Trong những năm qua Việt Nam được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá là nước có những thành tựu đáng kể về giáo dục, đào tạo so với nhiều nước có thu nhập tính theo đầu người tương đương.
Hệ thống giáo dục đầy đủ các cấp học ở mọi vùng
Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống giáo dục đầy đủ các cấp học ở mọi vùng, miền với nhiều loại hình trường lớp với số lượng học sinh đến trường ở các cấp ngày một tăng. Giáo dục đại học, cao đẳng cũng ngày càng được mở rộng về quy mô đào tạo, cơ sở vật chất ngày càng được nâng cấp, chương trình đào tạo dần dần được đổi mới. Nền giáo dục đại học Việt Nam một mặt đã đáp ứng xu hướng thế giới là tiến tới phổ cập giáo dục đại học, mặt khác vẫn giữ nền tảng giáo dục tinh hoa.
Các trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) được củng cố và phát triển, mở rộng quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề đào tạo, đang từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cả nước hiện có 553 cơ sở có đào tạo TCCN, trong đó: 246 trường trung cấp chuyên nghiệp, 201 trường cao đẳng đào tạo TCCN, 74 trường đại học có đào tạo TCCN, 32 cơ sở đào tạo TCCN, quy mô đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp là 614.516 học sinh.
|
Nền giáo dục nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, và đang chờ đợi một cuộc bứt phá ngoạn mục. Ảnh: Xuân Trung |
Công tác dạy nghề phát triển mạnh mẽ. Quy mô đào tạo nghề dưới một năm vào khoảng 1.268.150 người, ở bậc trung cấp nghề, cao đẳng nghề là 394.350.
Nhìn lại trước Cách mạng tháng Tám, cả nước có 640.615 sinh viên trong đó chỉ có 582 sinh viên đại học, đến nay cả nước có khoảng 1,8 triệu sinh viên đại học, cao đẳng. Cả nước có hơn 400 trường đại học, cao đẳng (trong đó có 77 trường dân lập); đã có 40/63 tỉnh, thành phố có trường đại học; 62/63 tỉnh/thành phố có ít nhất 1 trường đại học hoặc trường cao đẳng.
Tỉ lệ biết chữ của người dân được nâng cao
Nếu như năm 1945 nước ta còn 95% người dân mù chữ, thì đến thời điểm này cả nước đã có hơn 97% người dân biết chữ. Năm 2000, Việt Nam đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập tiểu học. Từ năm học 2002-2003, tỷ lệ biết chữ của người lớn trong độ tuổi 15-24 đã đạt gần 95%, số năm đi học trung bình của người dân đạt mức 7,3 năm. Việc dạy chữ dân tộc đã được đẩy mạnh ở các địa phương, nhờ đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số mù chữ giảm mạnh.
Để thấy được khách quan, theo Báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố cho thấy, Việt Nam đã đạt được những thành tích ấn tượng trong giáo dục cả về số lượng và chất lượng.
Theo đó, tại Báo cáo “Việt Nam: Nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi người đến năm 2020” cho thấy: Giáo dục Việt nam có thành tích lớn về định lượng trong một thời gian ngắn, đồng nghĩa với thành công trong phổ cập giáo dục trên diện rộng, các thành tích về học tập cũng được cải thiện. Điều này đồng nghĩa với việc giáo dục đạt được những thành tựu cả về số lượng và chất lượng.
Báo cáo chỉ ra rằng tương xứng với mức thu nhập của mình, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng liên quan đến giáo dục cơ bản. GDP đầu người năm 2009 của Việt Nam gần bằng 1/7 mức thu nhập trung bình của các nước khu vực Đông Á và Thái Bình Dương và bằng ¼ các nước có mức thu nhập trung bình. Nhưng tỷ lệ người biết chữ của Việt Nam ngang bằng với 2 nhóm nước này.
Kể từ đầu những năm 1990, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc liên quan đến trình độ học vấn chủ yếu ở cấp tiểu học và trung học. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi từ 22- 25 chưa đạt bất cứ trình độ học vấn nào năm 1992 là 23% đã giảm xuống dưới 1% năm 2008.
Xác định mục tiêu để đổi mới
Trong chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2001-2010 kêu gọi sự thay đổi căn bản trong giáo dục nhằm đáp ứng các yêu cầu về nguồn nhân lực trong giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Trong đó có mục tiêu đổi mới ở tất cả các cấp giáo dục, với đội ngũ giảng dạy đông đảo hơn và có chất lượng hơn, cải thiện quản lý giáo dục và xây dựng khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ hơn cho giáo dục.
Để xác định những định hướng đổi mới ngành giáo dục đã quan tâm tới những mục tiêu như: Đổi mới mục tiêu, nội dung và chương trình, xây dựng đội ngũ giáo viên và hiện đại hóa các phương pháp giảng dạy, đổi mới quản lý giáo dục, đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân và phát triển hệ thống trường học, tăng cường nguồn lực tài chính và hạ tầng cơ sở giáo dục, tăng cường sự tham gia của xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế.
Thành tựu mới nhất của ngành giáo dục
Trong bản báo cáo mới đây nhất của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại Hội nghị tổng kết năm học 2011-2012 nêu rõ, đã có thêm nhiều trường đạt chuẩn quốc gia: Có thêm 402 trường mầm non nâng tổng số lên 2.828 trường đạt 21% tăng 2,1% so với năm học trước. Cấp tiểu học có thêm 445 trường, nâng tổng số lên 7.130/15.273 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia đạt 46,68%. THCS có thêm 493 trường, nâng tổng số đạt chuẩn quốc gia lên 2.748 trường đạt 25,31%. THPT có 378 trường đạt 14,20% tăng 86 trường so với năm học 2010-2011.
Cũng trong năm học vừa qua, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”: Có 99,75% số trường tham gia phong trào, xây dựng mới 10.546 nhà vệ sinh nâng tổng số lên 62.434 công trình vệ sinh, số cây xanh được trồng trong năm học này là 1.766.076 cây nâng tổng số lên 7.454.427 cây xanh.
Số học sinh bỏ học giảm dần theo từng năm: Năm học 2011-2012 còn 88.305 học sinh (HS), giảm 90.034 HS so với năm trước là 178.339 HS, giảm 11.034 HS so với năm học 2009-2010. Năm học vừa qua cũng có 25.389 câu lạc bộ HS được thành lập, giúp các em rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội.
Đến nay 100% tỉnh, thành phố đã phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 của địa phương; trong đó có 9 tỉnh đăng ký hoàn thành mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi trong năm 2012. Hiện nay, cả nước có 3 tỉnh đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015.
Chuẩn bị cho một cuộc đổi mới căn bản
Ngày 1/10/2012, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã khai mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và có bài phát biểu quan trọng khai mạc Hội nghị. Tổng Bí thư nêu rõ những vấn đề mà Hội nghị lần này bàn và quyết định đều rất quan trọng, trong đó có giáo dục và đào tạo.
Vấn đề phát triển giáo dục - đào tạo, Tổng Bí thư chỉ rõ, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, đã được coi là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Cách đây 16 năm, Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đến năm 2010. Lần này, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, chúng ta bàn về vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ. Có một loạt câu hỏi đặt ra cần được thảo luận, làm rõ như: Vì sao lúc này phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ? Phạm vi, mục tiêu, yêu cầu của mỗi Đề án thế nào? Đổi mới căn bản là gì, toàn diện là gì? Nội hàm phát triển khoa học và công nghệ? Những chủ trương, chính sách, biện pháp gì cần phải thống nhất ban hành để lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới giáo dục - đào tạo.
Trước đó, đã có rất nhiều Hội thảo bàn luận đưa ra những ý kiến để xây dựng một nền giáo dục hiện đại, trong sạch, mang tầm quốc tế và có tính hội nhập đã được mở ra. Nhiều ý kiến các chuyên gia bày tỏ và kỳ vọng ở Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI sẽ giải quyết được “căn bản”, khắc phục được những hạn chế của nền giáo dục đào tạo hiện nay, quyết tâm đưa sự nghiệp trồng người thực sự thành “quốc sách hàng đầu”./.
Theo GDVN