PHẢI THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM VỀ DẠY LỊCH SỬ TRONG XÃ HỘI
Một dân tộc sẽ là con số 0 nếu mất đi lịch sử của mình. Chính lịch sử mang trong nó vận mệnh lớn lao, những chất chứa cả mấy nghìn năm để làm điểm tựa cho dân tộc ta vững bước đi tới tương lai. Môn học lịch sử không chỉ dạy sự kiện, đó là môn khoa học nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Tìm về lịch sử, chúng ta gặp lại tổ tiên ta, những con người anh hùng “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” đã gìn giữ, xây dựng Tổ quốc, từ đó, thấy mình cần làm những việc xứng đáng với tiền nhân. Ước mơ chúng ta vẫn muốn con cháu ta tốt hơn, đẹp hơn cha ông của mình. Vậy con đường nào dẫn lối?
Lịch sử bản thân nó đã là một môn học hay và hấp dẫn. Vì trong đó có ân oán tình thù, có mưa rơi máu chảy, có âm mưu tranh đoạt, có chiến tranh vệ quốc... Tất cả cùng nhau hòa quyện, vừa khoa học vừa ly kỳ như một bộ phim làm cho người ta thích. Nhưng chúng ta đối xử thế nào để khiến cho học sinh Việt Nam lại không thích bộ phim ấy? Phải chăng khi ép các em phải “học thuộc” các sự kiện biên niên dẫn đến tâm lý “sợ” học lịch sử như một môn học khô khan và “hãi hùng”.
Quan điểm cần thay đổi rõ ràng nhất: lịch sử không đơn thuần là một môn học, càng không nên là một môn học thuộc lòng, phải hiểu lịch sử là một giá trị quý báu của dân tộc để kể, để trao truyền, dặn dò thì ta sẽ nghiêm túc với lịch sử. Người làm giáo dục cần thoát ra khỏi suy nghĩ “Môn lịch sử”, để bước cao lên mà dạy cho các em biết về “Giá trị lịch sử”, thì đấy là lúc học sinh mới tìm về được cái chân chính của hai chữ Lịch sử.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ DẠY "GIÁ TRỊ LỊCH SỬ"
Chúng ta đang thiếu sự liên kết của lịch sử với cuộc sống, cần đưa lịch sử vào cuộc sống để gạt đi nỗi thờ ơ của học sinh. Tại sao không phải Hai Bà Trưng, Bà Triệu hay Mai Thúc Loan, mà chính Ngô Quyền mới là người chấm dứt một nghìn năm Bắc Thuộc? Đơn giản là vì những vị anh hùng khác không có được nền tảng chính trị như Ngô Quyền. Cần làm cho học sinh hiểu rõ, trước khi giành chiến thắng trận tiền ở sông Bạch Đằng, chấm dứt một nghìn năm Bắc thuộc, Ngô Quyền đã được dòng họ Khúc mà cụ thể là Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo… đặt nền móng tự chủ như thế nào? Mở rộng ra, bài học ấy có thể làm những “chỉ dẫn” cho học tập và cuộc sống. Giả dụ như học dở Toán, Lý, Hóa, nếu mất gốc thì phải học lại từ căn bản. Trong cuộc sống, muốn cất cánh bay cao, trước tiên phải biết cội nguồn, gốc rễ, nền tảng của mình từ đâu, lợi thế, điểm tựa của mình là gì... Câu chuyện về khởi nghĩa Lam Sơn cũng là một bài học quý. Lê Lợi khi dựng cờ khởi nghĩa ở Thanh Hóa thường tiến lên phía trước để sớm đến Thăng Long. Kết quả, ngài thất bại liên tục. Nhưng sau nghe lời Nguyễn Chích, lùi lại về Nghệ An, thế là lật ngược thế cờ, mở ra các chiến thắng cho đến ngày độc lập. Bài học được đưa ra là “Lùi một bước biển rộng trời cao”. Sống trên đời cũng vậy, biết lùi đôi khi tốt hơn nhiều, lùi để tiến lại mạnh hơn.
Nếu chúng ta dạy như thế, mỗi câu chuyện lịch sử là một bài học cho cuộc sống thì thử hỏi học sinh sao không yêu lịch sử?
Có một lối dạy và học cũ. Đó là giáo viên dạy lịch sử nói “Các em, lật vở ra, kiểm tra bài cũ”. Học sinh học thuộc trong trí nhớ ngắn hạn, trả bài và sau đó là quên. Các đề thi, các bài kiểm tra luôn là kể diễn biến, kết quả, ý nghĩa của một trận đánh. Đấy chính là cái sai lầm lớn nhất trong việc dạy sử ở trường học.
Tất cả học sinh phổ thông ở ta đều thiếu một điều rất quan trọng: tư duy lịch sử. Giáo dục lịch sử không nên quên rằng trong lịch sử có đầy đủ phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu khoa học và các loại hình tư duy: tổng hợp, phân tích, tranh luận và phản biện. Đề thi lịch sử của Vương Quốc Anh có câu sau: “Nếu bạn là Napoleon, bạn sẽ làm gì để không thua trận Waterloo?”. Còn chúng ta có thể sẽ là câu hỏi? “Trận Waterloo, công tước Wellington đã loại khỏi vòng chiến mấy nghìn quân Pháp?” Thay vì yêu cầu học sinh thống kê thành tích của một vị tướng, nếu ta hỏi: “Theo em, 10 vị tướng tài năng nhất của nhân loại là những ai?” thì chắc chắn học sinh sẽ thích thú tìm câu trả lời hơn.
Quá thiếu câu chuyện trong giảng dạy cũng là một vấn đề trong giáo dục lịch sử hiện nay. Trong khi chính các câu chuyện mới là điều khiến học sinh yêu thích môn lịch sử. Hãy kể các câu chuyện và tạo ra hứng thú cho học sinh, hơn là đi thống kê các báo cáo về quân số thiệt hại. Xin dẫn lại làm ví dụ một câu chuyện lịch sử như sau: “Năm 1442, vua Lê Thái Tông băng hà trong vụ án Lệ Chi Viên. Nguyễn Trãi và gia tộc bị “tru di tam tộc”. Trước khi mất, Lê Thái Tông sinh ra 4 người con, đấy là Nghi Dân, Bang Cơ, Khắc Xương và Tư Thành. Khi 4 người con ấy đi vào cuộc tranh thiên hạ, đã tạo nên cuộc giành ngôi vương thảm khốc nhất lịch sử phong kiến Việt Nam: Bang Cơ lên ngôi, Nghi Dân giết, Tư Thành lên ngôi, Khắc Xương tự sát. Đó là câu chuyện về “Tứ vương đoạt đích” của Việt Nam”. Đọc lên những dòng ấy, có phải chúng ta “gai cả người” lên? Nhưng có mấy ai dành thời gian kể cho các em nghe các chuyện này? Dù cho chính các câu chuyện như thế mới là con đường dẫn các em tới say mê, chứ không phải là bắt các em lên kiểm tra bài cũ và kể ra ngày sinh tháng đẻ của Lê Thái Tông hay Lê Thánh Tông? Lịch sử là câu chuyện, không phải là con số thống kê. Chúng ta đang dạy sử theo cách bắt con em học thuộc sử như học công thức vật lý. Điều này không khác gì chuyện bạn đi học thuộc công thức tính động năng dài tới 4 hàng cả.
Cuối cùng, thiếu thực địa là một vấn đề. Một đất nước có bề dày lịch sử cũng như rất nhiều di tích lịch sử, chứng tích chiến tranh như nước ta, mà lại thiếu thực địa là quá vô lý. Những năm tháng phổ thông ở Quảng Bình, bên cạnh trường tôi học là di tích Lũy Thầy, biểu trưng cho thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh. Tôi đã chứng kiến phế tích Tam Tòa “trơ gan cùng tuế nguyệt”, những địa điểm cảm khái người thập phương, trên đó khắc rõ hai chữ lịch sử. Nhưng không ai chỉ cho chúng tôi để biết, để nhận thức đó là lịch sử. Chúng tôi thiếu vắng những tiết học ngoại khóa được đến viện bảo tàng hay những lăng mộ, đền đài, nơi cất giữ linh khí của tiền nhân. Xin hỏi, nếu vậy, hậu nhân bao kẻ cảm được hồn thiêng sông núi?
TRẬN ĐÁNH KHÔNG CHỈ RIÊNG CỦA NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Người trẻ cũng cần phải nhớ rằng, các môn học không chỉ là cây cầu dẫn đường các em vào cánh cửa đại học, cao đẳng. Khi ra đời, những môn học đọng lại chính là phương pháp luận, là tư duy. Trong đó, lịch sử là môn học sẽ vẫn ở lại, dặn dò cho ta những bài học và những chiêm nghiệm sống, gián tiếp cho các em những kỹ năng mềm trong mọi hoạt động và mối quan hệ. Lịch sử là sứ giả của quá khứ đến với hiện tại và dặn dò về tương lai. Người hiểu về lịch sử là hiểu được quy luật vận động cuộc sống. Trong một xã hội công nghệ lên ngôi, thì kỹ năng mềm là ưu thế khiến ta trở nên khác biệt một cách độc đáo. Khi ra đời, chính sự hiểu biết về lịch sử trong các cuộc nói chuyện với đối tác, những lần luận đàm, sẽ giúp ta có chiều sâu văn hóa và nhận được sự tôn trọng.
Trách nhiệm của người nghiên cứu là đi sâu khai phá các vấn đề lịch sử, dịch thuật, khảo cổ. Nhưng cũng cần ai đó có trách nhiệm đem lịch sử vào trong cuộc sống. Nhiệm vụ đó cần có sự vào cuộc của khắp cả xã hội, từ những người làm sách, làm báo, game show, đến nền âm nhạc, điện ảnh... nước nhà. Đó mới là những lối đi gần gũi nhất, thiết thực nhất với người trẻ. Hãy nhìn cách mà nước láng giềng Trung Quốc đã làm phim với Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hán Sở tranh hùng, Tùy Đường diễn nghĩa, Xuân Thu Chiến Quốc… Sự hấp dẫn của các bộ phim này khiến người trẻ dù thờ ơ đến đâu cũng sẽ quan tâm đến lịch sử. Lịch sử Việt Nam ta có cả một kho tàng những câu chuyện phong phú, sinh động, thú vị và hấp dẫn, là nguồn nguyên liệu, chất liệu dồi dào để làm nên những bộ phim kinh điển. Nếu bỏ qua không khai thác thì thật là đáng tiếc.
Hãy cho các em được sống cùng với lịch sử, tư duy cùng lịch sử, và các em sẽ tự nhiên yêu lịch sử mà không cần ai gượng ép. Tôi có niềm tin rằng, trong lòng mỗi người trẻ có tình yêu dành cho môn Lịch sử, nhưng đã không được vun vén đúng cách.
|
Trong bối cảnh internet, mạng xã hội phát triển như hiện nay, người trẻ càng có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận với thông tin, nguồn dữ liệu về mọi khoa học, trong đó có lịch sử. Và đó cũng là cơ hội để sử học đến với công chúng nói chung, người trẻ nói riêng bằng nhiều con đường, nhiều kênh khác nhau. Nhiều trang Fanpage đã được lập ra thu hút hàng nghìn thành viên với những mục đích tích cực, lan tỏa tình yêu với lịch sử, truyền thụ kiến thức lịch sử. Những người yêu thích tìm hiểu văn hóa truyền thống Đại Việt có thể tham gia trang Đại Việt Cổ Phong hoặc Hoa Văn Đại Việt, thích các bộ phim diễn họa lịch sử thì không thể không đến với Việt Sử Kiêu Hùng, thích nghe các câu chuyện lịch sử thì có thể cùng chia sẻ ở các fanpage như The Xfile of History, hoặc người trẻ cùng gặp gỡ kể sử cho nhau qua Sử Talk, trên youtube... Những người hứng thú với lịch sử thế giới, lịch sử chiến tranh thì có “Hội những người thích tìm hiểu về thế chiến thứ 2” hoặc “Tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam (Viet Nam War)”. Thậm chí, mới mẻ hơn nữa là đến với dự án trò chơi thẻ bài huyền sử Việt Nam là Sử Hộ Vương. Chưa kể còn rất nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội tranh luận về lịch sử. Dẫu thế, vẫn phải nhấn mạnh rằng môi trường mạng xã hội dù rằng dễ lan tỏa nhưng cũng đầy rủi ro về thông tin thật - giả. Người đọc cần có một cách tiếp cận khoa học, trái tim “nóng” để say mê, và cái đầu “lạnh” để phân biệt đúng - sai. Để những kênh lan tỏa tình yêu lịch sử này phát huy được ưu thế, rất cần có những người có kiến thức tốt trong cả giới hàn lâm, khoa học lịch sử lẫn giới “sử học bình dân” tham gia cùng người trẻ để chia sẻ góc nhìn, cung cấp thông tin, để định hướng, để truyền cảm hứng.
Vậy nên mới nói, để học sinh yêu lịch sử, hẳn nhiên không phải là “trận đánh” của riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo mà phải là trách nhiệm và nỗ lực, ý thức từ mỗi một người yêu sử, từ giới hàn lâm học thuật cho đến giới “bình dân sử học” cũng như mỗi cơ quan chức năng có liên quan làm cây cầu đưa lịch sử đi cùng đời sống./.
Dũng Phan là tác giả của cuốn “Sử Việt - 12 khúc tráng ca” được nhiều người trẻ yêu thích. Năm 2017, khi cuốn sách ra mắt, đã có hàng ngàn bạn trẻ tham gia sự kiện ra mắt sách ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, và 5.000 cuốn sách Sử đã bán hết chỉ sau 2 ngày.
|
Dũng Phan
______________________________
(Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số 8/2019)