Thứ Bảy, 7/12/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Ba, 8/10/2019 14:25'(GMT+7)

“Giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay”

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Tham gia buổi tọa đàm trực tuyến có GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Vũ Tiến Tiệp, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn; TS. BS Đào Văn Tú, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sàng, Bệnh viện K Hà Nội; kỹ sư Tạ Văn Thịnh, Viện Phòng Khoan và Sửa giếng, Viện Nghiên cứu khoa học và thiết kế, Liên doanh Việt -  Nga Vietsovpetro; em Trần Thế Trung, Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2019.

BỒI DƯỠNG THẾ HỆ CÁCH MẠNG ĐỜI SAU – VIỆC VÔ CÙNG CẦN THIẾT

Phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm, TS.Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh, buổi tọa đàm trực tuyến nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và của cán bộ, đảng viên cũng như chính thế hệ trẻ về vai trò, ý nghĩa của việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên, cũng như trách nhiệm của thanh niên đối với sự phát triển của đất nước.

Đồng chí Trần Doãn Tiến phát biểu đề dẫn tại tọa đàm.

Đồng chí Trần Doãn Tiến phát biểu đề dẫn tại tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các vị khách mời tập trung phân tích, trao đổi làm sâu sắc thêm 3 nhóm nội dung cơ bản như sau: Thứ nhất, nội dung tư tưởng  Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; thứ hai, đánh giá việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, những vấn đề đặt ra và giải pháp đổi mới nội dung, phương thức giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay; thứ ba, chia sẻ, trao đổi của một số điển hình tiên tiến với những mô hình mới, sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước, trong học và làm theo Bác; sức thu hút, lan tỏa của họ đối với những người xung quanh và từ các hoạt động cụ thể.

GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, trong Di chúc, ngay sau phần nói về Đảng, Bác đã đặc biệt nhấn mạnh vấn đề thanh niên, đoàn viên thanh niên, thế hệ trẻ nói chung, đặc biệt là bồi dưỡng thế hệ cách mạng đời sau. Theo Bác, đây là việc vô cùng quan trọng và rất cần thiết.

Tại sao sau những điều chỉ dẫn về Đảng, nhất là xây dựng Đảng cầm quyền thật trong sạch, vững mạnh phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự cần, kiệm liêm, chính, chí công vô tư, Đảng cầm quyền thật sự tiêu biểu cho đạo đức cách mạng để xứng đáng là người lãnh đạo, người cầm quyền, người đầy tớ trung thành của nhân dân thì Bác đặt vấn đề ngay về tuổi trẻ?  Đây là điều cần suy nghĩ trong khi nghiên cứu về toàn bộ di sản của Bác.

Đảng ta ra đời bắt đầu từ tổ chức thanh niên cách mạng. Chính Bác là người công phu rèn luyện, bồi dưỡng thế hệ trẻ ngay từ đầu - những hạt giống đầu tiên của cách mạng”. GS. TS Hoàng Chí Bảo khẳng định.

GS.TS Hoàng Chí Bảo chia sẻ những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thế hệ trẻ.

GS.TS Hoàng Chí Bảo chia sẻ những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thế hệ trẻ.

Bác đặc biệt nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt đến thế hệ trẻ và việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, Bác coi đây là việc làm rất quan trọng, rất cần thiết. Đây là tư tưởng lớn, một luận điểm quan trọng Bác ghi trong Di chúc thiêng liêng này. Đảng luôn luôn tin tưởng vào lớp trẻ. Thế hệ trẻ chính là lực lượng hậu bị của Đảng, lực lượng dự trữ của Đảng cung cấp cho Đảng nguồn nhân lực trẻ có trí tuệ, đạo đức để tiếp tục sự nghiệp của cha anh. Lời Bác dạy về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là lời dạy thiêng liêng với Đảng ta khi Bác vĩnh biệt chúng ta.

Trong Di chúc, Bác căn dặn Đảng ta  phải tiếp tục chăm lo thế hệ trẻ, giáo dục niềm tin, lý tưởng cách mạng, giáo dục bản lĩnh chính trị, giữ vững mãi mãi niềm tin, lý tưởng với thế hệ trẻ.

Những lời căn dặn cho thấy trọng trách của thế hệ trẻ trước tương lai của dân tộc , trách nhiêm của Đảng trong bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Dưới góc độ Đoàn là “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”, đồng chí Vũ Tiến Tiệp cho biết, các cấp bộ Đoàn luôn coi trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên. Trong thời gian qua, việc giáo dục đã góp phần xây dựng lý tưởng, góp phần củng cố niềm tin của thanh niên đối với Đảng, với con đường phát triển, đường lối đổi mới của cách mạng Việt Nam.

 
Đồng chí Vũ Tiến Tiệp nêu rõ vai trò và ý nghĩa quan trọng của Chỉ thị 42 của Ban Bí thư khóa XI.

Đồng chí Vũ Tiến Tiệp cũng nêu rõ, Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030” có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng hiện nay. Đó là sự cụ thể hóa, tiếp nối tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng trong các giai đoạn trước. Sự tiếp nối này có sự nhất quán, trọng tâm và cụ thể hóa. Chỉ thị đã tác động mạnh mẽ đến việc nâng cao chất và lượng đối với thanh niên, để từ đó phát huy vai trò xung kích của thanh niên để tham gia xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, đã tạo nên cơ sở vững chắc để toàn xã hội có sự quan tâm đặc biệt đến thế hệ trẻ, góp phần xây dựng nên những thế hệ trẻ vững vàng về bản lĩnh, tư tưởng chính trị, lối sống văn hóa, đạo đức tốt, có tinh thần sống vì cộng đồng; góp sức trẻ của mình trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đai hóa đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội.

CỤ THỂ HÓA LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG BẰNG HÀNH ĐỘNG

Tại buổi tọa đàm, những thanh niên tiên tiến, tiêu biểu trong thời đại ngày nay đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay.

Đối với bác sỹ Đào Văn Tú, việc cụ thể hóa lý tưởng chính là cải thiện chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Anh cho biết, mình đã không ngừng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với đồng nghiệp; chia sẻ với bệnh nhân, đặc biệt là giúp bệnh nhân nghèo, bệnh nhân vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế được hỗ trợ từ ngân sách cũng như sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để có cơ hội được điều trị bệnh bằng các ứng dụng y học hiện đại. Anh luôn có ý thức trau dồi chuyên môn, đóng góp nghiên cứu khoa học để có phương pháp điều trị tốt nhất, tối ưu nhất trong điều trị, giúp cho bệnh nhân Việt Nam được tiếp cận với y học hiện đại.

Bác sỹ Đào Văn Tú cụ thể hóa lý tưởng của mình bằng việc nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.

Bác sỹ Đào Văn Tú cụ thể hóa lý tưởng của mình bằng việc nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.

Với Kỹ sư Tạ Văn Thịnh, anh luôn suy nghĩ và tự định hướng mình phải cập nhật khoa học kỹ thuật mới nhất để ứng dụng phục vụ cho công việc của bản thân ở Viện Nghiên cứu khoa học và thiết kế, Liên doanh Việt -  Nga Vietsovpetro; đồng thời, lan tỏa tinh thần tích cực, lý tưởng cách mạng đến các bạn trẻ để tạo phong trào xây dựng và phát triển kinh tế.

Kỹ sư Tạ Văn Thịnh cụ thể hóa lý tưởng bằng việc cập nhật khoa học kỹ thuật mới nhất để ứng dụng phục vụ cho công việc.

Kỹ sư Tạ Văn Thịnh cụ thể hóa lý tưởng bằng việc cập nhật khoa học kỹ thuật mới nhất để ứng dụng phục vụ cho công việc.

Em học sinh Trần Thế Trung luôn cố gắng trau dồi về đạo đức và tìm hiểu thêm về lịch sử dân tộc cũng như lịch sử cách mạng Việt Nam; qua đó hiểu thêm về công lao của Đảng, của Bác với vận mệnh của dân tộc. Là một học sinh, thời gian qua, em luôn nỗ lực hết mình học tập và rèn luyện để  có một bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người con, cháu trong gia đình, một người đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Em luôn cố gắng đề ra cho mình những giải pháp trong học tập, làm sao đạt hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, em cũng thiết thực tham gia, tổ chức các hoạt động Đoàn, hoạt động thiện nguyện ngoại khóa để cùng các bạn đoàn viên  nâng cao phong trào học tập, trau dồi kiến thức, đạo đức hiểu biết thêm về lịch sử, văn hóa của đất nước.

Em Trần Thế Trung luôn nỗ lực học tập và rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi.

Em Trần Thế Trung luôn nỗ lực học tập và rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi.

ĐỂ THẾ HỆ TRẺ TIẾP TỤC KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN

Chia sẻ những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên, thế hệ trẻ, GS.TS. Hoàng Chí Bảo cho rằng, trở lại câu chuyện về giáo dục lý tưởng cách mạng, rèn luyện ý chí, nghị lực để sống và hành động xứng đáng nhất với niềm tin của Đảng, của nhân dân vẫn là bài học thường xuyên với thế hệ trẻ.

“Tôi cho rằng, thực hiện lý tưởng cách mạng của thế hệ trẻ lúc này là đặc biệt chú trọng tình cảm với Tổ quốc, ý thức với dân tộc. Sâu xa ra là tình cảm với nhân dân, ý thức tôn trọng nhân dân, phục vụ nhân dân và suốt đời coi việc phục vụ nhân dân là lẽ sống cao thượng”.-GS.TS. Hoàng Chí Bảo bày tỏ.

Thứ hai, tuổi trẻ có hoài bão, khát vọng, ý chí vươn lên, làm chủ được khoa học, công nghệ, thể hiện mình là người có tiềm lực trí tuệ, phát triển trí thông minh, tài sáng tạo để nghề nghiệp mình đảm nhiệm được thực hiện tốt nhất; để mỗi công việc hàng ngày của chúng ta là ngày sống đầy sáng tạo, đầy khát vọng, hoài bão, để tốt hơn, đúng hơn, ý nghĩa hơn. Hãy theo gương Bác học suốt đời, học văn hóa, học kỹ thuật công nghệ, học ngoại ngữ, học trong đời sống, học trong nhà trường, học các thế hệ cha anh và tự mình rèn luyện học tập để mãi mãi xứng đáng là người thanh niên trí thức có lý tưởng.

Thứ ba, tích lũy kinh nghiệm sống. Chính từ thực tiễn cuộc sống, chính từ trải nghiệm trong hoạt động thực tiễn, mỗi người trẻ tự trưởng thành, tự rút ra cho mình bài học thấm thía về nhân sinh, về lẽ sống, về đạo đức. Những điều ấy, quy tụ lại, dần dần giúp cho tuổi trẻ chúng ta có được cái gọi là bản lĩnh chính trị. Giữ vững niềm tin nhất là trước tình trạng phức tạp hiện nay, khi mà cuộc đấu tranh tư tưởng, khi mà cuộc đấu tranh lý luận, nhất là giáo dục ý thức hệ cho tuổi trẻ là cần thiết và quan trọng.

GS.TS Hoàng Chí Bảo khẳng định, nếu làm được những điều như thế, chúng ta sẽ có một thế hệ trẻ có tài, có đức, có tâm huyết, ý chí, nghị lực và trí tuệ để thực hiện được lý tưởng cao quý mà Đảng và Bác Hồ đã dành cho thế hệ trẻ.

Theo đồng chí Vũ Tiến Tiệp, cần phải thấy rõ hơn các yêu cầu đối với cán bộ trẻ hiện nay, phải đảm bảo cả về đức và tài. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đoàn. Bởi cán bộ là gốc của mọi công việc và thực tế cũng đã cho thấy rõ điều này.

Đối với cán bộ đoàn, nếu như để có một phong trào tốt, sôi động và thu hút được nhiều thanh niên tham gia tích cực, cống hiến, rèn luyện và đóng góp tích cực cho xây dựng phát triển đất nước thì  cần có những cán bộ đoàn tốt. Và cán bộ đoàn phải tốt thì mới thiết kế được các chương trình, phong trào, hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tổ chức được các hoạt động có tính khả thi. Từ đó, Trung ương Đoàn đã tập trung đưa ra một số giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn, hội, đội đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng. Việc này đã được nêu rất rõ trong Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI. Trong đó có một số nội dung trọng tâm như:

Thứ nhất, Đoàn tập trung tổ chức tốt vào khâu cán bộ, đó là đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, phát huy, bổ nhiệm, luân chuyển… đảm bảo đúng theo quy định và phải có sự lựa chọn kỹ càng, chất lượng.

Thứ hai, đối với cán bộ của cấp Trung ương và cấp tỉnh thì Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI cũng đã đề ra chủ trương 1+2 để rèn luyện và đào tạo cán bộ. Đó là đối với cán bộ đoàn Trung ương, cán bộ đoàn cấp tỉnh hằng năm mỗi đồng chí phải có 2 tháng xuống cơ sở, để cùng bàn, cùng làm, cùng tháo gỡ khó khăn tại cơ sở để từ đó có những tham mưu lại cho cán bộ Đoàn các cấp nhằm đưa ra các giải pháp chỉ đạo hiệu quả. Từ việc đi cơ sở này đã góp phần đào tạo cán bộ, vừa nắm chắc về lý luận chính trị đồng thời cũng đảm bảo tính thực tiễn. Trong 2 năm qua, việc đi cơ sở đã được các cấp bộ Đoàn triển khai tích cực, rõ nét.

Thứ ba, rèn luyện nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn các cấp. Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã ban hành Kết luận số 26 về việc tiếp tục thực hiện rèn luyện tác phong và lề lối công tác của cán bộ Đoàn, trong đó nêu rõ 8 điều cán bộ Đoàn nên làm và 8 điều cán bộ Đoàn không nên làm, trong đó nhấn mạnh vào các nội dung rèn luyện về tư tưởng chính trị, về đạo đức, trách nhiệm với công việc để nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ Đoàn gương mẫu, trách nhiệm, trung thực và sâu sát với cơ sở.

Ngoài ra, Trung ương Đoàn cũng ban hành quy định về chế độ học tập lý luận chính trị để từ đó nâng cao năng lực chính trị trong công tác chỉ đạo, công tác quản lý, đồng thời xây dựng Đề án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn  2018-2020. Trong đó đề ra các chỉ tiêu nhằm nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn, chất lượng từ tư tưởng đến năng lực, đến kinh nghiệm công tác; đề ra các giải  pháp để đảm bảo việc  học hỏi, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế từ đó đưa cán bộ Đoàn đi học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị trong và ngoài nước.

Trong thời gian qua, Ban bí thư Trung ương Đoàn cũng đã ban hành các giải pháp rất đồng bộ và đã triển khai sâu rộng đến các cấp bộ Đoàn. Từ đó, góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ Đoàn từng bước vững mạnh hơn, chất lượng hơn, góp phần đưa phong trào Đoàn và phong trào thanh niên ngày càng phát triển.

Các ý kiến tại buổi tọa đàm cũng thống nhất, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, quan trọng, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thích đáng. Đầu tư cho giáo dục, trong đó có giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ là đầu tư cho tương lai của đất nước. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, của các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình và toàn xã hội; tạo điều kiện tối đa cho thế hệ trẻ học tập, lao động, cống hiến, là lực lượng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Theo đó, cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và vận động toàn xã hội thấy được ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ; nhìn nhận đúng thế mạnh, cũng như những hạn chế vốn có của giới trẻ Việt Nam, đổi mới nội dung, phương thức giáo dục thanh thiếu niên. Đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh thiếu niên; cùng với nhà trường giáo dục hình thành nhân cách và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thế hệ trẻ phát triển toàn diện.

Cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị, đạo đức, bảo đảm thực chất, giúp thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc, toàn diện về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sống có văn hoá, nghĩa tình, phấn đấu thực hiện mục tiêu "độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội", bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển đất nước….

Đặc biệt là chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh thiếu niên qua các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ, qua đó, vừa làm công tác giáo dục, vừa phát huy vai trò của lớp trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đồng thời, tăng cường khả năng đoàn kết, tập hợp thanh thiếu niên vào tổ chức…

Th. Nguyễn Mỹ Chinh

Đại học Y dược Hải Phòng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất