Thứ Bảy, 21/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 26/12/2017 14:6'(GMT+7)

Giáo dục tâm thức thực sự cần thiết với thanh niên

Giáo sư Nam Jin Hyang thuyết giảng cho sinh viên Trường Đại học Thương mại.

Giáo sư Nam Jin Hyang thuyết giảng cho sinh viên Trường Đại học Thương mại.

Chúng tôi đã trao đổi với Giáo sư Nam Jin Hyang, Giám đốc đại diện IYF tại Hà Nội, diễn giả của Viện Giáo dục Tâm thức Quốc tế (IMEI) để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết lý do ra đời chương trình đào tạo tâm thức? Tác dụng và ý nghĩa quan trọng nhất của chương trình?

GS Nam Jin Hyang: Xã hội ngày càng phát triển nhanh, nền kinh tế các quốc gia cũng phát triển chóng mặt, kéo theo nhiều vấn đề trong xã hội như nghiện game, bạo lực học đường, ngược đãi, ly dị… Đây là những vấn đề xảy ra do thiếu giáo dục tâm thức.

Nhà sáng lập Park Ock Soo của IYF đã nghiên cứu, giáo dục tâm thức làm thay đổi nhận thức bằng cách tác động vào tấm lòng, phát hiện ra dòng chảy và quy luật trong tấm lòng con người, để bất cứ ai được học và nắm rõ quy luật đó thì có thể giải quyết được những vấn đề đang đè nặng trong lòng và sống cuộc đời hạnh phúc. Một ngôi nhà cần một bản thiết kế tối ưu để gia đình sống an toàn, thoải mái và chúng ta cũng cần một bản thiết kế cho cuộc sống của chính mình. Khi có tinh thần đúng đắn và sâu sắc, cuộc sống sẽ thành công và hạnh phúc, gia đình hòa thuận và xã hội thân thiện, an toàn.

Vào tháng 7/2012, hơn 30 bộ trưởng của hơn 20 quốc gia trên thế giới đã tham gia Diễn đàn Bộ trưởng Thanh niên Thế giới. Họ đã nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục tâm thức và đưa ra tuyên bố chung sau khi thảo luận kế hoạch hợp tác thực tiễn. Vào năm 2013, IMEI được chính thức thành lập tại Hàn Quốc. Thông qua chương trình giáo dục tâm thức đầu tiên trên thế giới này, IMEI giúp những người trẻ tuổi là tương lai của đất nước thay đổi tâm thức để có ý thức hệ đúng đắn và tấm lòng tươi sáng.

PV: Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật đã đạt được của chương trình giáo dục này ở các nước, nhất là tại Hàn Quốc?

GS Nam Jin Hyang: Hoạt động ở hơn 90 nước trên thế giới, chúng tôi đã gặp được nhiều nhà lãnh đạo để triển khai chương trình và qua đó đã có rất nhiều thanh, thiếu niên được thay đổi. Một số nước ở châu Phi, như: Uganda, Zambia, Benin,... đã hỗ trợ IYF bằng cách cấp đất để xây dựng khu trung tâm đào tạo về tinh thần cho thanh, thiếu niên. Tại Hàn Quốc và Kenya đã thành lập khoa đào tạo về giáo dục tâm thức.

Hằng năm, chúng tôi tổ chức một chương trình rất lớn là cắm trại thế giới. Đây là cơ hội để thanh, thiếu niên trên toàn thế giới giao lưu với nhau. Trong chương trình đó chúng tôi còn tổ chức Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học trên toàn thế giới và Hội nghị các Bộ trưởng Thanh niên với hơn 30 nước trên thế giới đến tham dự để bàn về những vấn đề của thanh niên.

PV: Là Giám đốc đại diện của IYF tại Hà Nội, ông có thể cho biết những thành công bước đầu của chương trình tại đây? Theo ông, phải làm gì để chương trình này được triển khai hiệu quả hơn ở Việt Nam?

GS Nam Jin Hyang: Có thể nói thành công bước đầu của IYF tại Việt Nam là chương trình Hội nghị Hiệu trưởng lần thứ nhất tại Việt Nam. Chương trình đã có hơn 80 hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng tham dự. Qua chương trình này, họ đã nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục tâm thức, nên sau khi kết thúc có rất nhiều trường thể hiện mong muốn IYF có thể hỗ trợ tổ chức các chương trình như vậy. Sau đó, chúng tôi tổ chức nhiều chương trình giáo dục tâm thức cho sinh viên, giáo viên tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Kết quả, chương trình nhận được nhiều phản ứng tích cực của sinh viên và giảng viên các trường, như: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Đại học Thương mại…

Vào cuối tháng 3/2017, chúng tôi đã tổ chức thành công chương trình cắm trại thế giới lần đầu tiên tại Cung điền kinh Mỹ Đình với sự góp mặt của hơn 1.000 sinh viên và nhiều hiệu trưởng các trường đại học, cùng sự tham dự của không ít khách mời nổi tiếng, như: Ông Vũ Mão, 3 anh em gia đình Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Trung, Nguyễn Lân Cường,… Mọi người đều rất ngạc nhiên và đánh giá cao chương trình. Việc Chính phủ Việt Nam cho phép IYF hoạt động, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với sự phát triển toàn diện và tầm nhìn xa của Chính phủ đối với tương lai của thanh, thiếu niên Việt Nam.

PV: Hoạt động chủ yếu của giáo dục tâm thức là hướng về giới trẻ, vậy ông có những nhận xét và cảm nhận gì về giới trẻ Việt Nam?

GS Nam Jin Hyang: Tôi thấy sinh viên Việt Nam rất thông minh. Họ tiếp thu và tiếp cận những cái mới rất nhanh. Nhưng hiện nay do công nghệ thông tin bùng nổ, các em có xu hướng quan tâm nhiều đến những hoạt động giải trí hơn là các hoạt động cho cộng đồng. Tôi cho rằng đó cũng là vấn đề của thanh niên nhiều nước trên thế giới. Khi chúng tôi tổ chức chương trình tại nhiều trường đại học, cao đẳng, số lượng sinh viên thực sự tập trung lắng nghe không nhiều, vì đa số các em dùng smartphone hoặc nói chuyện với nhau. Tuy nhiên, với những sinh viên tập trung lắng nghe thì chúng tôi nhận thấy tấm lòng của họ cũng thay đổi tích cực hơn. Chúng tôi rất muốn chương trình này được triển khai hiệu quả ở Việt Nam. Bởi chúng tôi đã nhìn thấy hiệu ứng tích cực ở gần 100 nước.

PV: Cảm ơn ông!

Nguyễn Hoài/Báo QĐND (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất