Thứ Ba, 8/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 25/11/2008 9:43'(GMT+7)

Giáo dục ĐBSCL: tỷ lệ học sinh bỏ học còn cao

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Hội nghị này là một diễn đàn để trao đổi và rút kinh nghiệm về những việc đã làm được cũng như chưa làm được để đánh giá trung thực bức tranh giáo dục tại vùng 6 trong 1 năm qua.

Theo số liệu báo cáo đầu năm học 2008 - 2009, tình hình học sinh (HS) bỏ học đầu năm của ĐBSCL còn khá cao. Cà Mau có 7,05% HS THCS và 9,05% HS THPT nghỉ, bỏ học. Tỷ lệ này ở Bạc Liêu: 5,79% và 6,08%; An Giang: 7,01% và 5,76%; Hậu Giang: 3,4% và 6,1%...

Tuy nhiên, nhờ phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đang được triển khai hiệu quả nên các địa phương và nhà trường đã vận động học sinh trở lại lớp tương đối tốt, điển hình là Hậu Giang với tỷ lệ học sinh trở lại lớp đạt 60%.

Các đại biểu phân tích: 40% HS bỏ học là do học yếu, kém không theo kịp chương trình, 45% vì lý do kinh tế  gia đình khó khăn. Các sở GD – ĐT đã đề ra các giải pháp khắc phục tình trạng HS bỏ học như thành lập ban  chỉ đạo công tác vận động HS trở lại lớp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho HS đến trường.

Giám đốc các Sở GD-ĐT đều kiến nghị, bên cạnh nguồn vốn trái phiếu Chính phủ xây dựng và kiên cố hóa trường học và nhà công vụ cho giáo viên, Nhà nước nên dành nguồn vốn từ xổ số kiến thiết ở các địa phương đầu tư cho giáo dục và y tế.

Ngành GD vùng 6 cũng thực hiện được những đột phá quan trọng về đẩy mạnh ứng dụng CNTT qua việc ký kết thỏa thuận kết nối và lắp đặt miễn phí mạng internet tốc độ cao với Tổng công ty Viễn thông Quân đội.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các địa phương cần thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý tài chính, đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục theo phương châm “3 công khai, 4 kiểm tra”. Một lần nữa, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ dành toàn bộ nguồn vốn từ xổ số kiến thiết tại các địa phương đầu tư lại cho 2 ngành giáo dục và y tế.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định quyết tâm của ngành giáo dục về việc luân chuyển cán bộ giảng dạy, giáo viên từ những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trở về nơi làm việc có điều kiện sống tốt hơn.

Bộ GD-ĐT quy định vùng 6 giáo dục bao gồm 12 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Phương châm "3 công khai, 4 kiểm tra”, 3 công khai: công khai chất lượng đào tạo, công khai các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, công khai thu, chi tài chính; 4 kiểm tra: Kiểm tra việc phân bổ và sử dụng ngân sách giáo dục đào tạo, kiểm tra việc thu và sử dụng học phí trong các nhà trường, kiểm tra việc sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của người dân và các tổ chức cho nhà trường, và kiểm tra việc thực hiện chương trình kiên cố hoá trường, lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.


PV-theo CTTĐTCP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất