GDTX LÀ GÌ?
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, xu thế xã hội hóa giáo dục, xây dựng “xã hội học tập, học tập suốt đời” là tất yếu, làm nền tảng cho việc đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước. Trong đó, GDTX được coi là một hình thức giáo dục phù hợp với xu thế giáo dục mới. Bởi vì, trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng thì việc học tập của mỗi con người không thể dừng lại ngay sau quá trình học tập tại nhà trường, nhất là các trường phổ thông, khi họ còn trẻ, mà phải được duy trì trong suốt cuộc đời. GDTX có vai trò giúp những người có nhu cầu học tập suốt đời thực hiện được nguyện vọng này.
GDTX không những tạo điều kiện cho những người từng đi học và tạo cơ hội học tập cho cả những ai chưa bao giờ đi học, từ đó góp phần vào việc mang lại công bằng xã hội và bình đẳng trong giáo dục. Vì vậy, khi xây dựng xã hội học tập cần xác định mọi người phải xác định học tập suốt đời như một nghĩa vụ của công dân.
GDTX có các chức năng cơ bản: 1) Chức năng nối tiếp: Với những người bỏ học giữa chừng, GDTX sẽ nối lại quá trình học tập của họ, làm cho việc học tập của người dân được thực hiện tiếp tục, liền mạch. 2) Chức năng bổ sung: Những người đã được học, nhưng có nhu cầu học tập tiếp tục sẽ được cung ứng những tri thức và kỹ năng nhờ quá trình giáo dục chính quy hoặc không chính quy để bù đắp những kiến thức và kỹ năng thiếu hụt, hoặc những kỹ năng cần thiết phục vụ tốt hơn trong quá trình lao động, giao lưu xã hội giúp họ phát triển trong điều kiện xã hội thay đổi nhanh chóng về các phương diện sản xuất, kinh doanh, quan hệ đối ngoại. 3) Chức năng hoàn thiện: Giáo dục thường xuyên mang lại cơ hội học tập để con người hoàn thiện mình hơn về kiến thức, kỹ năng và thái độ, hoàn thiện những phẩm chất để được phát triển hài hòa, phù hợp với sự phát triển của xã hội. 4) Chức năng hỗ trợ giáo dục chính quy: Giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên bổ sung cho nhau nên, các chương trình GDTX phải được khuyến khích và không ngừng hoàn thiện để có thể bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho giáo viên và người học. Giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên đều phải hướng tới sự phát triển của các kỹ năng thực hành.
Hiện nay, GDTX ở nước ta được thể hiện trong các chương trình sau: 1) Chương trình xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; 2) Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học: cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; 3) Chương trình đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ; 4) Chương trình giáo dục để lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân.
|
GDTX là loại hình giáo dục luôn cần đến sự tham gia của cộng đồng nhiều hơn so với giáo dục chính quy. Chất lượng và hiệu quả của chương trình giáo dục thường xuyên phụ thuộc vào mức độ đáp ứng nhu cầu của người dân ở từng cộng đồng.
GDTX là một cấu trúc giáo dục mở được thể hiện như sau:
Một là, mở về đối tượng học tập: Mọi người không chỉ học ở hệ thống giáo dục ban đầu mà có nhu cầu học tập đều được hệ thống giáo dục tiếp nhận, không loại trừ một ai, không có rào cản việc học tập của bất cứ ai.
Hai là, mở về địa điểm học tập: Mỗi người sẽ mở dần việc lựa chọn địa điểm học tập như học tại trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ, cơ quan, công sở và tại nhà.
Ba là, mở về thời gian học tập: Việc học không chỉ đóng khung theo khung thời gian cố định, mà học trong mọi lúc có thể, trong lúc làm việc, hội họp, nghỉ ngơi, giao lưu, diễn ra trong suốt cuộc đời.
Bốn là, mở về phương pháp học tập: Với người lớn, học tập có thể theo phương pháp truyền thống như tới lớp nghe giảng viên trình bày tài liệu, song cũng có thể học theo nhóm có sự hướng dẫn, dưới hình thức trao đổi, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm.
Năm là, mở về phương tiện học tập: Ngoài phương tiện học tập như tài liệu được in ấn thường thấy, còn sử dụng các thiết bị như vô tuyến truyền hình, máy tính, điện thoại di động.
Sáu là, mở về ý tưởng học tập: Những ý tưởng cần được đặt ra cho người lớn đi học đang cần chú ý là mở rộng nghề, phát triển dịch vụ xã hội, lập nghiệp, khởi nghiệp, chuyển đổi nghề nghiệp…
Bảy là, mở về nội dung học tập: phát triển các chương trình giáo dục khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ sản xuất, dạy nghề ở địa phương, đa dạng hóa chương trình xóa mù chữ, xây dựng các chương trình phục vụ phát triển nông thôn mới, đô thị văn minh, hỗ trợ xây dựng các mô hình học.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN GDTX
Đổi mới GDTX, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập phải được xác định là một nội dung quan trọng trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Giáo dục thường xuyên phải được nhìn nhận như một chính sách giáo dục quốc gia, phải được ưu tiên trong các chính sách giáo dục. Phát triển mạnh mẽ GDTX, từ việc đổi mới những chính sách cho đến việc đổi mới nội dung, phương pháp, phương tiện để bảo đảm các điều kiện cho việc học tập suốt đời cho người dân đạt kết quả tốt nhất.
Cần nhận thức phát triển GDTX, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập là công cụ chủ yếu để thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng phát triển đất nước bền vững.
|
Cần đổi mới nội dung, phương pháp GDTX để từng bước xây dựng hệ thống giáo dục mở. Thực hiện khung trình độ quốc gia. Thực hiện việc đánh giá, công nhận văn bằng theo quy định của Luật Giáo dục, khuyến khích người dân có thể học tập, nâng cao trình độ theo bất kỳ con đường nào mà đạt chuẩn đầu ra. Đẩy mạnh giáo dục E-learning với hình thức học tập khác bảo đảm các tiêu chí học tập: vừa đủ, kịp thời, cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, thường xuyên, liên tục, tiết kiệm chi phí.
Chuẩn hóa cở sở vật chất, chương trình và tài liệu giáo khoa đối với giáo dục thường xuyên. Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cách đánh giá và công nhận trình độ theo các chuẩn đầu ra quy định theo khung trình độ quốc gia.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm ban hành điều lệ hoạt động cho trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên nhằm thống nhất trong quản lý. Phát huy quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục phát triển mạnh GDTX.
Các địa phương thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng để cán bộ quản lý, giáo viên của trung tâm được tiếp cận, cập nhật mô hình mới, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu. Tạo sự liên thông giữa giáo dục chính quy và không chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân, xây dựng hệ thống giáo dục mở, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập./.
TS. Nguyễn Đắc Hưng
Ban Tuyên giáo Trung ương
_____________________________
(Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số 9/2019)