 với 7 đề án. Trong đó có đề án củng cố mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất của các trường sư phạm; Phát triển đội ngũ giảng viên các trường, khoa sư phạm; Đổi mới công tác quản lý và điều hành các cơ sở đào tạo giáo viên; Nâng cao vai trò của các trường sư phạm…
Đã có nhiều hội thảo, nhiều nghiên cứu để phát triển giáo dục, đây là lúc chúng ta thống nhất và hành động. Muốn tạo sự chuyển biến thực sự cho giáo dục thì phải thực hiện đúng quy cách của một cuộc cải cách như đề nghị của nhà khoa học và các nhà giáo dục. KHSP sẽ đi trước một bước bằng một cuộc cải cách sư phạm sâu sắc để góp phần quan trọng cho những chuyển biến của cả ngành theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa – bà Nguyễn Thị Bình hi vọng.
Bài, ảnh: Thu Hà/QĐND